Chuỗi trà sữa thuần Việt lớn nhất nhì Hà Nội vừa tuyên bố 2 tháng nữa sẽ có mặt tại Mỹ
"Nếu không có gì thay đổi, khoảng 2 tháng nữa, cửa hàng TocoToco đầu tiên sẽ có mặt tại Mỹ. Nhìn ra xa hơn, chúng tôi mong muốn đem thương hiệu trà sữa Việt đến với một số quốc gia khác trường khác tại châu Âu và châu Á", ông Bùi Tuấn Anh, giám đốc điều hành công ty cổ phần TMDV Taco Việt Nam chia sẻ
- 16-10-2017CEO The Coffee House: Ten Ren không chỉ cạnh tranh với các đối thủ trà sữa mà còn nhìn đến thị trường xa hơn của Pepsi, Coca
- 06-10-2017Gong Cha, Ding Tea, Tiên Hưởng đã có thêm đối thủ mới: The Coffee House tuyên bố "nhảy" sang lĩnh vực trà sữa, sẽ mở 40 cửa hàng trong năm 2018
- 27-09-2017Cửa hàng trà sữa Royaltea Đài Loan đầu tiên được nhượng quyền chính thức ở Việt Nam là tại Đà Nẵng
Trà sữa du nhập vào Việt Nam từ đầu những năm 2000 nhưng phải mất vài năm sau đó, thức uống này mới được giới trẻ ưa chuộng. Nhưng rồi bẵng đi một thời gian, người ta thấy trào lưu trà sữa hạ nhiệt dần. Nhiều cửa hàng phải thanh lý hoặc đóng cửa, số khác vẫn chật vật tồn tại.
Tưởng rằng trà sữa sẽ chìm vào quên lãng thì đến 2012, các thương hiệu Đài Loan đổ bộ vào Việt Nam, vẫn là món trà sữa ngày nào nhưng được phục vụ theo một phong cách hoàn toàn mới: trà sữa uống kèm topping, phát triển mô hình dạng chuỗi, không gian thiết kế bài bản không kém bất kỳ quán cà phê tên tuổi nào.
Và ánh hòa quang của trà sữa dần dần trở lại, đặc biệt vào khoảng cuối 2016 đầu 2017.
Theo một khảo sát của Lozi, trong năm 2017, thị trường trà sữa Việt Nam chứng kiến sự bùng nổ với 100 thương hiệu lớn nhỏ cùng tồn tại và trên 1.500 điểm bán. Có những thương hiệu lớn từ Đài Loan như Dingtea, Gongcha, Bobapop, Tiên Hưởng, có những thương hiệu từ Nhật Bản như Goky, đến từ Singapore như Koi Thé và đến từ Việt Nam như TocoToco.
Chuỗi TocoToco: 150 điểm bán tại Việt Nam, 2 tháng nữa sẽ có mặt tại Mỹ?
Ra đời năm 2013 dưới sự quản lý của công ty cổ phần TMDV Taco Việt Nam, Tocotoco mở cửa hàng đầu tiên tại phố Bạch Mai (Hà Nội). Đến nay, thương hiệu này đã vươn lên top dẫn đầu thị trường với 150 điểm bán phủ sóng khắp 3 miền. Theo một khảo sát của Q&Meeo thực hiện trong tháng 5/2017, tại thị trường Hà Nội, TocoToco là một trong ba thương hiệu được khách hàng ghé thăm nhiều nhất.
Ông Bùi Tuấn Anh, giám đốc điều hành công ty Taco cho biết, một trong những bí quyết thành công của Tocotoco nằm ở việc thấu hiểu nhu cầu khách hàng, luôn đa dạng hóa sản phẩm để đáp ứng những yêu cầu ngày càng khó tính từ phía khách hàng.
"Dòng trà sữa của TocoToco hiện nay rất đa dạng với gần 20 vị khác nhau. Tuy nhiên, về cơ bản, một ly trà sữa của chúng tôi sẽ bao gồm trà, sữa nhập khẩu và topping ăn kèm. Trà được sử dụng tại hệ thống TocoToco không phải loại trà túi lọc mà là trà búp tôm hai lá được trồng trên các cao nguyên hoặc vùng núi.
Đặc biệt, chúng tôi làm trân châu 100% từ bột sắn Việt Nam và ủ trong đường đen Okinawa Nhật Bản với hương vị thơm ngon dẻo dai đặc trưng là một trong những topping được yêu thích nhất của chuỗi".
Dù sở hữu số lượng cửa hàng lên đến hơn 100, có những cửa hàng thuộc quản lý trực tiếp của công ty, có những cửa hàng theo hình thức tự nhượng quyền nhưng theo ông Tuấn Anh, đã làm chuỗi là phải luôn đặt uy tín lên hàng đầu, đồng bộ hóa toàn bộ cửa hàng theo những tiêu chuẩn cố định.
“Chúng tôi có khung tiêu chuẩn và ràng buộc cụ thể với các bên nhượng quyền, cả về chất lượng sản phẩm và chất lượng dịch vụ.
Trong thời gian tới, TocoToco sẽ tiếp tục phát triển hệ thống chuỗi để duy trì chỗ đứng trên thị trường, đồng thời mở rộng hệ thống nhà xưởng, nhà máy đáp ứng nhu cầu uống trà sữa ngày càng ca.
Chúng tôi muốn văn hóa trà sữa lan tỏa. Trà sữa sẽ trở thành sản phẩm thân quen, là đồ uống gần gũi hàng ngày của nhiều người Việt”.
"Nếu không có gì thay đổi, khoảng 2 tháng nữa, cửa hàng TocoToco đầu tiên sẽ có mặt tại Mỹ. Nhìn ra xa hơn, công ty mong muốn đem thương hiệu trà sữa Việt đến với một số quốc gia khác trường khác tại châu Âu và châu Á", ông Tuấn Anh tiết lộ.
Vì sao trà sữa "hot" đến thế?
Xét trên khía cạnh người tiêu dùng, trà sữa đặc trưng bởi vị ngọt, béo ngậy, phù hợp với nhiều đối tượng khách hàng, không chỉ học sinh, sinh viên mà ngay cả trẻ em, giới văn phòng đều yêu thích. Bên cạnh đó, trà sữa liên tục “biến hình” để đáp ứng mọi nhu cầu của khách hàng, từ những dòng trà kem cheese, trà hoa quả cho đến trà ít béo.
Một điểm cộng nữa khiến trà sữa được ưa chuộng chính là phong cách phục vụ. Thay vì những hàng quán nhỏ, những xe đẩy cổng trường như trong quá khứ, trà sữa được thiết kế thành không gian rộng rãi, có chỗ ngồi cố định, có điều hòa mát lạnh…
“Nếu thế hệ 8x trước đây thường chọn các quán cà phê để gặp gỡ, chuyện trò, thì với thế hệ 9x, 2000, xu hướng đang chuyển dần sang các quán trà sữa”, một chuyên gia trong ngành nhận định.
Trà sữa giờ đây không còn là trào lưu nhất thời, đây là xu hướng quá sức hấp dẫn đang được nhiều nhà đầu tư quan tâm và đã bắt tay thực hiện. Có thể kể đến sự gia nhập của hàng loạt các ông lớn ngành F&B như The Coffee House bắt tay với thương hiệu Ten Ren đến từ Đài Loan, Golden Gate ra mắt thương hiệu trà sữa Yu-tang hay như đại gia fastfood KFC đã đưa món trà sữa vào menu trên toàn hệ thống kinh doanh của mình.
Trong bối cảnh hiện nay, việc mở cửa hàng trà sữa tại các thành phố lớn sẽ ngày càng khó khăn vì mặt bằng bán lẻ phù hợp đang trở nên khan hiếm. Bên cạnh đó, mức độ cạnh tranh khá gay gắt vì nhiều thương hiệu mới ra nhập thị trường. Dù mỗi thương hiệu trà sữa đều có một sản phẩm làm thế mạnh nhưng phần lớn các lọai trà sữa đều có hương vị "na ná" nhau, rất khó để có thể tìm được sự khác biệt. Như vậy, bài toán cuối cùng quy về chính là bài toán chất lượng dịch vụ.
Giám đốc điều hành Taco cũng nhận định, một thương hiệu muốn thành công cần đặt yếu tố chất lượng và dịch vụ lên hàng đầu, bên cạnh đó phải chú trọng đến các yếu tố như thiết kế, bối cảnh, không gian quán…
“Hãy làm sao để khách hàng không chỉ thưởng thức hương vị đồ uống mà còn hưởng trọn vẹn phong cách phục vụ nhiệt tình và không khí riêng tại cửa hàng. Đó cũng là lộ trình chúng tôi đang hướng tới”, ông Tuấn Anh kết luận.
Trí thức trẻ