MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chướng ngại bất ngờ với FED trên con đường hạ lãi suất: Dân Mỹ quá giàu nhờ "trúng đậm" cổ phiếu, thu về gần 4 nghìn tỷ USD nhờ đầu tư chứng khoán

06-06-2024 - 12:38 PM | Tài chính quốc tế

Chướng ngại bất ngờ với FED trên con đường hạ lãi suất: Dân Mỹ quá giàu nhờ "trúng đậm" cổ phiếu, thu về gần 4 nghìn tỷ USD nhờ đầu tư chứng khoán

Giới chuyên gia nhận định, việc dân Mỹ ghi nhận khoản lợi nhuận khổng lồ nhờ cổ phiếu và cổ tức đã giúp họ chi tiêu mạnh tay bất chấp giá cả tăng vọt. Do đó, Fed khó có thể đạt được mục tiêu lạm phát cũng như điều chỉnh lãi suất.

Lynn Hogan và chồng thường tự ví von mình là “những chú rùa” vì họ kiên trì với việc đầu tư có định hướng rõ ràng trong nhiều thập kỷ.

Trong “cuộc chạy đua” với lạm phát hiện nay, hoá đơn siêu thị “tốn” 200 USD là chuyện bình thường. Và hầu hết những người đã nghỉ hưu ở Mỹ không thể bắt kịp đà tăng của giá cả.

Lợi nhuận từ các khoản đầu tư ổn định và lâu dài, bao gồm cả cổ tức, đã giúp vợ chồng Hogan có thể cho con gái theo học trường đào tạo bác sĩ thú y. Hogan cho biết, đối với bà, lạm phát không phải là điều đáng lo.

Ở Mỹ, lợi nhuận đầu tư ngày càng tăng và các hộ gia đình kiếm được tiền một cách hiệu quả hơn, cùng với đó là thị trường lao động vẫn “nóng” lên và tiền lương tăng cao. Nhờ đó, hàng triệu người như gia đình Hogan vẫn thoải mái chi tiêu trong thời kỳ giá cả tăng vọt.

Lãi suất cao đã giúp người tiêu dùng nhận được lợi nhuận chưa từng có, đẩy giá trị tài sản các hộ gia đình Mỹ lên mức kỷ lục. Nhiều người có thu nhập cao đã tránh được tác động tiêu cực của lạm phát.

Theo bộ Thuơng mại Mỹ, trong quý I/2024, dân Mỹ kiếm được khoảng 3,7 nghìn tỷ USD từ tiền lãi và cổ tức hàng năm, tăng khoảng 770 tỷ USD so với 4 năm trước đó. Trong quý cuối cùng của năm 2023, tài sản nắm giữ bằng cổ phiếu, bất động sản và các tài sản khác như lương hưu đã đạt mức kỷ lục trong thời gian Fed theo dõi.

Chướng ngại bất ngờ với FED trên con đường hạ lãi suất: Dân Mỹ quá giàu nhờ

Tuy nhiên, việc tài sản của các hộ gia đình tăng giá trị lại tạo ra một nhược điểm. James Marple, nhà kinh tế cấp cao tại TD Bank, cho biết việc dân Mỹ chi tiêu nhiều hơn cho hàng hoá và dịch vụ sẽ khiến “Fed khó đạt được mục tiêu lạm phát hơn”.

Trước đây, nhiều nhà đầu tư cho rằng lãi suất cao hơn sẽ gây sức ép cho giá cổ phiếu của các doanh nghiệp lớn, khiến lợi nhuận tương lai của họ sụt giảm.

Tuy nhiên, sự hào hứng liên quan đến lĩnh vực AI đã thúc đẩy các chỉ số chứng khoán lớn lên gần mức kỷ lục, đặc biệt là cổ phiếu của các công ty công nghệ, nhà sản xuất chip và thậm chí là ngành tiện ích. Hiện tại, Phố Wall vẫn đặt cược NHTW sẽ hạ lãi suất trong năm nay và điều này sẽ càng đẩy các chỉ số tăng mạnh hơn.

Marple nhận định tình trạng này sẽ càng khiến mọi thứ phức tạp hơn.

Các nhà kinh tế thường không đồng tình về việc giá tài sản tăng lên sẽ khuyến khích người tiêu dùng chi tiêu và khả năng thúc đẩy của tình trạng này đến nền kinh tế về lâu dài. Tuy nhiên, trong môi trường lãi suất cao, nhiều khoản đầu tư của người Mỹ cũng đang tạo ra dòng “tiền tươi thóc thật”, có thể “chảy” vào nền kinh tế thông qua các nhà hàng, khách sạn và cửa hàng.

Victor Hernandez, 55 tuổi, nhân viên sale lĩnh vực công nghệ ở Nam California, tăng mức độ nắm giữ trái phiếu chính phủ và doanh nghiệp trong những tháng gần đây để có được khoản lợi nhuận an toàn. Trái phiếu chiếm 1/3 tỷ trọng trong danh mục của ông.

Giá cả tăng cao khiến Hernandez và vợ phải trì hoãn kế hoạch mua ô tô mới và dự định cải tạo vườn nhà. Song, họ lại không ngần ngại mua cho con trai một bộ lốp xe mới và chuẩn bị du lịch khắp nước Mỹ, sau đó đến Tây Ban Nha. Ở những buổi gặp gỡ gia đình, họ đều đặt đồ chế biến sẵn.

Nhìn chung, giá cổ phiếu tăng và lợi nhuận từ trái phiếu đã giúp Hernandez có khả năng chi tiêu tốt hơn, tạo điều kiện để ông đạt được mục tiêu nghỉ hưu sớm và giúp 2 cậu con trai mua nhà.

Chướng ngại bất ngờ với FED trên con đường hạ lãi suất: Dân Mỹ quá giàu nhờ

Việc tiền liên tục “chảy” vào túi những gia đình như Hernandez đang làm dấy lên cuộc tranh luận giữa một số nhà phân tích, rằng liệu lãi suất cao hơn có thực sự kích thích nền kinh tế hay không.

Washington đã bơm hàng nghìn tỷ USD để hỗ trợ người dân trong đại dịch, thúc đẩy các dự án năng lượng sạch, bán trái phiếu để giải quyết tình trạng thâm hụt ngân sách. Theo số liệu quý I/2024 của Bộ Thương mại Mỹ, nợ công ngày càng tăng cùng lãi suất ở mức cao nhất trong hơn 2 thập kỷ đã đẩy chi phí lãi vay của chính phủ lên gần 1,1 nghìn tỷ USD hàng năm.

Đó chính là yếu tố mang đến lợi nhuận cho các doanh nghiệp nhiều tiền mặt hoặc người dân Mỹ gửi tiền tiết kiệm vào các quỹ MMF - lĩnh vực có tỷ suất sinh lời 5% hàng năm.

Đối với Delores McKinley, một kế toán về hưu, các khoản đầu tư có rủi ro thấp “vẫn an toàn ở một chỗ” và mang lại lợi nhuận tốt.

Andy Constan, CEO của công ty tư vấn đầu tư Damped Spring Advisors, cho biết lợi nhuận trái phiếu chính phủ cao hơn có thể đã thúc đẩy hoạt động chi tiêu của người Mỹ. Song, khi Fed phát tín hiệu khó có khả năng tiếp tục tăng lãi suất, thì tốc độ tăng trưởng của khoản lợi nhuận đó dự kiến sẽ chậm lại đáng kể

Trong khi đó, chi phí đi vay cao hơn đang tác động đến nhiều doanh nghiệp nhỏ cần vay vốn hơn, những người có ý định mua nhà đang tìm cách thức thế chấp và những người Mỹ có thu nhập thấp hơn đang mắc nợ thẻ tín dụng.

Constan cho biết: “Ở giai đoạn này, lãi suất cao hơn sẽ gây tổn hại cho nền kinh tế nhiều hơn”.

Tham khảo WSJ

An Chi

Nhịp sống thị trường

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên