Chương trình hạt nhân của Triều Tiên “ngốn” bao nhiêu tiền?
Tương quan ngân sách quốc phòng của Triều Tiên so với GDP là vượt xa bất kỳ quốc gia nào khác...
- 09-07-2017[Video] Mỹ điều “siêu” máy bay ném bom tới bán đảo Triều Tiên
- 05-07-2017Xe tải Trung Quốc trong vụ Triều Tiên phóng tên lửa gây xôn xao
- 04-07-2017Triều Tiên thử thành công tên lửa có thể bắn tới "tận cùng trái đất"
Triều Tiên được cho là đang tiến gần đến khả năng chế tạo một tên lửa có khả năng mang đầu đạn hạt nhân tấn công vào đại lục Mỹ. Câu hỏi mà nhiều người có thể đang đặt ra là chương trình vũ khí hạt nhân của nước này tiêu tốn bao nhiêu?
Theo hãng tin AP, Hàn Quốc đã ước tính chi phí cho chương trình hạt nhân của Triều Tiên dao động từ 1-3 tỷ USD mỗi năm. Trong đó, con số 3 tỷ USD bao gồm ngân sách cho cả phát triển vũ khí hạt nhân và tên lửa.
Trong khi đó, một tàu ngầm tấn công lớp Virginia chạy bằng năng lượng hạt nhân của Hải quân Mỹ có giá khoảng 2,5 tỷ USD. Hàng không mẫu hạm USS Gerald Ford, tàu sân bay mới nhất của Mỹ, có giá khoảng 8 tỷ USD, chưa bao gồm chi phí phát triển.
Bộ Quốc phòng Hàn Quốc ước tính chi phí của 31 quả tên lửa đạn đạo mà Triều Tiên phóng thử kể từ khi ông Kim Jong Un lên cầm quyền vào cuối năm 2011 đến tháng 7 năm ngoái là 97 triệu USD. Hàn Quốc cho rằng giá của một quả tên lửa Scud dao động từ 1-2 triệu USD; mỗi quả Musudan có giá từ 3-6 triệu USD; và mỗi quả tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm có giá từ 5-10 triệu USD.
Cho tới tháng 7 năm ngoái, ông Kim Jong Un đã cho phóng 16 tên lửa Scud, 6 tên lửa Rodong, 6 tên lửa Musudan, và 3 tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm.
Năm nay, Triều Tiên đã thực hiện 11 vụ thử tên lửa, phóng 17 quả tên lửa, trong đó có một tên lửa đạn đạo xuyên lục địa được phóng thử vào đầu tháng 7 này.
Tổng ngân sách quốc phòng của Triều Tiên được cho là vào khoảng 10 tỷ USD mỗi năm, tương đương 20-25% tổng sản phẩm trong nước (GDP) của nước này. GDP của Triều Tiên được Seoul ước tính dao động từ 30-40 tỷ USD.
Số tiền 2 tỷ USD mà Triều Tiên được cho là thu về từ xuất khẩu trong năm 2015 chắc chắn không đủ để trang trải cho chi tiêu quốc phòng của nước này. Tuy nhiên, Triều Tiên còn có nguồn ngoại tệ từ hàng chục nghìn lao động ở nước ngoài, và có thể có các hoạt động xuất khẩu vũ khí trái phép và tội phạm mạng giúp mang lại ngoại tệ.
Ngân sách quốc phòng tuyệt đối của Triều Tiên không phải là lớn, nhưng tương quan ngân sách quốc phòng của nước này so với GDP là vượt xa bất kỳ quốc gia nào khác.
Nhà nghiên cứu Curtis Melvin thuộc Viện nghiên cứu Mỹ-Triều thuộc Đại học Johns Hopkins cho rằng nếu những con số ước tính trên về chương trình hạt nhân-tên lửa của Triều Tiên là chính xác, thì đây là một gánh nặng, nhưng chưa đến mức gây bất ổn đối với nền kinh tế Triều Tiên.
“Đây là một cái giá đắt đỏ, nhưng có lẽ vẫn là mức giá mà Triều Tiên có thể chịu được mà không gây ra nhiều sự phản kháng trong tầng lớp ‘tinh hoa’ của nước này”, ông Melvin nói. “Thực ra, giới tinh hoa của Triều Tiên có thể sẽ cảm thấy ít an toàn hơn nếu không có chương trình hạt nhân, cho dù chi phí của chương trình này trong tương quan với nền kinh tế lên cao hơn đi chăng nữa”.
Một khi đã sở hữu vũ khí hạt nhân mạnh, Bình Nhưỡng có thể giảm ngân sách cho các lĩnh vực khác trong quân đội và chuyển số tiền này sang cho nền kinh tế. Có thể nhà lãnh đạo Triều Tiên đã bắt đầu làm việc này.
Ngân sách được công bố chính thức của Triều Tiên cho thấy chi cho các chương trình công cộng gia tăng. Ông Kim Jong Un cũng đặt chiến lược phát triển đồng thời vũ khí hạt nhân và nền kinh tế quốc gia.
Các chuyên gia ước tính GDP của Triều Tiên đã tăng trưởng chậm hoặc ít nhất là duy trì kể từ khi ông Kim Jong Un lên nắm quyền. Ít nhất, Triều Tiên đã có sự tăng trưởng rõ rệt trong các dự án xây dựng và cơ sở hạ tầng, bên cạnh sản xuất hàng tiêu dùng, trong 5 năm qua.
VnEconomy