Chuyện 1 sở có 44 cán bộ, 2 nhân viên: Ai xây “tháp ngược“?
Biết là ngược, nhưng sao cứ xây và ai xây là câu hỏi lớn, không chỉ dân suy nghĩ mà các cấp lãnh đạo cũng phải tự vấn.
- 02-11-2016Một sở 44 lãnh đạo: Hải Dương không phải là duy nhất
- 29-10-2016Sở toàn lãnh đạo: Sẽ thanh tra không chỉ ở Hải Dương
- 22-10-2016Chủ tịch tỉnh Hải Dương: Sở toàn sếp là chuyện rất lớn
- 18-10-2016Chuyện như đùa ở Hải Dương: Sở có 44/46 người là lãnh đạo
Đúng ra, bộ máy hành chính sở Lao động Thương binh Xã hội (LĐTBXH) của tỉnh Hải Dương là 44 nhân viên, 2 lãnh đạo, mà các nhà quản lý học gọi là hình tháp thuận. Thực tế trái lại: 2 nhân viên, 44 lãnh đạo, trong đó 1 trưởng, 43 phó. Vậy là hình tháp ngược. Đã ngược đời thì không thể nói xuôi giọng như ông nguyên Giám đốc Sở này, mới đây: “đề bạt nhiều cán bộ là vì dân chứ không vì cái gì khác.” Không phải bàn, thì ai cũng biết “vì dân” ở đây là cái phông, là màn che, dù là thưa rành, nhưng nói nhiều quá, quen mồm mất rồi.
Biết là ngược, nhưng sao cứ xây và ai xây là câu hỏi lớn, không chỉ dân suy nghĩ mà các cấp lãnh đạo cũng phải tự vấn.
Bộ máy hành chính sở Lao động Thương binh Xã hội (LĐTBXH) của tỉnh Hải Dương là 2 nhân viên, 44 lãnh đạo, trong đó 1 trưởng, 43 phó. Vậy là hình tháp ngược.
Là một nước thuần nông, tự cung tự cấp nên người nông dân muốn thoát ly công việc ruộng đồng khó nhọc vào nhà máy, hầm mỏ làm công nhân. Ai được học hành tử tế muốn làm công chức, viên chức nhà nước. Vào cơ quan nhà nước phấn đấu làm lãnh đạo từ cấp cơ sở trở lên. Có chức, ắt có quyền, có quyền ắt có lợi. Quyền càng cao, chức càng trọng, lợi càng nhiều, càng ham. Ham quá hóa hám. Đã hám quyền lực thì làm cho bằng được, bằng bất kỳ giá nào, kể cả lách luật, phạm luật, thậm chí không còn liêm sỉ, dày đạp lên đạo đức, mất hết nhân phẩm. Có kẻ, có lúc mất cả tính người.
Nếu như đời xưa chỉ có “một người làm quan cả họ được nhờ” bó gọn trong xã hội thuần nông thì ngày nay trong nền kinh tế thị trường, quan niệm ấy, cung cách ấy đã phát triển, nở rộ như nấm sau mưa. Nào là cả nhà làm quan, cả họ làm quan, cả nhà làm quan huyện. Nào là chồng trưởng đề bạt vợ làm phó, rồi con trai, con gái, con dâu, con rể đến họ hàng thông gia đều có chân trong ban lãnh đạo. Quyền lực một khi không được kiểm soát rốt ráo đã trở thành “vấn nạn quốc gia”. Nguồn gốc sâu xa”một trưởng lắm phó” là chỗ đó.
Thực tế cho thấy nhiều nơi, nhiều cơ quan, nhiều người không hám quan mà muốn làm chuyên môn thật tốt, thật hiệu quả, có ích cho đời. Nhưng nghịch lý rành rành là có học thức cao, có chuyên môn giỏi, có nhiệt tâm với công việc, nhưng lương và thu nhập chỉ là nhân viên, cán sự, chuyên viên, “ba cọc ba đồng” không đủ sống. Có đến tiến sỹ, phó giáo sư mà không có mác “chủ nhiệm bộ môn” trở lên thì cũng khó sống, nói chi đến giảng dạy tốt, nghiên cứu sâu. Để cho những con người ấy xứng đáng thì chỉ có cách là thông cảm, chiếu cố đề bạt, ít nhất là cấp phó.
Muốn làm cán bộ thì cơ bản tối thiểu phải là đảng viên. Không ít người chưa hiểu về đảng, thậm chí chưa “đồng chí hướng”, nhưng vẫn tha thiết vào Đảng, để được là “đồng chí”. Được đồng chí là được đề bạt, tối thiểu cũng là cấp phó.
Muốn trở thành cán bộ, dù cấp phó nhỏ nhất, phải qua Chi ủy, Thường vụ Đảng ủy xem xét, cất nhắc. Bỏ phiếu tín nhiệm chỉ là tham khảo. Cơ chế như vậy nên người lãnh đạo Đảng cao nhất ở chi bộ, đảng bộ phải nắm chắc, quán xuyến, thậm chí thao túng chi ủy, thường vụ. Không hiếm trường hợp muốn đề bạt con còn non kém vào cấp lãnh đạo cao, người cha là Bí thư đảng ủy đã kiến tạo từ thường vụ. Họ là đồng môn, đồng hương, họ hàng, phe nhóm. Thường vụ 9 người chỉ cần các loại “đồng” phân nửa, cộng thêm Bí thư là chắc thắng rồi. Một người làm quan cả nhà, cả họ, cả làng được cậy là chỗ đó đó. Loạn phó cũng chỗ ấy.
Cứ gõ vào Google “cấp phó” cho thấy hàng loạt chỉ số: quá nhiều xã thừa cấp phó, rồi phòng, sở, vụ, cục, Tổng cục, Bộ. Không chỉ thừa một theo quy định mà hai, ba, năm và cả chục. Vì sao Chính phủ, Bộ Nội vụ đã quy định cấp phó như đinh đóng cột mà các địa phương, Ban, ngành vẫn tăng phó ào ào. Có ba lý do: một là xét năng lực, phẩm chất cán bộ, hai là theo yêu cầu chức năng, nhiệm vụ, ba là địa lý xa xôi cách trở (ở địa phương) quá nhiều ngành, đầu việc (ở cơ quan) Vậy nên xin cấp trên chiếu cố xem xét. Tất nhiên cấp dưới đã “xin” quyết liệt, đánh đổi bằng mọi cách, mọi thứ thì cấp trên “thương”, “thông cảm hoàn cảnh” nên “cho”. Vậy là “có đi có lại” tất “toại lòng nhau”. Chả thế mà “hoàng hôn nhiệm kỳ” nhiếu sếp chính quyền kiêm Cán sự Đảng, Bí thư Đảng bộ đã vung bút ký đề bạt ào ào. Cả trưởng lẫn phó tuôn ra như nấm độc sau cơn mưa bất chợt, trái mùa.
Hám quyền lực, lợi ích nhóm, cục bộ và cơ chế “xin – cho” đã xây nên mô hình “tháp ngược”./.
VOV