Chuyện chưa kể về sự cố "con ruồi thổi bay 2.000 tỷ": Một anh tài xế của Tân Hiệp Phát nhận 5 cuộc điện thoại/ngày từ người thân khuyên đừng làm cho kiểu công ty như vậy
Trong cuộc khủng hoảng của Tân Hiệp Phát hồi năm 2015, người ngoài nhìn vào chỉ thấy câu chuyện khủng hoảng truyền thông xuất phát từ một con ruồi đã "thổi bay" 2.000 tỷ đồng. Còn nội bộ của Tân Hiệp Phát lúc ấy cũng khủng hoảng không kém, đến anh tài xế cho công ty một ngày cũng nhận tới 5 cuộc điện thoại từ người thân khuyên không nên làm cho Tân Hiệp Phát…
Góp mặt tại sự kiện Fail Smart trong khuôn khổ Ngày hội khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia (Techfest 2018), bà Trần Uyên Phương - Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Tân Hiệp Phát - đã thẳng thắn chia sẻ cuộc khủng hoảng năm 2015 của Tân Hiệp Phát và cách doanh nghiệp này vực dậy khỏi "bản án con ruồi 2.000 tỷ".
Trong khủng hoảng, một anh tài xế một ngày nhận 5 cuộc điện thoại từ người thân khuyên bỏ việc ở Tân Hiệp Phát
Bình minh sẽ đến sau đêm tối. Khủng hoảng, theo một góc nhìn tích cực, lại là cơ hội để doanh nghiệp nhìn nhận lại mình.
Trong giai đoạn Tân Hiệp Phát gặp khủng hoảng, một số ứng viên cảm thấy băn khoăn, tự hỏi: "Không biết tôi có nên làm cho công ty này?"
Năm 2015, "con ruồi nửa tỷ" đã thổi bay 2.000 tỷ đồng của Tân Hiệp Phát , theo thông tin từ doanh nghiệp này. Trong câu chuyện ấy, có người nhìn đó là chuyện một khách hàng dùng chai nước Number1 có ruồi tống tiền doanh nghiệp, có góc nhìn vào việc doanh nghiệp đã đưa khách hàng chỉ ra sơ suất của mình vào tù.
Phần đông mọi người thiên về góc nhìn thứ hai. Khủng hoảng bùng phát nhanh chóng.
"Trong giai đoạn khủng hoảng, một trong những điều khiến bản thân tôi nhìn lại tất cả mọi thứ xung quanh. Đó là lúc một anh tài xế công ty 1 ngày nhận 5 cuộc điện thoại từ người thân khuyên không nên làm cho Tân Hiệp Phát".
"Lúc ấy, tôi cảm nhận được rằng cấp lãnh đạo có thể chấp nhận và hiểu sự việc đang diễn ra, nhưng câu chuyện này sẽ ảnh hưởng tới tất cả thành viên của Tân Hiệp Phát. Đặc biệt trong khủng hoảng, thông tin nội bộ quan trọng không kém thông tin ra bên ngoài. Hơn ai hết, nội bộ cần hiểu sự việc đang diễn ra như thế nào", bà Uyên Phương tâm sự.
Trong giai đoạn đó, việc tuyển người của Tân Hiệp Phát cũng gặp khó. Một số ứng viên cảm thấy băn khoăn, tự hỏi: "Không biết tôi có nên làm cho công ty này?". Với những ứng viên do bà Phương trực tiếp phỏng vấn, bà thường chia sẻ thẳng: "Đúng ra bạn không nên có mặt, bởi Tân Hiệp Phát đang đối mặt với rất nhiều khủng hoảng".
Bất ngờ là nhiều bạn trong số đó trả lời thẳng thắn rằng họ hiểu điều gì đúng, điều gì sai, và lựa chọn gắn bó với Tân Hiệp Phát.
Giải mã cách vực dậy của Tân Hiệp Phát trước "cơn bão đá" từ cư dân mạng
Ảnh minh họa. Nguồn: Doanh nhân.
Theo bà Phương, có 2 yếu tố giúp Tân Hiệp Phát vượt qua được khủng hoảng này.
Một là, nói là làm. "Chúng tôi làm những điều chúng tôi cam kết. Đó là giá trị cốt lõi của Tân Hiệp Phát", bà Phương nói.
Trước khủng hoảng, không ai quan tâm tới việc Tân Hiệp Phát sử dụng công nghệ gì. Khi khủng hoảng xảy ra, doanh nghiệp này mới tuyên bố sản phẩm của họ không thể có ruồi lọt vào vì dây chuyền sản xuất phải kiểm soát tới cả con vi trùng.
"Lúc ấy mọi người mới tò mò 1 chai nước 10.000 đồng thì được sản xuất thế nào? Và chúng tôi đón nhiều chuyến tham quan dây chuyền sản xuất từ các trường. Họ thắc mắc rất nhiều: Tại sao một dây chuyền sản xuất chai nước có 10.000 đồng mà phải đầu tư tới 30 triệu USD? Có sản xuất nước giải khát mà lại phức tạp vậy?"
"Sản xuất từ nguồn thiên nhiên, không có chất bảo quản mà vẫn giữ được 12 tháng vì phải dùng công nghệ, mà công nghệ sử dụng phải vô trùng chứ không chỉ là tiệt trùng. Tiệt trùng là có vi khuẩn chúng ta diệt, vô trùng là phải đảm bảo môi trường đó không có vi khuẩn. Cho nên, nếu có vi khuẩn thì một mẻ vài chục ngàn hộp sẽ hư hàng loạt, chứ không thể hư vài chai được", bà Phương giải thích.
Và bà cho rằng khủng hoảng xảy ra một phần do Tân Hiệp Phát đã không làm tốt nhiệm vụ thông tin.
Yếu tố thứ hai giúp Tân Hiệp Phát vực dậy khỏi khủng hoảng là Con người.
Đội ngũ Tân Hiệp Phát là những con người rất tâm huyết. Trong giai đoạn đó, Tổng Giám đốc kiêm Chủ tịch HĐQT Trần Quí Thanh (Dr. Thanh) yêu cầu mở cửa nhà máy sản xuất cho toàn bộ mọi người, để ai tò mò muốn đến tham quan thì đến.
"Chúng tôi làm việc không kể ngày đêm vì tổng số hơn 10.000 người tham quan nhà máy, mà một tour chỉ sắp xếp được cho 20 người. Các bạn hình dung số lượng người đứng ra sắp xếp, hướng dẫn, bảo đảm cho các tour tham quan là gần như làm việc ngày đêm. Nhưng mọi người rất hào hứng, tin rằng những việc mình làm đúng cho hôm nay là cơ hội để những người khác hiểu mình hơn".
"Những con người làm việc ở Tân Hiệp Phát chính là người làm nên Tân Hiệp Phát ngày hôm nay. Hai điều đó làm cho Tân Hiệp Phát sau tất cả thông tin sai đã để mọi người hiểu thêm về Tân Hiệp Phát, giúp chúng tôi có thể vượt qua được", bà Phương kể.
Ông Nguyễn Tiến Trung - Chủ tịch CTCP Tư vấn và Đầu tư Khởi nghiệp Quốc gia (NSCI), điều phối phiên thảo luận nhìn nhận: Người Việt trẻ hay nhìn sự kiện bằng một mặt và không nhìn được mặt khác của vấn đề.
"Các bạn trẻ thường hay có trào lưu " ném đá ". Ngay khi bất kỳ một sự kiện nào xảy ra, có thể không ảnh hưởng đến chúng ta nhưng điều đầu tiên các bạn làm là lên Facebook hay các phương tiện truyền thông "ném đá". Đây là một trong những điểm tôi nghĩ là rất có vấn đề của chúng ta. Khi các bạn làm khởi nghiệp cũng sẽ gặp phải trường hợp như vậy", ông Trung chia sẻ.