Chuyện chưa từng xảy ra: Trung Quốc vừa tiết lộ ba bước "hóa rồng" năm 2050 - Số 1 thế giới!
Trung Quốc vừa công bố lộ trình đầy tham vọng để vượt qua Mỹ trong một lĩnh vực mà phương Tây vẫn đang theo đuổi. Lộ trình đó là gì?
SCMP thông tin, Trung Quốc vừa công bố chương trình phát triển cấp quốc gia đầu tiên cho khoa học vũ trụ từ trung hạn đến dài hạn. Chương trình này sẽ hướng dẫn việc lập kế hoạch cho các sứ mệnh khoa học vũ trụ và nghiên cứu vũ trụ của Trung Quốc từ năm 2024 đến năm 2050, bao gồm cả việc tiến hành thám hiểm Mặt trăng có người lái vào năm 2027.
Kế hoạch này cũng thiết lập mục tiêu rõ ràng và đầy tham vọng là để vượt qua Mỹ, xây dựng Trung Quốc trở thành cường quốc khoa học vũ trụ thế giới vào năm 2050.
Chương trình phát triển quốc gia về Khoa học vũ trụ đã được 3 cơ quan là Cục Quản lý Không gian Quốc gia Trung Quốc (CNSA), Cơ quan Không gian Có người lái Trung Quốc (CMSA) và Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc (CAS) công bố vào thứ Ba 15/10.
Đây là lần đầu tiên trong lịch sử, Trung Quốc công bố rộng rãi kế hoạch tầm quốc gia này. Thông thường, quốc gia này khá kín tiếng trong việc chia sẻ chi tiết kế hoạch chinh phục không gian của mình. Bởi, tự những thành tựu mà Bắc Kinh đạt được sẽ lên tiếng thay. Do đó, lần công bố này có thể được xem là hiếm có của Trung Quốc, chứng tỏ nước này sẽ quyết tâm thực hiện cho kỳ được mục tiêu đã đặt ra.
Ba bước giúp Trung Quốc "hóa rồng" thành cường quốc vũ trụ năm 2050
Nếu như ở thế kỷ 20, Mỹ được thế giới công nhận là cường quốc vũ trụ - với hàng loạt thành tựu không gian nổi bật như lần đầu tiên trong lịch sử đưa người lên Mặt trăng (năm 1969), triển khai Chương trình Apollo dài hơi để liên tục đưa người lên khám phá vệ tinh tự nhiên của Trái đất đồng thời thu thập các mẫu vật Mặt trăng về nghiên cứu, rồi cùng với Nga xây dựng và vận hành Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS) đến tận ngày nay; Thì đến thế kỷ 21, thế giới nổi lên một địch thủ ngang tầm với Mỹ: Trung Quốc.
Nếu như người Mỹ từ chối hợp tác với Trung Quốc trong bất cứ lĩnh vực gì liên quan đến khám phá vũ trụ thì người Trung Quốc hiểu rõ điều đó và sớm tự lực trên con đường chinh phục không gian. Mặc dù bắt đầu chương trình không gian muộn hơn Mỹ và các cường quốc khác nhiều thập kỷ, Trung Quốc vẫn liên tục đạt được những cột mốc quan trọng. Đây là minh chứng.
Nếu phương Tây có Trạm ISS - Trung Quốc có Trạm Thiên Cung (phóng năm 2021); Nếu Mỹ và Liên Xô đặt chân lên Mặt trăng hồi thế kỷ 20 - Trung Quốc còn làm tốt hơn khi phóng tàu vũ trụ lần đầu tiên lịch sử chạm xuống vùng tối Mặt trăng và mang được mẫu vật về Trái đất (sứ mệnh Chang'e-6 tháng 6/2024);
Nếu NASA của Mỹ có hệ thống siêu tên lửa đẩy SLS thì Trung Quốc cũng không kém cạnh - Bắc Kinh đang ra sức chế tạo tên lửa Trường Chinh 10 nhằm đưa những phi hành gia đầu tiên của mình lên Mặt Trăng trước năm 2030.
Và nếu Mỹ có tham vọng đưa người định cư lâu dài ở Mặt trăng trong chuỗi Chương trình Artemis thế kỷ 21 thì Trung Quốc, Nga + đối tác cũng có tham vọng xây dựng Trạm nghiên cứu Mặt trăng quốc tế (ILRS) đi vào sử dụng sau những năm 2030.
Nếu chiếu theo mục tiêu vũ trụ Trung Quốc vừa công bố ngày 15/10, thì Bắc Kinh còn chưa đầy 3 thập kỷ nữa để hiện thực hóa tham vọng trở thành cường quốc vũ trụ vào năm 2050.
Để xây dựng vị trí quốc gia dẫn đầu thế giới về khoa học vũ trụ, Trung Quốc đặt ra 17 lĩnh vực ưu tiên để phát triển, mong muốn tạo ra "những đột phá mang tính cách mạng trong nghiên cứu cơ bản" ở các lĩnh vực như nguồn gốc và sự tiến hóa của vũ trụ, bản chất của không gian-thời gian, nguồn gốc của Hệ mặt trời và sự sống, cũng như thám hiểm không gian sâu có người lái, qua đó "mở rộng ranh giới tri thức của con người và thúc đẩy nền văn minh nhân loại", China Daily thông tin bổ sung.
Các kế hoạch về sứ mệnh khoa học sẽ được triển khai rõ ràng theo 3 giai đoạn: 2024 - 2027; 2028 - 2035; 2036 - 2050.
Giai đoạn 1: Trung Quốc sẽ bổ sung thêm 5 đến 8 sứ mệnh vào các dự án hiện tại. Cụ thể, Trung Quốc sẽ tiếp tục vận hành Trạm vũ trụ Trung Quốc - Thiên Cung; thúc đẩy các sứ mệnh thám hiểm hành tinh và triển khai giai đoạn thứ tư của các dự án thám hiểm Mặt trăng. Dự kiến, chuyến thám hiểm Mặt trăng có người lái đầu tiên của nước này sẽ diễn ra trước năm 2027.
Giai đoạn 2: Mục tiêu chính là phát triển và triển khai 15 sứ mệnh để tăng cường sức mạnh không gian, bao gồm cả việc phóng một Trạm nghiên cứu Mặt trăng cố định. Tiếp theo đó là bước đầu triển khai Trạm nghiên cứu Mặt trăng quốc tế (ILRS); thám hiểm ranh giới Hệ mặt trời; thám hiểm hệ thống hành tinh khổng lồ và các sứ mệnh lấy mẫu tại sao Kim.
Giai đoạn 3: Đây là giai đoạn mà các lĩnh vực khoa học vũ trụ chính của Trung Quốc sẽ đạt đến trình độ hàng đầu thế giới. Trong giai đoạn này, 5 đến 6 nhiệm vụ lớn sẽ được triển khai, cùng với khoảng 25 sứ mệnh không gian quy mô vừa đến nhỏ.
Trung Quốc cũng sẽ tiến hành nghiên cứu và phát triển khoa học vũ trụ theo 5 chủ đề khoa học là Vũ trụ cực đại; gợn sóng trong không thời gian; toàn cảnh Hệ Mặt trời-Trái đất; các hành tinh có thể sinh sống; và khám phá các quy luật của không gian.
"Chúng tôi sẽ nỗ lực thực hiện mục tiêu chiến lược "ba bước" được nêu trong kế hoạch để trở thành quốc gia dẫn đầu thế giới về khám phá vũ trụ" - Wang Chi, Giám đốc Trung tâm khoa học không gian quốc gia tại CAS, phát biểu với các phóng viên tại Bắc Kinh hôm 15/10.
Zhang Shuangnan, Giáo sư cao cấp của Viện Vật lý Năng lượng Cao, thuộc CAS và là nhà nghiên cứu chính của dự án Máy đo phân cực tia gamma - POLAR của viện, đã nói với tờ Global Times hôm 15/10 rằng ông đã tham gia vào quá trình nghiên cứu chiến lược và chuẩn bị cho việc công bố lộ trình này.
"Chúng tôi tin rằng một trong những đặc điểm nổi bật của một cường quốc vũ trụ là trở thành một cường quốc mạnh về khoa học vũ trụ".
Tham khảo: SCMP, Global Times, China Daily
Đời sống pháp luật