Chuyện con gà của Malaysia: Cấm xuất khẩu để chống lạm phát, nhưng giá tăng lại không phải do thiếu cung
Hơn 30 quốc gia đã ra lệnh hạn chế xuất khẩu một số mặt hàng thiết yếu, thế nhưng lạm phát hiện nay lại không đơn giản là do thiếu nguồn cung.
Với nhận định giá thịt gà, món ăn chủ chốt của người dân xứ sở đạo Hồi, tăng mạnh là do thiếu nguồn cung, chính phủ Malaysia đã quyết định cấm xuất khẩu loại thực phẩm này đến hết tháng 5/2022. Quyết định trên là nhằm chống lại đà lạm phát khiến giá nhiều thực phẩm leo thang, thế nhưng chúng khiến một số chuyên gia kinh tế phải nghi ngờ vì cả một câu chuyện đằng sau đó.
Lạm phát không phải do thiếu gà
Tờ SCMP cho biết việc cấm xuất khẩu gà sẽ khiến 3,6 triệu con gà mỗi tháng được cung thêm ra thị trường nội địa thay vì nước ngoài. Động thái trên được đưa ra sau khi Thủ tướng Ismail Sabri Yaakob có cuộc họp khẩn cấp với nội các về cách thức đối phó đà lạm phát tăng lên từng ngày hiện nay ở Malaysia.
Trên thực tế, câu chuyện hạn chế xuất khẩu lương thực nhằm đảm bảo an sinh xã hội, chống lạm phát đã xuất hiện ở nhiều nơi trên thế giới. Gần đây nhất, Ấn Độ đã ra lệnh hạn chế xuất khẩu đường và lúa mỳ, trong khi Indonesia cũng hạn chế bán dầu cọ ra nước ngoài. Khoảng 30 quốc gia trên thế giới cũng đã ban hành các lệnh hạn chế tương tự.
Quay trở lại câu chuyện con gà của Malaysia, một số thị trường tiêu thụ chính như Singapore, Thái Lan, Nhật Bản, Brunei... đã chịu ảnh hưởng phần nào vị lệnh cấm này. Số liệu của Singapore Food Agency cho thấy gia cầm nhập khẩu từ Malaysia, chủ yếu là gà, chiếm đến 34% lượng nhập khẩu gia cầm của nước này, chỉ đứng sau Brazil với 48%.
Tuy nhiên, dù được cho là động thái đối phó lạm phát nhưng một số chuyên gia kinh tế lại nghi ngờ về hiệu quả của lệnh cấm. Chuyên gia kinh tế Nungsari Ahmad Radhi trả lời tờ "This Week in Asia" rằng sản lượng thịt gà lẫn trứng gà của nước này thừa sức cung ứng cho người dân trong nước lẫn xuất khẩu nước ngoài. Bởi vậy nguồn cung không phải là nguyên nhân chính dẫn đến lạm phát hiện nay.
"Xuất khẩu không phải là lý do khiến giá cả đi lên hiện nay. Lạm phát thực tế là do giá thức ăn chăn nuôi tăng tới 70% kể từ khi xung đột Ukraine nổ ra, trong khi mặt hàng này lại nhập khẩu 100% từ nước ngoài", chuyên gia Nungsari nhấn mạnh.
Thức ăn chăn nuôi gà hiện nay ở Malaysia chủ yếu làm từ ngô và đậu nành nhập khẩu, thế nhưng xung đột Ukraine đã làm giới hạn nguồn cung những nguyên liệu này và khiến chi phí chăn nuôi tăng lên. Xin được nhắc là Nga lẫn Ukraine chiếm đến 20% lượng ngũ cốc xuất khẩu trên thế giới.
"Chi phí thức ăn chăn nuôi tăng cao sẽ dẫn đến thịt gà đi lên chứ chẳng liên quan gì đến việc thiếu nguồn cung hay do xuất khẩu", chuyên gia Nungsari khẳng định.
Nạn đầu cơ
Trước đà tăng giá mạnh, chính phủ Malaysia đã phải hạ mức giá trần thịt gà từ 9,1 Ringgit/kg xuống 8,9 Ringgit/kg, tương đương khoảng 2 USD. Đồng thời, Malaysia cũng đã phải tuyên bố khoản hỗ trợ trị giá 729,43 triệu Ringgit, tương đương 165 triệu USD nhằm hỗ trợ người nông dân chịu thiệt khi phải bán dưới mức giá trần.
Tuy nhiên cho đến nay, chính phủ mới chỉ giải ngân 50 triệu Ringgit sau khi Bộ nông nghiệp nước này có cuộc họp với 12 nhà sản xuất thịt gà chính.
Luật sư Steven Sim cho biết những con số này chứng minh việc có nạn đầu cơ và lũng đoạn thị trường thịt gà tại Malaysia khi bị áp giá trần nhưng nhà sản xuất lại chẳng cần nhận hỗ trợ nhiều.
Tờ StraitsTimes của Malaysia cho biết tại một số khu chợ như Taman Tun Dr Ismail, giá thịt gà bị bán ở 9,5 Ringgit/kg, vượt mức giá trần nhưng chẳng ai quản lý và cả người mua lẫn bán đều chấp nhận điều này.
"Đừng chỉ trích tôi chứ, làm sao những người bán hàng như chúng tôi có thể có lợi nhuận với mức giá trần 8,9 Ringgit/kg được khi giá mua đã là 8,7 Ringgit/kg?", một người bán thịt gà xin được giấu tên trả lời StraitsTimes.
Trong khi đó, tờ SCMP nhận định tình hình thịt gà bị lũng đoạn tại Malaysia là do những nhà sản xuất lớn thao túng, hạn chế nguồn cung với lý do thiếu thức ăn chăn nuôi để đầu cơ tăng giá. Ngay lập tức, phía chính phủ Malaysia đã có tuyên bố điều tra và cam kết sẽ trừng phạt bất cứ ai gây ảnh hưởng đến đời sống của nhân dân.
Ngoài ra, phía Bộ nông nghiệp Malaysia cũng cho biết các nhà sản xuất thịt gà sở dĩ không quan tâm mấy đến khoản hỗ trợ của chính phủ là vì đang muốn đấu tranh đòi dỡ bỏ mức giá trần để thị trường buôn bán tự do theo cung cầu.
Chuyên gia phân tích Hafidzi Razali của hãng tư vấn Bower Group Asia thì nhận định khoản hỗ trợ trên của chính phủ chỉ mang tính nhất thời, trong khi việc thương lượng dỡ bỏ giá trần sẽ đem lại lợi ích dài lâu cho các nhà sản xuất thịt gà đang lũng đoạn thị trường.
Trong khi đó, chuyên gia Yani Hardinata Hairuddin của hãng Safina Foods thì cho rằng nhiều nông trại nhỏ hay các hộ gia đình chăn nuôi nhỏ lẻ đang giảm số lượng gia cầm để hạ chi phí, qua đó giảm thiệt hại khi phải kinh doanh với mức giá trần như hiện nay.
"Mọi người đang giảm số gà nuôi để giảm thiệt hại và tìm đường ra mới. Người nông dân chỉ đơn giản là đang cố sống sót mà thôi", chuyên gia Hairuddin nhận định.
*Nguồn: SCMP, Straits Times
Nhịp Sống Kinh Tế