Chuyện con ngỗng vàng và nguyên tắc quản trị P/PC, dù là lãnh đạo cấp nhà nước, quản lý cấp công ty hay nhân viên "quèn" đều cần phải biết
Nguyên lý PC chính là hãy xem nhân viên như khách hàng và chỉ có như thế, bạn mới khiến nhân viên tình nguyện cống hiến những gì tốt nhất mà họ có, đó là trái tim và tâm trí của họ.
Chuyện về con ngỗng đẻ trứng vàng
Chuyện kể về một người nông dân nghèo. Một ngày nọ, ông tìm thấy một quả trứng vàng lấp lánh trong ổ của con ngỗng. Thoạt đầu, ông nghĩ rằng có trò lừa đảo gì đó và định ném quả trứng vàng sang một bên. Thế nhưng, ông nghĩ lại và quyết định đem quả trứng đi kiểm định.
Quả trứng bằng vàng ròng! Người nông dân không thể tin nổi mình lại có vận may này. Ông không biết trải nghiệm này có lặp lại vào sáng mai hay không. Ngày qua ngày, ông thao thức chờ trời sáng để lao đến ổ ngỗng tìm trứng vàng. Ông trở nên vô vùng giàu có, mọi việc tốt đẹp đến mức nhiều khi ông không tin đó là sự thật.
Càng giàu có, ông càng tham lam và thiếu kiên nhẫn. Ông không còn khả năng chờ đến ngày hôm sau để lấy trứng vàng nữa và bèn quyết định giết chết con ngỗng để lấy tất cả trứng vàng trong bụng nó ra. Thế nhưng, khi ông mổ bụng con ngỗng ra, ông hoàn toàn không tìm được quả trứng vàng nào trong đó. Người nông dân đã giết chết con ngỗng đẻ trứng vàng và không bao giờ nhận được thêm quả trứng vàng nào nữa.
Tác giả nổi tiếng Stephen R. Covey đã rút ra nguyên lý từ câu chuyện ngụ ngôn của Aesop mang tên "Sự cân bằng P/PC". Theo đó P là những kết quả mong đợi, ở đây là quả trứng, PC là khả năng sản xuất- con ngỗng. Tính hiệu quả của công việc hay cuộc sống của một người đạt tối ưu khi cân bằng giữa P và PC.
Nếu hình mẫu cuộc đời bạn theo hướng chú trọng vào quả trứng vàng mà bỏ qua con ngỗng thì không sớm thì muộn bạn sẽ đánh mất khả năng sản xuất ra quả trứng vàng. Ngược lại nếu bạn chỉ quan tâm tới con ngỗng mà không chú ý đến quả trứng thì bạn lại không đủ nguồn lực để nuôi sống con ngỗng hay nuôi sống bản thân.
Sự cân bằng P/PC
Về cơ bản trong cuộc sống có 3 loại tài sản: vật chất, tài chính và con người. Với vật chất, hãy lấy ví dụ là một chiếc máy cắt cỏ. Khi bạn cứ dùng mãi cái máy không hề làm gì để bảo trì nó. Chiếc máy cắt hoạt động tốt trong 2 mùa, nhưng sau đó nó bắt đầu hỏng. Khi bạn cố sửa nó cũng như mài bén lại các lưỡi cắt thì nhận ra nó đã yếu hơn trước rất nhiều hay nói cách khác nó gần như không thể sử dụng nữa.
Nếu bạn chịu đầu tư vào PC tức là bảo dưỡng chiếc máy thì có lẽ sẽ tiếp tục được tận hưởng P của nó. Tức là việc máy cắt được cỏ nhanh chóng. Và thực tế là bạn đã phải mất nhiều tiền và thời gian hơn khi thay thế cái máy cắt cỏ mới so với trường hợp bảo trì nó thường xuyên.
Để đạt được những kết quả hay món lợi ngắn hạn, ta thường hủy hoại tài sản vật chất quý giá như ô tô, máy tính, máy giặt,... thậm chí là cơ thể hay môi trường. Sự cân bằng P/PC sẽ mang lại sự khác biệt to lớn trong việc sử dụng hiệu quả những tài sản vật chất.
Tương tự với tài sản con người, mối quan hệ cân bằng này còn quan trọng hơn. Khi một cặp vợ chồng chỉ quan tâm đến việc lấy được những quả trứng vàng, những lợi ích từ hôn nhân của mình thay vì nuôi dưỡng mối quan hệ hôn nhân tốt đẹp, họ thường trở nên lãnh cảm, thiếu cân nhắc, không bận tâm đến những cử chỉ tinh tế, lịch thiệp mà dù rất nhỏ nhưng chúng lại rất quan trọng để xây dựng mối quan hệ sâu sắc.
Những cặp vợ chồng này sẽ tận dụng các hình thức kiểm soát để thao túng đối phương, chỉ quan tâm đến nhu cầu của bản thân, bào chữa cho hoàn cảnh của mình và soi mói sai sót của chồng/vợ mình. Tình yêu, cảm giác đủ đầy, thái độ nhẹ nhàng và sự tự nhiên dần tan biến. Ngày qua ngày, con ngỗng dần suy kiệt. Tương tự với mối quan hệ cha mẹ và con cái, khi trẻ còn nhỏ, chúng rất lệ thuộc và dễ bị tổn thương.
Và rất dễ dàng phụ huynh bỏ qua việc cần làm để xây dựng PC cho mối quan hệ giữa họ và con cái như dạy dỗ, nói chuyện, lắng nghe và cảm thông. Trái lại phụ huynh dễ lợi dụng vị thế của mình để thao túng đứa trẻ, để đạt được điều họ muốn theo cách nhanh nhất.
Sự cân bằng P/PC cũng quan trọng đối với các loại tài sản con người của tổ chức - khách hàng và nhân viên. Có rất nhiều công ty nói rất hay với khách hàng nhưng họ hoàn toàn không quan tâm đến những người làm việc trực tiếp với khách hàng của mình là nhân viên. Nguyên lý PC chính là luôn đối xử với nhân viên theo cách mà bạn muốn họ đối xử với những khách hàng quan trọng nhất của bạn.
Bạn có thể dễ dàng dùng tiền mua sức lao động của một người nhưng bạn không thể mua được trái tim của họ. Trái tim là nơi chứa đựng sự nhiệt tình và lòng trung thành của họ. Tương tự bạn không thể dùng mua tâm trí của một người nhưng đó lại là nơi chứa đựng sức sáng tạo, sự khéo léo và tài xoay xở của họ.
Nguyên lý PC chính là hãy xem nhân viên như khách hàng và chỉ có như thế, bạn mới khiến nhân viên tình nguyện cống hiến những gì tốt nhất mà họ có, đó là trái tim và tâm trí của họ.
Trí thức trẻ