MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chuyện cuối tuần: Câu chuyện "Người dám cho đi" và bài học "Chìa khóa của việc cho đi một cách hiệu quả chính là luôn sẵn sàng nhận lấy"

25-03-2018 - 17:15 PM | Doanh nghiệp

Giá trị thực của bạn được quyết định bới những giá trị mà bạn cho đi chứ không phải những giá trị mà bạn nhận được.

Những năm gần đây chúng ta thường nói nhiều đến khởi nghiệp. Các startup thường rất được quan tâm chú ý. Đặc biệt, startup không chỉ dành riêng cho giới trẻ, khái niệm này giờ đã rộng hơn – dành cho những ai muốn khởi sự một dự định mới. Tuy nhiên, khi bắt đầu một khởi đầu mới, hãy luôn nhớ rằng: "Có cho đi bạn mới có thể được nhận về".

Có một câu chuyện về một chàng trai trẻ muốn khởi sự kinh doanh. Chàng trai muốn mở một cửa hàng trên con phố nơi mình sinh sống. Anh đưa ý định này ra hỏi ý kiến bố anh – một người từng trải trên thương trường nay đã lui về nghỉ ngơi: "Con muốn mở một cửa hàng kinh ở đây. Liệu có thể được không?".

Người bố nhìn con: "Khu phố mình cũng đã có khá nhiều cửa hàng với đa dạng chủng loại hàng hóa, con muốn thành công phải tạo nên sự khác biệt. Hãy suy nghĩ và làm gì đó cho những người dân quanh đây trước đã".

Chuyện cuối tuần: Câu chuyện Người dám cho đi và bài học Chìa khóa của việc cho đi một cách hiệu quả chính là luôn sẵn sàng nhận lấy - Ảnh 1.

Chàng trai trẻ ngẫm nghĩ, rồi hỏi: "Con phải làm gì trước đây ạ? Cha cho con một gợi ý nhé!"

Người cha suy nghĩ một lúc rồi nói: "Chuyện cần làm thật sự rất nhiều. Ví như lá rụng ngoài đường, rất ít khi có người quét dọn. Còn nữa, có rất nhiều người cần sự giúp đỡ lặt vặt, nếu có thể con hãy dang rộng đôi tay giúp họ một chút...".

Chàng trai trẻ tuy bán tín bán nghi, nhưng vẫn quyết định làm theo lời của cha mình. Mỗi sáng, anh đều cố gắng dậy sớm quét dọn đường phố, trợ giúp những người cần giúp đỡ, thậm chí khiêng vác giúp những người già cả. Ai có khó khăn cần sự giúp đỡ, anh nghe thấy đều sẵn sàng đến giúp. Không lâu sau, mọi người trên khắp con phố này đều đã biết đến anh.

Nửa năm sau, chàng trai chính thức treo biển mở cửa hàng kinh doanh. Điều khiến anh kinh ngạc là khách hàng đến khá đông. Kẻ gần người xa đều đã trở thành khách hàng quen thuộc của anh. Thậm chí những người già cả ở bên kia con phố sẵn sàng bỏ qua cửa hàng ngay gần chỗ họ mà không ngại chống gậy đi một quãng xa để đến cửa hàng anh mua đồ. Anh hỏi họ rằng: "Trước cửa nhà ông vốn có cửa tiệm, tội tình gì phải bỏ gần cầu xa như thế?".

Họ cười nói rằng: "Chúng tôi đều biết cậu là người tốt, đến cửa hàng của cậu mua đồ chúng tôi mới yên tâm".

Về sau, anh còn giao hàng đến tận nhà khách hàng. Ngoài ra anh cũng nhiệt tình tham gia các hoạt động công tác xã hội từ thiện, biết được ai đang gặp khó khăn, anh cũng đều sẵn lòng dang tay giúp đỡ. Việc làm ăn càng làm càng tốt lên, anh tiếp tục mở ra thêm vài chi nhánh, đại lý ở bên kia đường phố và những con phố khác quanh vùng.

"Cho đi mới được nhận lại" – là bài học đầu tiên cho những ai bắt đầu bước vào kinh doanh. "Học cách cho đi, chúng ta sẽ nhận lại được nhiều hơn thế". Khi khởi sự kinh doanh, chúng ta cũng đã bắt đầu một hình thức cho và nhận khác: Cho đi hàng hóa dịch vụ và nhận về giá trị bằng tiền tương ứng.

Trong cuốn sách "Người dám cho đi" của 2 tác giả Bob Burg và Jonh David Mann, tác giả viết về những câu chuyện ngắn, là những bài học rút ra trong những hoạt động kinh doanh. 

Câu chuyện kể về anh chàng Joe – một anh chàng đầy tham vọng nhưng cố gắng mãi vẫn không thể thành công. Anh tìm đến gặp Pindar – môt nhà tư vấn huyền thoại. Và ông đã không ngần ngại chia sẻ bí quyết của mình giúp anh, còn giúp kết nối anh với những "người dám cho đi" để nghe những bí quyết thành công từ những doanh nhân thành đạt này.

Chuyện cuối tuần: Câu chuyện Người dám cho đi và bài học Chìa khóa của việc cho đi một cách hiệu quả chính là luôn sẵn sàng nhận lấy - Ảnh 2.

Trong số đó, ông Ernosto – "người dám cho đi" đầu tiên Joe gặp dạy anh rằng "Giá trị thực của bạn được quyết định bới những giá trị mà bạn cho đi chứ không phải những giá trị mà bạn nhận được".

Còn bà Debra –"người dám cho đi" thứ 4 mà Joe gặp cho rằng "Món quà quý nhất mà bạn có thể cho người khác chính là bản thân bạn" – Debra là một nhà môi giới nhà đất thành công. Bà nhận thức rằng những điều tốt đẹp nhất là cách chăm sóc và phục vụ người khác – và bà mang hết những điều này gửi vào từng khách hàng, từng căn hộ mà mình bán đi.

Không chỉ cho đi là hết, bởi sau quá trình học hỏi, thực hành, chính Joe nhận ra rằng "Chìa khóa của việc cho đi một cách hiệu quả chính là luôn sẵn sàng nhận lấy". Khi bạn cho đi, cũng đồng nghĩa với việc bạn luôn luôn có thể nhận lại một hành động "cho đi" từ một người khác – đó là quy luật tự nhiên.

Chuyện cuối tuần: Câu chuyện Người dám cho đi và bài học Chìa khóa của việc cho đi một cách hiệu quả chính là luôn sẵn sàng nhận lấy - Ảnh 3.

Cũng có 1 câu chuyện đã lan truyền rộng rãi, thường được các diễn giả lấy làm ví dụ cho những bài nói chuyện về việc cho đi để được nhận lại. Chuyện rằng có 1 người đàn ông lạc bước trên sa mạc, ông một mình lê bước tìm tìm kiếm đường đi. Lúc đã mệt rã rời, khát khô cổ, ông thấy phía xa kia là 1 túp lều nhỏ. Ông vội lê bước đến, nhìn quanh và mừng rỡ phát hiện phía góc khuất một chiếc máy bơm đã cũ và rỉ sét. Ông vội bước lại, ra sức bơm những mãi vẫn không có giọt nước nào trào lên.

Tuyệt vọng, ông nhìn quanh quất và phát hiện ngay gần đó có 1 bình nước nhỏ đậy nắp cẩn thận. Ông vội vớ lấy, phủi bụi bám quanh bỗng phát hiện dòng chữ: "Bạn thân mến! Hãy đổ nước trong bình này vào máy bơm bên cạnh. Và xin bạn trước khi rời đi cũng hãy đổ đầy nước trở lại vào bình này cho những người tiếp theo!".

Đang khát khô cổ, lại thấy một bình đầy nước, người đàn ông do dự, nếu uống bình nước kia, chắc chắn ông sẽ cầm cự được để vượt qua sa mạc này. Nếu đổ hết nước vào bơm, mà bơm vẫn không hoạt động thì ông sẽ ra sao?.

Chuyện cuối tuần: Câu chuyện Người dám cho đi và bài học Chìa khóa của việc cho đi một cách hiệu quả chính là luôn sẵn sàng nhận lấy - Ảnh 4.

Sau một lúc đắn đo suy nghĩ, ông cũng quyết định làm theo chỉ dẫn, đổ nước vào máy bơm và ra sức bơm. Thật may mắn, chẳng mấy chốc những dòng nước mát lành đã xối xả tuôn ra. Sau khi uống thoải mái, ông không quên đổ đầy bình nước trở lại. Và ghi thêm dòng chữ: Hãy tin tưởng, cho đi bạn sẽ nhận lại!".

Có cho đi mới được nhận lại – người không cố chiếm lợi ích thì cuộc sống sẽ không bao giờ để họ bị thiệt thòi.  

Nguyễn Mai

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên