Những cú ngã ngựa và bài học về kinh doanh tử tế: Lừa dối khách hàng 1 lần, họ sẽ quay lưng đi mãi mãi
Người tiêu dùng thông minh không còn đặt hết niềm tin vào bên bán hàng, mà họ còn lựa chọn đặt niềm tin vào những người tiêu dùng khác - đó là sức mạnh của thời đại 4.0.
- 05-09-2018Lời xin lỗi của cậu học trò, ông viện trưởng làm "Grab xịn" miễn phí và chuyện dùng công nghệ để làm việc tử tế
- 04-09-2018Kinh doanh tử tế
Thời đại của người tiêu dùng thông minh cũng chính là thời đại của người kinh doanh tử tế, bởi chắc chắn một điều, nếu loại bỏ "tử tế’ ra khỏi tiêu chí kinh doanh, thì không sớm thì muộn bạn cũng sẽ loại bỏ chính bạn ra khỏi cuộc chơi.
Một năm trước đây, việc thương hiệu lụa nổi tiếng Khaisilk với việc cắt mác, dán nhãn "made in Vietnam" từ những sản phẩm nhập về từ Trung Quốc đã dấy lên làn sóng xôn xao và tốn không ít giấy mực. Đây không chỉ là hành vi vi phạm pháp luật, mà còn là "cú tát" giáng thẳng vào lòng tin người tiêu dùng.
Thương hiệu lụa Khaisilk xây dựng và tồn tại trong mấy chục năm đã sụp đổ hoàn toàn, không chỉ niềm tin của người tiêu dùng trong nước mất đi, mà còn ảnh hưởng lớn đến cái nhìn vào thương hiệu lụa Việt Nam đối với du khách các nước.
Lời xin lỗi của Khaisilk quá muộn màng. Danh tiếng, thương hiệu gần 30 năm đã bị đánh đổ. Khaisilk có thể lên tiếng sẽ thu hồi hàng, đền bù cho khách hàng, nhưng bao nhiêu trong số các khách hàng mua khăn Khaisilk trong gần 30 năm qua được đổi trả? Bao nhiêu trong số các khách hàng đó đã gián tiếp bị thiệt hại nặng nề cả về uy tín, về hình tượng hay vì sự tin tưởng của các đối tác, bạn bè, người thân của họ?
Câu chuyện của Khaisilk chỉ là một trong hàng trăm câu chuyện đánh mất niềm tin của người tiêu dùng. Trước đó, khóa Minh Khai, một thương hiệu lâu đời trong làng khóa Việt Nam cũng đã bị phanh phui chuyện đóng mác Việt cho khóa nhập ngoại. Và một điều chắc chắn, cả khóa Minh Khai lẫn lụa Khaisilk sẽ không còn đường quay về sau khi đã đánh mất niềm tin với người tiêu dùng.
"Một lần bất tín là vạn lần bất tin" – ông cha ta đã đúc kết một câu không chỉ ứng dụng trong đời sống, mà còn cả trong kinh doanh. Do vậy, dù hoàn cảnh nào, kinh doanh tử tế vẫn phải luôn đồng hành cùng thành công.
Người tiêu dùng thông minh hiện tại đã có rất nhiều kênh giao tiếp, họ không còn chỉ đặt niềm tin vào các tổ chức, các doanh nghiệp bán hàng, mà họ đã có thêm kênh thông tin, có thêm sự tin tưởng từ những người tiêu dùng khác – đó là điểm mạnh của thời đại 4.0.
Với những người tiêu dùng ngày càng thông minh, doanh nghiệp chỉ còn cách làm tốt để lấy được lòng tin của người tiêu dùng mới mong tồn tại và phát triển – do vậy thời đại của người tiêu dùng thông minh cũng là thời đại của kinh doanh tử tế. Chính những người tiêu dùng thông minh đã giúp các doanh nghiệp vững bước hơn trong tiến trình đồng hành cùng kinh doanh tử tế.
Không liên quan tới một thương hiệu lớn hay một cửa hàng lớn, mà một cô gái bán hoa tươi ở nơi tôi sống đã lan tỏa một việc kinh doanh tử tế. "Cửa hàng hoa" của cô thực chất chỉ là một "túp lều" nhỏ được cho phép dựng lên cạnh một siêu thị, nhìn qua, luôn có cảm giác nó muốn thu mình nhỏ lại để không ai phải để ý, như là nỗi lo sợ có thể bị dẹp đi lúc nào không hay.
Chủ cửa hàng là một cô gái chỉ tầm 30 tuổi, cô có nụ cười rất tươi và ấm áp. Cũng vì thế, dù nép mình nhưng chỗ của cô luôn luôn có nhiều người qua lại. Có những người đi dạo qua, ghé lại nói chuyện, hoặc có khi "bác đứng trông chừng cửa hàng giúp cháu mấy phút để tranh thủ chạy ship hoa cho chị A, chị B" gần đó. Cũng vì vậy, cũng chẳng có gì ngạc nhiên khi rất nhiều người trong khu vực thuộc lòng giá cả mấy loại hoa cô bán để thi thoảng lại "có duyên" trông hàng hộ.
Hoa cô bán cũng không nhiều loại, số lượng cũng không nhiều. Thế nhưng mọi người quanh khu vực này luôn muốn đến đây ủng hộ cô. Một buổi sáng sớm cuối tuần đẹp trời, khi tôi đi thể dục về qua, cũng là lúc một cụ bà đang đẩy xe lăn đưa chị gái mình đi hóng gió về qua chỗ cô bán hoa. Bỗng dưng, cô chạy ra với một bó hồng trên tay, xin phép được tặng 2 cụ và chúc 2 cụ một ngày vui vẻ. 2 cụ già ngạc nhiên, cảm ơn và muốn trả tiền vì biết cô cũng chẳng lãi bao nhiêu, nhưng cô gái xin được từ chối, xin được cho cô làm thế với lời chúc các bà luôn khỏe mạnh.
Chỗ tôi ở, không chỉ 2 bà cụ, mà đã rất nhiều người tình cờ được cô tặng hoa dù không phải là một dịp gì đặc biệt. Chính sự "kinh doanh tử tế" đó của cô, mà không hôm nào cô "ế" hoa phải mang về. Nhỡ hôm nào mưa gió, một chị khách quen nào đó đi ngang thấy còn tồn nhiều, lập tức post hộ lên cộng đồng để những người "muốn mà chưa kịp mua hoa cắm" có thể ủng hộ ngay để cô về sớm - đây cũng là sức mạnh của thời đại 4.0 đồng hành cùng "kinh doanh tử tế".
Những hành động dù nhỏ, nhưng cũng cho thấy "kinh doanh tử tế" luôn là điểm mấu chốt để doanh nghiệp, những thương nhân có thể tồn tại lâu dài.
Nhớ lại hồi đầu năm 2018, khi các cầu thủ U23 của chúng ta bước vào trận chung kết trên đất Thường Châu, ngay nơi tôi sống, hầu hết những quán ăn, uống đều xin phép được đóng cửa, không phục vụ khách. Tuy vậy, họ lại kèm thêm thông báo là "quán đã chuẩn bị sẵn một số đồ ăn, uống miễn phí và chỗ ngồi để phục vụ cư dân xem bóng đá".
Những quán hàng chỗ tôi ở không thường xuyên đông khách, chắc chắn những dịp như lúc U23 Việt Nam thi đấu hồi đầu năm là cơ hội để họ kiếm tiền, nhưng vì lòng nhiệt tình, vì tình yêu với bóng đá và đội tuyển, vì văn hóa "kinh doanh tử tế" mà họ sẵn sàng bỏ qua cơ hội kinh doanh lớn để hòa cùng niềm đam mê của mọi người.
Trí Thức Trẻ
Sự kiện: Câu chuyện kinh doanh
Xem tất cả >>- Từ đại chiến Milo & Ovaltine, nhìn lại những cuộc đối đầu quảng cáo "dìm hàng" đó đây khắp thế giới
- Chuyện cuối tuần: Chú dê, gà tây, con cáo và bài học "đừng cố xua đi cơ hội, bởi hành động của ta nằm trong tay ta, nhưng hậu quả của chúng thì không"
- Chuyện cuối tuần: Chú chủ tiệm, ông lão mua xe, cậu bé xếp dép và bài học kinh doanh tử tế "Tạo ra khách hàng không đơn giản chỉ là bán hàng"
- Chuyện cuối tuần: Chiến lược "Săn cá voi trên sa mạc" và bài học "Nếu mời chào thị trường trong khoảng giá hẹp, bạn đã tự bỏ qua vô số cơ hội lớn"
- Mùa World Cup, hàng loạt doanh nghiệp ngành bia lại đua trả cổ tức "khủng"