MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chuyện đi “xin giống” ở ngân hàng tinh trùng: Có sợ bị đòi con, kết hôn cận huyết hay không?

23-08-2019 - 19:15 PM | Sống

Nhiều người lo sợ sau khi mình sinh con sẽ bị người hiến tinh trùng đòi lại con, hoặc con cái đời sau sẽ vô tình kết hôn cận huyết…

Được làm cha mẹ là mong ước thiêng liêng của bất kỳ cặp đôi nào sau khi kết hôn. Thế nhưng chẳng phải ai cũng may mắn sinh con được theo cách thông thường mà phải nhờ đến sự hỗ trợ sinh sản của các y bác sĩ.

Đối với nhiều người, hành trình đến các ngân hàng tinh trùng để "xin giống" vẫn còn là việc có nhiều băn khoăn, trăn trở. Nhiều người lo sợ mình không đủ điều kiện xin tinh trùng, người lại lo lắng sau khi mình sinh con sẽ bị người hiến tinh trùng đòi lại con, hoặc con cái đời sau sẽ vô tình kết hôn cận huyết…

Vậy sự thực là gì? Các bác sĩ của bệnh viện chuyên khoa Nam học và Hiếm muộn Hà Nội sẽ giải đáp tất cả các thắc mắc này.

Chuyện đi “xin giống” ở ngân hàng tinh trùng: Có sợ bị đòi con, kết hôn cận huyết hay không? - Ảnh 1.

1. Làm sao để đủ điều kiện xin tinh trùng?

Ths.Bs. Lê Thị Thu Hiền – Phó Giám đốc bệnh viện chuyên khoa Nam học và Hiếm muộn Hà Nội kiêm Trưởng khoa Hỗ trợ sinh sản cho hay, có 2 đối tượng đủ điều kiện để đến ngân hàng xin tinh trùng.

- Thứ nhất: Đó là cặp vợ chồng hiếm muộn mà người chồng không có tinh trùng. Khi đến viện, các bác sĩ sẽ kiểm tra xét nghiệm tinh dịch đồ cho người chồng ít nhất 2 lần, sẽ cho kiểm tra các xét nghiệm như nhiễm sắc thể, nội tiết tố…

Trường hợp người chồng dù xuất tinh không có tinh trùng nhưng tinh hoàn vẫn sản xuất được tinh trùng thì bác sĩ sẽ áp dụng các kỹ thuật để lấy được tinh trùng từ trong tinh hoàn. Các bác sĩ sẽ tư vấn cho bệnh nhân cố gắng bằng mọi giá để lấy được tinh trùng, nếu vẫn không thể thì mới nghĩ đến việc xin tinh trùng ngân hàng.

- Thứ 2 là phụ nữ độc thân, muốn làm mẹ đơn thân. Tuy nhiên, nhóm người này phải có giấy chứng nhận độc thân thì lúc đó mới được xin tinh trùng từ ngân hàng tinh trùng.

Chuyện đi “xin giống” ở ngân hàng tinh trùng: Có sợ bị đòi con, kết hôn cận huyết hay không? - Ảnh 2.

2. Việc cho – nhận tinh trùng tại ngân hàng tinh trùng được thực hiện như thế nào?

Bác sĩ CKII. Nguyễn Khắc Lợi, giám đốc bệnh viện nhấn mạnh tinh trùng không được phép bán mà phải dựa trên tinh thần tự nguyện nhân văn "Người ta hỗ trợ mình, mình lại hỗ trợ người khác".

Có 2 hình thức cho - nhận tinh trùng:

- Thứ nhất là "Một đổi một": "Việc xin tinh trùng ở ngân hàng mang tính chất trao đổi mẫu, tức là cặp vợ chồng hiếm muộn hoặc phụ nữ đơn thân muốn xin tinh trùng thì họ sẽ mang tinh trùng của một người khỏe mạnh đến để đổi mẫu có sẵn tại ngân hàng", BS Lợi cho biết.

- Thứ hai là xin tinh trùng tại ngân hàng tinh trùng mà không có mẫu đổi: Trong trường hợp bệnh nhân đến xin tinh trùng nhưng không mang theo mẫu đổi, bệnh viện sẽ hỗ trợ bằng cách kiểm tra xem ngân hàng tinh trùng có còn mẫu hiến hay không, nếu đang có sẵn thì sẽ cung cấp mẫu cho bệnh nhân.

Về chi phí, bệnh nhân không mang theo mẫu đổi vẫn không chịu chi phí cao hơn những người khác, họ vẫn sẽ chỉ phải chịu mức chi phí rất thấp để chi trả cho quá trình trữ lạnh tinh trùng mà thôi.

Chuyện đi “xin giống” ở ngân hàng tinh trùng: Có sợ bị đòi con, kết hôn cận huyết hay không? - Ảnh 3.

3. Mẫu tinh trùng phải đảm bảo những tiêu chí nào mới là hợp lệ và được chấp nhận tại ngân hàng tinh trùng?

Một phần do văn hóa chưa phổ biến nhiều về hoạt động hiến tinh trùng, cũng một phần do tâm lý lo sợ sau này con cháu mình sẽ kết hôn cận huyết nên rất ít người tìm đến ngân hàng tinh trùng để hiến. Chính vì thế số lượng dự trữ tinh trùng trong ngân hàng rất hiếm và khó kiếm.

Tuy nhiên, khi có người đồng ý hiến tặng tinh trùng thì số tinh trùng đó cũng phải đảm bảo đáp ứng được các tiêu chí gắt gao sau đây thì mới được chấp nhận:

- Người đàn ông phải khỏe mạnh, tốt nhất là ở độ tuổi 25 - 35 tuổi.

- Trước khi hiến, người đàn ông này phải được kiểm tra toàn bộ sức khoẻ xem có mắc các bệnh lý lây truyền qua đường tình dục như HIV , viêm gan B, giang mai... hay không,

- Tránh người các bệnh về nhiễm sắc thể, di truyền bẩm sinh, suy gan, suy thận…

- Tinh trùng đứt gãy, tinh trùng bị kết dính... đều bị loại.

Chuyện đi “xin giống” ở ngân hàng tinh trùng: Có sợ bị đòi con, kết hôn cận huyết hay không? - Ảnh 4.

4. Những yêu cầu bắt buộc đối với người hiến tinh trùng

- Người hiến cần phải có chứng minh thư thể hiện nhân thân, viết cam kết hiến tặng tinh trùng và hiến tặng tự nguyện.

-  Hình thức lấy tinh trùng là thủ dâm và xuất tinh.

5. Sau khi xin tinh trùng, phụ nữ sẽ được hỗ trợ sinh sản theo cách nào?

Sau khi xin thành công tinh trùng từ ngân hàng tinh trùng, phụ nữ có thể thực hiện hỗ trợ sinh sản qua 2 phương pháp.

- Thứ nhất, bơm tinh trùng qua buồng tử cung (IUI): Trong trường hợp người vợ có hệ thống sinh sản hoàn toàn bình thường, vòi trứng thông tốt, trứng của họ có khả năng mang thai bình thường thì bác sĩ sẽ tư vấn làm IUI vì chi phí rẻ và không can thiệp đến người vợ nhiều.

Chi phí bơm khoảng 4 triệu, tỉ lệ thành công trung bình trên dưới 20%.

- Thứ hai, thụ tinh trong ống nghiệm (IVF): Bên cạnh việc tinh trùng chồng có vấn đề không còn khả năng lấy tinh trùng nữa, bác sĩ sẽ chỉ định thực hiện phương pháp này khi vòi trứng của vợ bị tắc, dự trữ buồng trứng của vợ bắt đầu giảm thì bác sĩ sẽ tư vấn làm cách có tỉ lệ cao hơn đó là thụ tinh trong ống nghiệm. Tùy từng trường hợp cụ thể mà bác sĩ sẽ tư vấn xem nên triển khai theo hướng nào.

Chi phí khoảng 60-80 triệu, tỉ lệ thành công trung bình khoảng 40–60%.

Chuyện đi “xin giống” ở ngân hàng tinh trùng: Có sợ bị đòi con, kết hôn cận huyết hay không? - Ảnh 6.

5. Có rủi ro về việc bị đòi con hay kết hôn cận huyết sau này khi xin tinh trùng tại ngân hàng tinh trùng hay không?

Về điều này, bác sĩ Hiền khẳng định: "Không thể, các mẫu tinh trùng hiến đều là vô danh nên không thể biết ai đã hiến tinh trùng cho mình và tinh trùng của mình đã dành cho ai để sau này xảy ra các tai nạn đòi con được!".

Cũng theo bác sĩ, thông thường một người đàn ông sẽ được lấy 3 mẫu tinh trùng trước để trữ lạnh lại. Nếu mẫu tinh trùng đó đã thực hiện thành công giúp 1 phụ nữ có thai thì sẽ bị hủy hoàn toàn, không được phép cho lại bất cứ người nào khác.

Tuy nhiên, điều đáng lo ngại là hiện tại các bệnh viện vẫn chưa có sự thông tin liên kết với nhau, chính vì thế có những trường hợp người đã hiến tinh trùng ở viện này rồi nhưng lại tiếp tục đến viện khác hiến. Nhưng quy định của pháp luật là mỗi mẫu sẽ chỉ dành cho 1 người cho nên tỷ lệ để thế hệ sau kết hôn cận huyết sẽ cực kỳ thấp.

Chuyện đi “xin giống” ở ngân hàng tinh trùng: Có sợ bị đòi con, kết hôn cận huyết hay không? - Ảnh 7.

Lời khuyên của bác sĩ

Vị trưởng khoa hỗ trợ sinh sản khuyên các cặp vợ chồng sau 1 năm lấy nhau, vẫn sinh hoạt tình dục bình thường mà không có em bé thì nên đi kiểm tra. Nếu phát hiện nguyên nhân từ phía người chồng không còn khả năng sinh tinh mà phải đi xin tinh trùng từ ngân hàng thì nên lưu ý một số điều sau:

- Thứ nhất, nếu muốn sinh ra một em bé khỏe mạnh thì phải tìm đến những cơ sở uy tín được Bộ Y tế cấp phép để đảm bảo mình đang làm đúng và mẫu tinh trùng xin được đủ đảm bảo.

- Thứ 2, nếu cần phải làm hỗ trợ sinh sản thì nên làm càng sớm càng tốt vì khi đó người vợ trẻ tuổi, dự trữ buồng chứng tốt hơn, chất lượng tốt hơn thì chi phí cũng sẽ rẻ đi. Tỉ lệ thành công sẽ càng giảm dần theo độ tuổi, 20 – 25 là tốt nhất, trên 35 tuổi là buồng chứng đã bắt đầu kém dần…

- Thứ 3, không nên tự ý mua tinh trùng ở chợ đen hay qua mạng vì chúng ta không thể kiểm soát người ta đã cho tinh trùng cho bao nhiêu người, từ đó khiến con mình sau này có nguy cơ kết hôn cận huyết. Thêm nữa, người mua rất dễ đối mặt với các rủi ro về sức khỏe vì người hiến không hề được kiểm tra các xét nghiệm xem tinh trùng có đảm bảo không hay có mắc các bệnh lý lây truyền qua đường tình dục hay không.

Theo Đỗ Đỗ

Trí thức trẻ

Trở lên trên