Vàng tăng sốc lên 92 triệu/lượng, hội văn phòng lương 10 triệu than thở: Đi làm 10 tháng mới bằng một miếng vàng
Trong ngày vàng chạm đỉnh, thứ kim loại quý này đang là chủ đề bàn tán của hội văn phòng.
- 10-05-2024Giá vàng tăng chóng mặt, vợ đòi bán mảnh đất được thừa kế để mua vàng, sau khi đi hỏi ý kiến mọi người, tôi càng không biết đường nào
- 23-04-2024Giá vàng cao tới đâu vẫn “quá rẻ” so với kim loại này: Đắt đến nỗi không ai dám giao dịch, nhiều ngành cần nhưng không có để khai thác
- 10-04-2024Giá vàng tăng dựng đứng, tôi phải hoãn cưới khi nhà gái đòi kiềng vàng
Tình hình thảo luận về vàng đang rôm rả khắp mạng xã hội, sau khi giá vàng chính thức cán mốc mới trong lịch sử. Cụ thể, tính đến chiều 5/10, giá vàng SJC đang được niêm yết 89,9 - 92,2 triệu đồng/lượng ở đầu mua vào - bán ra. Đi cùng với đà tăng của vàng miếng SJC, giá vàng nhẫn cũng được điều chỉnh tăng mạnh 1 triệu đồng/lượng. Hiện, giá vàng nhẫn dao động ở 75,6-77,1 triệu đồng/lượng, lần lượt theo chiều mua vào - bán ra.
Trước đà tăng mạnh của giá vàng, nếu như nhiều dân văn phòng than thở đi làm mấy tháng mới đủ tiền mua vàng thì hội cô dâu chú rể lại hô hào khởi nghiệp ngay thôi vì vừa cưới mà còn đang nắm trong tay nhiều vàng. Cứ thế, những chủ đề bàn luận xoay quanh vàng vẫn đang rôm rả ngập tràn MXH.
Hội lương 10 triệu: “Làm 10 tháng mới bằng một miếng vàng”
Người buồn nhất lúc này có lẽ là người không có vàng. Và hội đi làm với mức lương khiêm tốn khoảng 10 triệu đồng/tháng cũng nằm trong số đó. Mai Linh (26 tuổi, TP.HCM) chia sẻ, đi làm nhận lương văn phòng chỉ khoảng 10 triệu đồng/tháng nên cô chọn “tâm bất biến giữa dòng đời vạn biến" trong ngày giá vàng tăng cao.
Cô bạn chia sẻ: “Đi làm có bao nhiêu lương thì tiêu hết vào đầu tư cho bản thân và chi phí sinh hoạt, tiền đâu mà mua vàng bạn ơi? Tính ra mình đi làm 10 tháng mới đủ mua 1 miếng vàng SJC.
Nhưng lạ một là cái lương thấp nhưng mình thích kiểm tra giá vàng lắm, đặc biệt những ngày vàng chạm đỉnh như hôm nay. Mình xem giá vàng để lấy động lực đi làm, nay mai kiếm được nhiều tiền thì mua vàng tích trữ dưỡng già. Chứ giờ lương 10 triệu đồng thì mình cũng không dám nhảy vào lúc thị trường tăng cao thế này".
Người buồn nhất lúc này có lẽ là hội không có vàng đem đi bán (Ảnh minh hoạ)
Đồng quan điểm là Hoàng Cường (26 tuổi, TP.HCM) có lương văn phòng 15 triệu đồng/tháng. Anh chàng chia sẻ, có tiền nhàn rỗi, anh cũng có sở thích trích tiền dư mua vàng.
Tuy nhiên, trong thời điểm giá vàng chạm đỉnh như hôm nay, Hoàng Cường tự nhủ không được đem tiền mua vàng, bởi chênh lệch giữa hai đầu giá mua vào và bán ra còn lớn. Anh chàng nói thêm, giờ có tiền thì chỉ đi đầu tư chứng khoán, gửi tiết kiệm và một số khoản đầu tư cần vốn vài ba triệu đồng. Còn trong những đợt vàng chạm đỉnh thì thứ kim loại quý này là khoản đầu tư dành cho… người giàu.
Hoàng Cường nhận định: “Lương thấp nên mình không đem tiền bỏ vào vàng trong hôm nay đâu. Cả mua lướt sóng và tích trữ đều không nên vì giờ giá vàng tăng cao quá. Nếu ngày hôm sau vàng lao đầu đi xuống thì bay ngay mấy tháng lương của mình. Nhìn vàng tăng giá thì mình cũng tiếc lắm. Tiếc vì không có vàng mà bán, mà tiền lương lại không đủ để mua thêm vàng".
Ảnh minh hoạ
Hội cô dâu chú rể mới cưới: Cảm giác ra tiệm chốt lời vàng cưới sướng lắm
Vàng tăng giá thì “kẻ khóc, người cười". Ở chiều hướng ngược lại, “người cười" ở đây chính là hội cô dâu chú rể mới cưới, trong người còn dắt vài ba miếng vàng. Đây là lúc họ kiểm kê lại số vàng cưới và quyết định có nên đi chốt lời trong ngày vàng chạm đỉnh hay không.
T.H (24 tuổi) mới cưới vào tháng 2 năm nay và trong tay cô, số vàng cưới vẫn được giữ nguyên, chưa bán lần nào. Cô bạn chia sẻ: “Mình đang đợi giá vàng tăng hơn chút nữa thì chốt một nửa kiếm lời, nửa còn lại cất để đợi khi nào bạn cưới, mình còn vàng mà đem trả lại. Cảm giác ra tiệm vàng chốt lời nó sướng lắm.
Từ khi kết hôn mình mới quan tâm đến giá vàng. Vì trong ngày cưới được tặng nhiều vàng quá nên mình phải quan tâm khi nào nên bán vàng, mua tích trữ vàng thế nào để nay mai sinh lời nhiều nhất,...”
Cô bạn cũng quan điểm, mua vàng lúc nào cũng có lời vì theo thời gian, giá vàng luôn tăng. Do đó, T.H quyết tâm chăm chỉ đi làm để kiếm tiền mua vàng tích trữ, 5-10 năm sau sẽ mang vàng đi bán để “thu hoạch” thành quả.
Ảnh minh hoạ
Một trường hợp khác, Phương An (28 tuổi, Hà Nội) làm đám cưới vào đầu năm 2022. Cô được ba mẹ và hội bạn thân mừng cưới bằng vàng, tính ra giờ bán vàng cũng lời được một khoản lớn để có vốn làm ăn.
Trong ngày vàng tăng giá, Phương An không giấu được niềm vui và chia sẻ: “So với đợt mới cưới thì nếu giờ bán ít vàng cũng mua được con iPhone xịn. Tuy nhiên, vợ chồng mình cũng cần bàn luận kỹ hơn trước khi bán vàng, để chờ thời điểm chốt lời vàng tốt nhất. Bên cạnh đó, mình cũng cần phải canh ngày giá vàng giảm để tranh thủ mua vàng trả lại bạn bè, người thân. Chứ không thể họ tặng mình vàng, mà mình đi lại bằng tiền hay món quà khác được".
Tình hình thảo luận rôm rả về giá vàng chưa có dấu hiệu dừng lại. Bạn đang ở phe “kẻ khóc" hay “người cười" trong ngày vàng chạm đỉnh như hôm nay?
Nhịp sống thị trường