Chuyển đổi số sẽ giúp Việt Nam tận dụng thị trường du lịch nội địa ra sao?
Chuyển đổi số là xu hướng tất yếu cho sự phát triển du lịch Việt Nam. Từ thành phố lớn tới những vùng sâu,vùng xa, việc thu hút thêm đông đảo khách du lịch qua các hình thức trực tuyến đã trở thành ưu tiên hàng đầu, góp phần phục hồi ngành du lịch sau đại dịch.
Chuyển đổi số hiện nằm trong chủ trương của Tổng cục Du lịch Việt Nam, cụ thể thông qua “Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam” đã xác định rõ định hướng đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số ngành du lịch, hướng tới hình thành và phát triển hệ sinh thái du lịch thông minh.
Cho dù là nền tảng thông minh với khả năng thực tế tăng cường ở Thanh Hóa, hay phần mềm tiếp thị kết hợp của Thành phố Hồ Chí Minh, phát triển công nghệ tiên tiến chính là trọng tâm của các kế hoạch sắp tới tại Việt Nam.
Theo báo cáo e-Conomy SEA mới nhất của Google, Temasek và Bain, Việt Nam là nền kinh tế số phát triển nhanh nhất khu vực này. Đặc biệt, du lịch nội địa đã ghi dấu ấn mạnh mẽ.
Năm 2022, Việt Nam đã đón hơn 100 triệu lượt khách du lịch nội địa, vượt gần 70% so với mục tiêu đề ra, góp phần tăng 23% doanh thu. Đầu năm nay, ngành du lịch tiếp tục đạt kết quả ấn tượng: chỉ trong tháng Giêng, nhờ có kỳ nghỉ Tết dài ngày, Việt Nam đã có tới 13 triệu lượt khách du lịch nội địa.
Ngoài việc nắm bắt tốt thị trường nội địa bằng cung cấp cho khách du lịch khả năng tiếp cận dễ dàng hơn tới nhiều sản phẩm và dịch vụ du lịch, Việt Nam cũng cần tăng cường số hóa để giảm tác động của các hoạt động du lịch tới môi trường. Nhưng để hiện thực hóa một kỷ nguyên kỹ thuật số bền vững, Việt Nam cần phải nỗ lực tạo dựng các mối quan hệ với các đối tác có cùng mục tiêu.
Kết nối người tiêu dùng trực tuyến một cách liền mạch
Số lượng người tiêu dùng Việt Nam sử dụng công nghệ gia tăng một cách nhanh chóng và tạo nên nhu cầu cấp thiết thôi thúc các doanh nghiệp phát triển kênh trực tuyến để có thể dễ dàng tiếp cận tệp khách hàng này. Với dân số 98 triệu người, trong đó có khoảng 80% sử dụng Internet, thì việc thích ứng với các xu hướng kỹ thuật số mới sẽ đóng vai trò tiên quyết để du lịch nội địa trở thành nền tảng của ngành du lịch Việt Nam.
Phương tiện truyền thông xã hội (social media) là chất xúc tác quan trọng giúp ngành du lịch phục hồi mạnh mẽ trong thời gian qua. Vì vây, việc thiết kế các chiến dịch tiếp thị kỹ thuật số sao cho phù hợp với hai nhóm khách quốc tế và trong nước sẽ là giải pháp then chốt để tăng lượng khách du lịch, đặc biệt là cho các điểm đến trong nước.
Các doanh nghiệp tại Việt Nam cũng cung cấp nhiều giải pháp thanh toán di động trực tuyến hơn, từ đó phát triển nhanh và mạnh hơn. Vào tháng 4 năm 2022, chính phủ đã công bố kế hoạch tăng tỷ lệ người trưởng thành sử dụng điện thoại thông minh từ 73,5% lên 85%.
Bản kế hoạch chi tiết đó cũng trùng với “Báo cáo thị trường du lịch Đông Nam Á” mới nhất của công ty nghiên cứu du lịch Phocuswright 2021-2025, từ năm 2022 đến năm 2025, lượng đặt phòng trực tuyến trong khu vực sẽ tăng hơn gấp đôi. Bằng cách khơi dậy “cơn khát” trải nghiệm du lịch số, Việt Nam có thể nắm bắt cơ hội quan trọng này để thu hút nhiều người tiêu dùng nội địa hơn.
Tuy nhiên, điểm mấu chốt ở đây là, chuyển đổi số là một hành trình lũy tiến không ngừng nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của người tiêu dùng. Vì vậy, ngoài việc cải thiện các hoạt động liên quan đến khách hàng, chuyển đổi số còn giúp đạt được các mục tiêu bền vững của Việt Nam.
Mục tiêu bền vững trong tầm tay
Du khách Việt Nam đang tiếp nhận sự bền vững, theo báo cáo “Sự gia tăng khách du lịch bền vững ở Đông Nam Á” (Rise of sustainable SEA traveller) của Blackbox Research, công bố tháng 9 năm 2022, Việt Nam đứng đầu bảng xếp hạng ở Đông Nam Á khi có tới 79% du khách Việt Nam được hỏi trong tổng số 4.600 khách du lịch tham gia khảo sát ở 6 quốc gia Đông Nam Á lựa chọn những dịch vụ và sản phẩm du lịch bền vững. Và việc sử dụng điện thoại thông minh nhiều hơn là minh chứng rõ ràng cho việc chuyển đổi kỹ thuật số và tính bền vững đang được đan xen với nhau.
Việc ngày càng có nhiều người tiếp cận với mạng trực tuyến càng chứng tỏ tầm quan trọng của môi trường số trong việc nâng cao nhận thức và thúc đẩy phát triển du lịch bền vững giữa người tiêu dùng và các bên liên quan. Các kênh số không chỉ là nguồn cung cấp thông tin du lịch mà còn là công cụ quan trọng để nâng cao nhận thức người dùng về các hoạt động mang tính bền vững.
Các địa phương đang thu hút lượng lớn khách nội địa đều đã bắt đầu ứng dụng những phương pháp phát triển bền vững, như triển khai mô hình homestay hướng tới các chuyến đi thân thiện với môi trường. Theo dữ liệu của Traveloka, một mạng lưới tinh thông các sáng kiến số và bền vững đang làm tăng sức hấp dẫn của các điểm đến đối với khách du lịch nội địa. Những điểm đến được yêu thích hiện nay bao gồm TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng, Nha Trang và Phú Quốc.
Một trong những bước tiến và nỗ lực không ngừng trong phát triển du lịch bền vững là gói tài trợ 135 triệu USD của Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) vào loạt xe buýt điện - phương thức vận tải xanh, góp phần đạt được mục tiêu phát thải ròng bằng không của Việt Nam.
Tuy nhiên, yếu tố thống nhất cần thiết để phát huy hết tiềm năng to lớn của thị trường du lịch nội địa với sự hỗ trợ của nền kinh tế kỹ thuật số bền vững chính là sự hợp tác. Doanh nghiệp, chính phủ và các cơ quan hữu quan cần đảm bảo có sự kết nối vững chắc, xây dựng chính sách phù hợp, tạo “đường băng” cho du lịch “cất cánh”.
Hợp tác mạnh hơn, lợi ích lớn hơn
Quan hệ đối tác chiến lược của Traveloka với các tổ chức như Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh hay Sở Du lịch TP Hải Phòng tạo điều kiện cho các công ty du lịch địa phương phát triển các sản phẩm thông minh cho du khách. Đó là những minh chứng cho mối quan hệ hợp tác thành công giữa các nền tảng du lịch trực tuyến và các tổ chức, công ty du lịch địa phương, nhằm tăng cường năng lực số và phục vụ khách du lịch một cách hiệu quả hơn.
Các nền tảng du lịch trực tuyến cũng có thể cộng tác với các doanh nghiệp địa phương để đảm bảo cung cấp những sản phẩm dịch vụ phù hợp với người tiêu dùng.
Không thể phủ nhận những tác dụng tích cực của chiến lược bản địa hóa này: khi khách du lịch Việt Nam nhìn thấy tiếng mẹ đẻ và phương thức thanh toán quen thuộc trên nền tảng trực tuyến, họ thường có xu hướng quay lại mua hàng trong tương lai. Thành công này nằm ở việc hợp tác liên ngành, đặc biệt là với lĩnh vực tài chính để tạo ra các tùy chọn thanh toán hoặc công nghệ tài chính mới hơn cho đối tượng sử dụng kỹ thuật số có số lượng ngày càng tăng.
Và tiêu chí quan trọng nhất chính là việc các bên liên quan cùng hướng tới mục tiêu chung và cam kết chung tay để đạt được mục tiêu đó. Chỉ khi đó, sự “bắt tay”giữa các đối tác trong hệ sinh thái mới mang lại lợi ích cho tất cả.
Với sự bùng nổ của thị trường du lịch nội địa của Việt Nam, chuyển đổi số sẽ là một trụ cột quan trọng để nắm bắt nhu cầu không ngừng phát triển của người tiêu dùng. Chuyển đổi số không chỉ là giải pháp tạm thời cho sự gián đoạn do đại dịch gây ra, mà sẽ là hành trình dài hạn giúp ngành du lịch phát triển bền vững.
Nhịp sống thị trường