MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chuyển đổi số vì lợi ích của người học, người dạy và người dân

21-12-2022 - 17:35 PM | Kinh tế số

Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ phát biểu khai mạc hội thảo chuyển đổi số giáo dục năm 2022.

Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ phát biểu khai mạc hội thảo chuyển đổi số giáo dục năm 2022.

Ngày 20/12, Bộ Giáo dục và đào tạo tổ chức hội thảo Chuyển đổi số giáo dục năm 2022. Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ và Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn đồng chủ trì hội thảo.

Chuyển đổi số vì lợi ích của người học, người dạy và người dân

Phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ nhấn mạnh chuyển đổi số là xu thế tất yếu của xã hội nói chung và GDĐT nói riêng, Thứ trưởng đặc biệt đánh giá cao năng lực thích ứng, tích cực học hỏi và thực hành ứng dụng CNTT vào dạy học của đội ngũ giáo viên. Trong bối cảnh phải chuyển trạng thái từ dạy học trực tiếp sang dạy học trực tuyến, ngành Giáo dục đã đạt những kết quả đáng ghi nhận, vừa đảm bảo an toàn phòng chống dịch bệnh Covid-19, vừa kiên trì mục tiêu chất lượng và hoàn thành kế hoạch năm học.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ, có ba vấn đề cốt lõi của ứng dụng CNTT và chuyển đổi số. Đó là: Góp phần tạo ra sự đột phá, phát triển khác biệt cho cả giáo dục phổ thông, giáo dục đại học; lấy người học học và người dạy làm trung tâm của chuyển đổi số, lấy lợi ích của người học, nhà giáo, người dân làm thước đo đánh giá chuyển đổi số; xác định vai trò trách nhiệm chuyển đổi mạnh mẽ của cán bộ quản lý. Những đòi hỏi này cần được cụ thể hoá bằng những kế hoạch, hành động cụ thể.

Báo cáo về chuyển đổi số trong giáo dục, Cục trưởng Cục CNTT Nguyễn Sơn Hải cho biết, thời gian qua, kết quả ứng dụng CNTT và chuyển đổi số của Bộ GDĐT nói riêng, ngành GDĐT nói chung đã đạt một số kết quả quan trọng.

Đối với giáo dục mầm non và phổ thông, Bộ GDĐT đã xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu quản lý thông tin chi tiết của tất cả các trường học từ mầm non đến phổ thông bao gồm các cấu phần cơ sở dữ liệu thành phần (gồm trường, lớp, học sinh, giáo viên, cơ sở vật chất, tài chính,...) và đã tổng hợp thông tin dữ liệu từ 63 sở GDĐT, 710 phòng GDĐT. Qua đó đã số hóa, gắn mã định danh của gần 24 triệu hồ sơ học sinh (số hóa các thông tin về lý lịch, quá trình học tập, rèn luyện, sức khỏe …), hơn 1,5 triệu hồ sơ giáo viên, nhân viên và cán bộ quản lý (hồ sơ, trình độ chuyên môn, đánh giá theo chuẩn) từ 53 nghìn trường học và thông tin về cơ sở vật chất, nhà vệ sinh trường học.

Thực hiện Đề án số 06 về phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư phục vụ chuyển đổi số quốc gia của Chính phủ, vừa qua, Bộ GDĐT đã kết nối thành công Cơ sở dữ liệu ngành Giáo dục với Cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư (do Bộ Công an quản lý). Qua đó đã kết nối, đồng bộ, xác thực mã căn cước công dân và chia sẻ dữ liệu của hơn 1,5 triệu giáo viên (đạt 95%) và gần 21 triệu hồ sơ học sinh (đạt 92%).

Ứng dụng CNTT phục vụ kỳ thi tốt nghiệp THPT và công tác tuyển sinh đại học đã được triển khai đồng bộ, triệt để. Từ đăng ký dự thi, đăng ký nguyện vọng xét tuyển đến nộp phí xét tuyển và xác nhận nhập học đều được thực hiện theo hình thức trực tuyến đối với tất cả thí sinh. Năm 2022, Bộ GDĐT hoàn thành triển khai, cung cấp và tích hợp dịch vụ công mức độ 4 về "Đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT" và "Đăng ký xét tuyển trình độ đại học, trình độ cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non" trên Cổng dịch vụ công Quốc gia; tích hợp nền tảng thanh toán trực tuyến cung cấp trên Cổng dịch vụ công Quốc gia.

Chuyển đổi số vì lợi ích của người học, người dạy và người dân - Ảnh 1.

Cục trưởng Cục CNTT Nguyễn Sơn Hải báo cáo tại Hội thảo.

Hệ thống dịch vụ công đã tiếp nhận hồ sơ của hơn 1 triệu thí sinh đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT 2022, trong đó số học sinh đăng ký trực tuyến đạt hơn 93%; gần 3 triệu nguyện vọng xét tuyển được thí sinh đăng ký trực tuyến; 97% thí sinh thực hiện các hình thức thanh toán trực tuyến (không dùng tiền mặt) trên Cổng dịch vụ công Quốc gia.

Ứng dụng CNTT trong dạy học được tăng cường triển khai trong toàn ngành. Bộ GDĐT đã ban hành hướng dẫn về xây dựng học liệu số và khoá học trực tuyến. Kho học liệu số toàn ngành được xây dựng và đóng góp vào Hệ tri thức Việt số hóa hơn 7.000 bài giảng điện tử e-learning có chất lượng và hơn 2.000 bài giảng trên truyền hình.

Hiện nay, Bộ GDĐT có kế hoạch cung cấp miễn phí phần mềm quản trị cơ sở giáo dục (phổ thông, mầm non). Phần mềm đáp ứng yêu cầu quản trị cơ bản nhà trường, đáp ứng chuẩn dữ liệu của Bộ và kết nối 100% dữ liệu với cơ sở dữ liệu của ngành Giáo dục.

Bộ GDĐT còn đang nâng cấp mở rộng cơ sở dữ liệu về giáo dục mầm non, phổ thông cung cấp miễn phí cho các sở, phòng với Bộ GDDT phục vụ quản lý điều hành giáo dục trên môi trường số; cung cấp trục tích hợp và chia sẻ dữ liệu trong ngành Giáo dục, đảm bảo kết nối đầy đủ và thông suốt dữ liệu quản lý ngành. Bộ cũng xem xét xây dựng phần mềm dạy học trực tuyến dùng chung để cung cấp miễn phí tới các trường phổ thông.

Bộ sẽ sớm đưa vào triển khai chính thức cơ sở dữ liệu về giáo dục đại học phục vụ quản lý điều hành. Ngoài ra, Bộ GDĐT đang làm thủ tục để ban hành bộ Tiêu chí đánh giá mức độ ứng dụng CNTT và chuyển đổi số của cơ sở giáo dục.

Chuyển đổi số vì lợi ích của người học, người dạy và người dân - Ảnh 2.

Ngành Giáo dục phấn đấu hoàn thiện cơ sở dữ liệu trong năm 2023.

Tại hội thảo, các nhà quản lý giáo dục, chuyên gia giáo dục, chuyên gia công nghệ đã tập trung thảo luận về hiện trạng, tình hình triển khai nhiệm vụ CNTT và tổ chức thực hiện Đề án 131 ở Bộ GDĐT và các địa phương. Các đại biểu tập trung thảo luận về các thuận lợi, khó khăn và trao đổi kinh nghiệm triển khai chuyển đổi số trong giáo dục tại các địa phương và các cơ sở giáo dục.

Ghi nhận nhiều ý kiến trao đổi tại hội thảo

Các đại biểu ghi nhận, đánh giá cao các kết quả nổi bật trong triển khai nhiệm vụ CNTT và chuyển đổi số thời gian qua, cũng như thống nhất cao kế hoạch triển khai thời gian tới như: Triển khai cơ sở dữ liệu kết nối liên thông dữ liệu, dạy học trực tuyến, quản lý điều hành điện tử, mô hình giáo dục thông minh,...

Phát biểu kết thúc hội thảo, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn khẳng định, trong vài năm gần đây, đặc biệt là năm qua, đã có chuyển biến mạnh mẽ trong tăng cường ứng dụng CNTT và chuyển đổi số trong dạy học. Từ nhận thức rõ hơn về thực hiện dạy học trên môi trường số đến sử dụng các phần mềm quản trị nhà trường. Bộ GDĐT đã xây dựng và từng bước hoàn thiện cơ sở dữ liệu toàn ngành, tích hợp những phần mềm công cụ khác nhau. Ngành Giáo dục cũng đã từng bước cung cấp dịch vụ công, thực hiện Chính phủ điện tử. Trong bước tiến lớn đó, Bộ ghi nhận nỗ lực của tất cả các sở, nhà trường và các cục, vụ của Bộ.

Trước những khó khăn, vướng mắc, Thứ trưởng đặc biệt nhấn mạnh đến yếu tố con người và vấn đề nhận thức, năng lực. Có hiểu đúng về chuyển đổi số và mức độ cấp thiết mới tích cực tự học, tham gia tập huấn và triển khai thực tế. Chuyển đổi số là đưa những thực thể lên môi trường số, không còn giới hạn về không gian, thời gian, số người sử dụng, số lần sử dụng. Điều quan trọng là phải lấy lợi ích của người học, người thầy, người dân làm hàng đầu và đem đến những trải nghiệm để họ thấy được lợi ích của chuyển đổi số. Thông tin và học liệu số không những tiện lợi, có thể sử dụng mọi nơi, mọi lúc mà còn đưa lại hiệu quả to lớn cho người dùng. Công tác quản lý, dạy học cũng được tiến hành nhanh chóng, kịp thời, giảm trung gian.

Chuyển đổi số vì lợi ích của người học, người dạy và người dân - Ảnh 3.

Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn phát biểu kết thúc hội thảo.

Về phương hướng, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn nhấn mạnh, cơ sở dữ liệu là quan trọng nhất với chuyển đổi số, theo đó, ngành Giáo dục phấn đấu hoàn thiện toàn bộ cơ sở dữ liệu trong năm 2023. Thứ trưởng đề nghị các Sở GDĐT chỉ đạo các trường hoàn tất định danh điện tử cho học sinh.

Về học liệu, Bộ GDĐT sẽ xây dựng nền tảng, kho học liệu số quốc gia cho tất cả các cấp. Năm 2023 sẽ xây dựng một phần hệ thống bài giảng, bài học, tài liệu tham khảo, trước hết phục vụ học sinh tự học, thầy cô giáo tham khảo; sau đó từng bước mở rộng và hoàn thiện.

Đối với phát triển năng lực, năm 2023, Bộ sẽ xây dựng chuẩn năng lực số cho học sinh, sinh viên, giáo viên, trên cơ sở đó xây dựng giáo trình, tài liệu, trên cơ sở đó, các cơ sở đào tạo, địa phương tổ chức bồi dưỡng, tập huấn cũng như lồng ghép vào chương trình giảng dạy.

Để có đầy đủ căn cứ triển khai, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn đề nghị các vụ, cục bậc học quan tâm rà soát, bổ sung, điều chỉnh hệ thống văn bản, các thông tư liên quan chuyển đổi số trong năm 2023.

Theo Khánh Nguyễn

VTV

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên