Chuyện gì đã xảy ra với VAIO? Thương hiệu laptop "sang chảnh" ngày nào của Sony nay đã "mất hút" khỏi thị trường
Hơn một thập kỷ, Sony dần đánh mất “ngôi vương” ngành điện tử cho các đối thủ Châu Á. Sai lầm nối tiếp sai lầm, thương hiệu Vaio "sang chảnh" ngày nào liên tục bỏ lỡ cơ hội bứt phá để giờ này phải chật vật với thị phần ít ỏi còn lại.
Nội dung nổi bật:
Bối cảnh: Tự tin với thành công của mình, Sony liên tục đầu tư vào thiết kế và công nghệ cho toàn bộ phân khúc sản phẩm, nhất là dòng laptop "sang chảnh" Vaio.
Thực tế: Vaio liên tục phạm phải sai lầm cơ bản khi không đầu tư marketing cho dòng cao cấp, cũng như không tập trung vào giá thành và cấu hình cho phân khúc tầm trung.
Kết quả: Liên tục kinh doanh bết bát, Sony buộc phải bán mảng kinh doanh máy tính cá nhân và thương hiệu Vaio, kết thúc 17 năm "chinh chiến".
Sony - Đường xuống vực thẳm
Khi nói về hành trình "tự kết liễu" của Sony, các chuyên gia thường nhắc tới những cơ hội bỏ lỡ và chuỗi ngày dài đấu đá nội bộ. Sony cũng bị đánh giá là một thương hiệu "cổ hủ và cứng đầu" vì quá tự tin với tiềm lực của mình mà không thèm chạy theo thị hiếu.
Trong đó, "làn sóng công nghệ" mà Sony đã bỏ lỡ bao gồm: Chuyển đổi số, xu hướng tập trung vào nội dung & phần mềm, và tầm quan trọng của Internet.
Một minh chứng rõ nét là chiếc máy nghe nhạc MP3: Sony nắm trong tay mọi công nghệ và bản quyền âm nhạc cần thiết để "triệt hạ" iPod ngay từ trong trứng nước … nhưng chẳng có chuyện gì xảy ra và iPod đã trở thành một sản phẩm "định nghĩa lại" ngành âm nhạc, trong khi SonyWalkman lặng lẽ biến mất khỏi thị trường.
Ngày qua ngày, tất cả những mảng kinh doanh tạo nên tên tuổi của Sony, từ phần cứng tới phần mềm, từ giao tiếp tới nội dung … lần lượt bị các công nghệ đột phá mới đánh bại.
Nhìn chung, Sony có 3 sai lầm lớn:
- Quá tập trung vào sự "hoàn mỹ" và công nghệ mới mà quên mất những gì xảy ra trên thị trường.
- Đánh lầm còn hơn bỏ sót, sản xuất không chừa bất kỳ phân khúc nào gây khó hiểu cho người dùng.
- Và cuối cùng là chiến lược kinh doanh online thảm bại.
Vaio – Minh chứng cho sai lầm
Logo của VAIO gánh trên vai nhiệm vụ "chuyển mình" của chính Sony khi V và A tượng trưng cho sóng Analog, còn I và O là đại diện cho mã nhị phân hiện đại.
Ông Hideyuki Furumi, phụ trách Vaio Business Group, cho hay:
"Khi chúng ta bước vào thập kỷ mới, Sony muốn thay đổi cách con người tích hợp với PC và làm cho trải nghiệm của người dùng tốt hơn bây giờ."
Nghe rất tiềm năng, nhưng với Vaio, trải nghiệm tốt hơn đồng nghĩa với ... mức giá cao hơn.
Nhưng Vaio ra đời vào đúng thời điểm mà máy tính cá nhân đang dần thất thế trước máy tính bảng. Để đối phó với nhu cầu này, Sony cho ra đời những sản phẩm "lai" giữa laptop và tablet, hoặc cố gắng biến một chiếc máy tính bảng thành máy tính cá nhân khi có nhu cầu.
Tiếc rằng cả hai hướng đi trên đều thất bại nặng nề. Cho đến ngày nay, khi nhắc tới Vaio, người dùng chỉ nhớ ngay đến… mức giá đắt đỏ.
Sau đây là những nhận xét từ trang review PCWorld:
- Năm 2008: "Sony VAIO VGN-Z598U rất hấp dẫn nhưng giá của nó lại bằng một chiếc xe hơi cũ."
- Năm 2008: "VAIO X có thiết kế hấp dẫn, kích thước nhỏ gọn, cấu hình hợp lý, và một mức giá… quá nghiêm trọng (1.300 USD vào thời bấy giờ)."
- Cùng năm 2008, với mẫu "bình dân" VAIO W: "Với cấu hình trên, mức giá 500 USD hoàn toàn không hề rẻ."
Những bình luận trên kéo dài đến năm 2010 và 2011, một số mẫu Vaio còn đắt đến nỗi các "reviewer" khuyên người dùng nên đợi một thời gian cho giá giảm rồi hẵng mua.
Những bài đánh giá trên đã vạch ra một điểm yếu "chết người" của Vaio, khi thiết kế "sang chảnh" đã đẩy mức giá của dòng sản phẩm này lên quá cao, tự mình "cách ly" với những khách hàng trung thành.
Đến năm 2012, Sony trở thành thương hiệu "đội sổ" trong cuộc điều tra về nhãn hiệu máy tính tốt nhất trên PCWorld. Giá cao sẽ khiến kỳ vọng của khách hàng được nâng cao, nhưng tiếc rằng Vaio hoàn toàn không đáp ứng được kỳ vọng đó.
Macbook đắt nhưng thành công. Vaio đắt lại thất bại?
Theo chuyên gia Darren Gladstone: "Người dùng cứ đùa về "thuế Apple" – mức tiền mà bạn phải chi thêm để xài sản phẩm Apple. Nhưng chẳng phải Sony cũng đang làm thế với những mẫu laptop được thiết kế cầu kỳ đó sao."
Nhưng điều khác biệt là Sony chưa bao giờ kích thích được "khao khát sở hữu" từ khách hàng như Apple. Những chiếc Macbook mỏng nhẹ chiếm gần 90% thị trường laptop có giá trên 1.000 USD, bỏ mặc toàn bộ sản phẩm "flagship" của Vaio.
Đến thời kỳ máy tính cá nhân ngày một sa sút, phân khúc bán chạy nhất là những mẫu giá 500 USD, Vaio lại tung ra nhiều mẫu trong phân khúc này nhưng chẳng hề cạnh tranh nổi về giá thành và tính năng, những điểm mà khách hàng phân khúc tầm trung mong muốn.
Trong khi Apple vẫn trung thành với những mẫu mã "đắt xắt ra miếng" và nắm trọn thị phần laptop cao cấp, Vaio ngày một sụt giảm cả về thị trường và giá trị thương hiệu khi mở rộng quá đà.
Kết quả
Vào năm 2014, Sony quyết định rút khỏi thị trường máy tính cá nhân sau 17 năm kinh doanh, kéo theo sự biến mất của thương hiệu Vaio trên thị trường Âu-Mỹ vào cuối năm đó.
Sau đó không lâu, Japan Industrial Partners đã xuất hiện và mua lại toàn bộ mảng kinh doanh máy tính cá nhân nói chung và thương hiệu Vaio nói riêng.
Sau 4 năm "ẩn mình" Vaio đã sẵn sàng trở lại thị trường.
Hai mẫu Vaio mới nhất là S11 (giá 2.299 USD) và S13 (giá 2.199 USD), được bán ở Nhật Bản đã nhanh chóng "quay lại" Châu Á vào giữa năm 2018.
Nhiều người dùng tỏ ra vui mừng khi Vaio đã trở lại, nhưng với giá thành vẫn … cao chót vót, ít ai hy vọng rằng Vaio sẽ "lợi hại hơn xưa".
Trí thức trẻ