Chuyện gì đây: Mỹ mất một nửa lượng công ty niêm yết trên sàn chứng khoán kể từ thập niên 1990
Số vụ phá sản tại Mỹ đã lên cao nhất kể từ năm 2010, trong khi nền kinh tế khó khăn khiến các doanh nghiệp chẳng mặn mà với IPO nữa.
Hãng tin CNN cho biết thị trường chứng khoán Mỹ đã tăng 20% so với tháng 10/2022 sau khi kết thúc phiên 8/6/2023. Thế nhưng đà tăng giá này lại chỉ thuộc về một số công ty công nghệ và Big Tech khi cơn sốt trí tuệ thông minh nhân tạo trỗi dậy, trong khi phần lớn các doanh nghiệp nhỏ lẻ thì vẫn đang gặp khó khăn.
Tồi tệ hơn, thống kê của CNN cho thấy số lượng doanh nghiệp niêm yết trên sàn chứng khoán Mỹ đã giảm một nửa so với thập niên 1900. Cụ thể kể từ năm 1996 đến nay, số công ty niêm yết trên sàn chứng khoán Mỹ đã giảm liên tục, từ 8.000 doanh nghiệp xuống chỉ còn 3.700 hiện nay.
Tuy nhiên vấn đề không phải Mỹ có ít doanh nghiệp hơn cách đây 30 năm mà ngày càng nhiều doanh nhân muốn được hoạt động theo kiểu công ty tư nhân, tránh khỏi con mắt của công chúng cũng như sự cản trở của cổ đông.
Các công ty niêm yết trên sàn chứng khoán sẽ chịu sự giám sát của cơ quan luật pháp có thẩm quyền cũng như buộc phải công khai các báo cáo tài chính nhằm tạo sự minh bạch cũng như niềm tin cho nhà đầu tư.
Chuyên gia Matthew Kennedy của Renaissance Capital cảnh báo việc ngày càng nhiều công ty từ chối niêm yết để hoạt động tư nhân hiện nay sẽ làm giảm tính minh bạch cũng như niềm tin của nhà đầu tư trên thị trường, đồng thời gia tăng rủi ro khi các cơ quan quản lý không bám sát được tình hình hoạt động của doanh nghiệp.
Ngoài ra, sự thống trị của các cổ phiếu giá trị lớn (Blue chip) trên thị trường chứng khoán cũng làm mất đi tính cạnh tranh. Ví dụ 2 mã Apple và Microsoft đã chiếm đến 15% tổng giá trị trên S&P 500, khiến các nhà đầu tư thích sự an toàn chẳng có nhiều lựa chọn.
Vì đâu nên nỗi?
Hãng tin CNN cho biết đại dịch năm 2020 cùng với việc Mỹ nâng lãi suất chống lạm phát đã khiến ngày càng nhiều công ty ghét niêm yết trên sàn chứng khoán. Nỗi sợ khủng hoảng và sự biến động trên thị trường chứng khoán đã khiến các đợt phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) trở nên thưa thớt dần.
Năm 2022, tổng giá trị thị trường IPO tại Mỹ đã giảm 94,8% xuống chỉ còn 8 tỷ USD, mức thấp nhất trong suốt 32 năm qua. Tệ hơn, con số này vẫn tiếp tục đi xuống.
Trong quý I/2023, tổng mức vốn hóa của các cổ phiếu mới trên thị trường chứng khoán Mỹ đã giảm 60% so với năm ngoái.
“Tôi cho rằng việc các công ty trì hoãn IPO là điều hiển nhiên khi các nhà đầu tư hiện nay không mặn mà với những cổ phiếu mới”, chuyên gia Kennedy nhận định.
Ở chiều hướng ngược lại, số vụ phá sản tại Mỹ cũng tăng lên mức cao kỷ lục kể từ năm 2010. Ngay cả những cái tên tiếng tăm như Bed Bath, Beyond hay Party City cũng nằm trong danh sách đóng cửa đã khiến nhiều doanh nghiệp có ý định IPO phải suy xét lại.
Tình hình kinh tế khó khăn hiện nay cùng với sự khắt khe hơn của nhà đầu tư khiến ngay cả những ông lớn như Facebook, Google, Apple hay Microsoft cũng gặp nhiều thách thức, khiến các doanh nghiệp tư nhân cảm thấy chùn chân trước quyết định IPO.
Thay vào đó, việc hoạt động tư nhân với sự hỗ trợ của quỹ đầu tư lại đang là xu thế hiện nay khi các doanh nghiệp tránh khỏi được nhiều rắc rối và quy định.
Số liệu của Wells Fargo cho thấy số công ty được hỗ trợ bởi quỹ đầu tư tại Mỹ hiện nay nhiều gấp 5 lần so với các doanh nghiệp niêm yết trên sàn chứng khoán và xu thế này thực tế đã diễn ra được một khoảng thời gian.
Năm 1999, bình quân các hãng công nghệ Mỹ mất 4 năm đi từ thành lập lên IPO, thế nhưng con số này đã lên đến 11 năm vào năm 2019.
“Những doanh nghiệp tư nhân có lợi thế tránh được những gánh nặng trách nhiệm trước công chúng và các quy định chặt chẽ của chính phủ, qua đó tập trung được nguồn lực hơn cho những kế hoạch dài hạn”, báo cáo Wells Fargo ghi rõ.
*Nguồn: CNN
Nhịp sống thị trường