Chuyện gì khiến cảnh đổ xô tới siêu thị mua đồ tích trữ lại tái diễn ở Thượng Hải?
Thông báo lấy xét nghiệm Covid-19 đại trà tại 7 quận khiến cư dân Thượng Hải lo sợ về việc tái thi hành phong tỏa và đổ xô đi mua đồ tích trữ.
- 11-06-2022Đồng bạc xanh trở thành 'hầm trú ẩn an toàn duy nhất' của nhà đầu tư Mỹ khi lạm phát cao nhất 40 năm
- 11-06-2022Từng chìm nghỉm ít ai chú ý, mảng kinh doanh này của ngành dầu khí bỗng chốc lột xác và đem lại nhiều cơ hội kiếm tiền
- 11-06-2022Lạm phát đạt đỉnh hơn 40 năm, chứng khoán Mỹ giảm điểm mạnh
Thượng Hải sẽ tiến hành lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 cho hơn một nửa trong tổng số 25 triệu cư dân thành phố vào cuối tuần này. Chuyện này khiến nhiều người lo sợ chính quyền thành phố sẽ cho tái thực hiện các biện pháp giới hạn nghiêm ngặt để phòng chống dịch bệnh chỉ sau thời gian ngắn nới lỏng. Trước đó, Thượng Hải, trung tâm tài chính lớn nhất của Trung Quốc và cũng là thành phố giàu nhất ở Trung Quốc, đã phải phong tỏa 2 tháng để kiểm soát dịch.
Theo CNN, thông báo lấy mẫu xét nghiệm đại trà làm xuất hiện tâm lý lo sợ trong người dân thành phố Thượng Hải. Nhiều người lo sợ sẽ tiếp tục bị giam lỏng trong nhà như 2 tháng phong tỏa trước đây.
Nỗi sợ này còn làm bùng phát tâm lý đua nhau đi mua hàng hóa tích trữ. Hôm 9/6, cư dân Thượng Hải đã đổ xô tới các siêu thị để gom đồ. Tình trạng tích trữ khiến nhiều siêu thị rơi vào cảnh hết sạch thực phẩm và các nhu yếu phẩm khác. Những bức ảnh và đoạn video được công bố trên mạng xã hội Trung Quốc cho thấy, hàng dài người dân đứng xếp hàng chờ tới lượt để thanh toán và nhiều kệ hàng trống trơn.
Trước đó, trong cuộc họp báo hôm 9/6, bà Zhao Dandan, Phó Giám đốc Ủy ban Y tế thành phố Thượng Hải, thông báo ít nhất 7/16 quận ở Thượng Hải với tổng số 15 triệu dân sẽ thực hiện lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 đại trà vào cuối tuần này. Một số quận trong danh sách lấy mẫu là trung tâm tài chính lớn và đông dân nhất ở Thượng Hải gồm Phố Đông và Từ Hối.
Cũng theo bà Zhao, những quận báo cáo có ca mắc Covid-19 kể từ sau khi Thượng Hải gỡ bỏ lệnh phong tỏa toàn thành phố hôm 1/6 sẽ được đặt trong tình trạng “quản lý khép kín” trong quá trình thu thập mẫu xét nghiệm. Tuy nhiên, bà Zhao không nói rõ thời gian lấy mẫu sẽ kéo dài bao lâu.
Theo chính sách “zero Covid-19” (không ca nhiễm Covid-19) của Trung Quốc, thuật ngữ “quản lý khép kín” nhắc tới việc thi hành các quy định trong đó cấm người dân rời khỏi khu dân cư hoặc cơ sở làm việc.
Vào tối ngày 9/6, quận Trường Ninh, nơi sinh sống của 700.000 người và là nơi tọa lạc của Sân bay Quốc tế Hồng Kiều Thượng Hải, thông báo chính thức trên tài khoản mạng xã hội về việc lấy mẫu xét nghiệm đại trà cho cư dân vào ngày 11/6.
“Trong quá trình lấy mẫu, hoạt động quản lý khép kín sẽ được thi hành ở các khu dân cư, nơi người dân chỉ có thể vào mà không thể ra”, thông báo của chính quyền quận Trường Ninh nhấn mạnh.
Còn vào sáng ngày 9/6, quận Tùng Giang có 1,9 triệu cư dân sinh sống cũng yêu cầu toàn bộ người dân có mặt trên địa bàn tham gia lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 vào cuối tuần.
Lâu nay, chính phủ Trung Quốc vẫn kiên định thi hành chính sách “không ca nhiễm Covid-19”. Điều này có nghĩa Trung Quốc sẽ nhanh chóng triển khai phong tỏa, lấy xét nghiệm đại trà và giới hạn hoạt động đi lại ở những khu vực phát hiện chùm ca bệnh.
Nhiều quan chức Trung Quốc cũng cảnh báo việc nới lỏng chính sách “không ca nhiễm Covid-19” có thể khiến số lượng ca nhập viện và tử vong tăng đột biến, do yếu tố dân số già dù nhiều người đã tiêm phòng vắc xin Covid-19 đầy đủ.
Song chiến lược chống dịch của chính phủ Trung Quốc lại đang phải đối mặt với những thách thức ngày càng gia tăng từ sự lây lan của biến chủng Omicron, cũng như sự bất đồng quan điểm của người dân khi cuộc sống liên tục bị gián đoạn vì các biện pháp phòng chống dịch bệnh.
Tại Trung Quốc, khi phát hiện một ca dương tính với Covid-19, toàn bộ một tòa nhà hay khu dân cư sẽ bị phong tỏa, cũng như khiến một vài khu vực xung quanh bị phong tỏa trong 2 tuần.
Kể từ khi Thượng Hải gỡ bỏ lệnh phong tỏa toàn thành phố vào ngày 1/6, các ca mắc Covid-19 vẫn được báo cáo bao gồm những trường hợp bên ngoài khu vực cách ly. Kết quả, nhiều khu vực trong thành phố vẫn đang phải thi hành lệnh phong tỏa nghiêm ngặt.
Điển hình, hôm 9/6, chính quyền Thượng Hải thông báo có 6 ca Covid-19 trong cộng đồng, mà 3 trường hợp nhiễm bệnh làm việc tại một cửa hàng cắt tóc. Truyền thông Trung Quốc đưa tin, 13 nhân viên khác làm việc tại salon tóc cũng bị đưa đi cách ly cùng 502 khách hàng tới cơ sở này trong tuần qua và những trường hợp tiếp xúc gần.
Một cư dân Thượng Hải nói với CNN rằng, hơn 200 người sống trong 2 tòa nhà ở khu vực kế bên đã bị phong tỏa, sau khi 2 cư dân được xác định có tiếp xúc gần với các ca bệnh ở salon tóc.
Trong khi đó, hôm 9/6, Triều Dương, quận lớn nhất ở thủ đô Bắc Kinh, thông báo đóng cửa toàn bộ khu vui chơi giải trí bao gồm quán bar, cà phê internet, cơ sở thể thao chỉ sau vài ngày cho phép tái hoạt động. Động thái này được đưa ra sau khi quận Triều Dương xác nhận 3 ca Covid-19 trong cộng đồng đều liên quan tới một quán bar ở địa phương. Một số quận khác ở Bắc Kinh cũng đã ra thông báo tương tự.
Infonet