Chuyên gia AI nhận định ChatGPT dù ấn tượng nhưng sẽ sớm trở thành một công cụ tầm thường như Excel
Dù có thể tạo ra các đoạn văn xuôi trôi chảy một cách kỳ lạ, nhưng nhiều chuyên gia cho rằng ChatGPT chỉ là sản phẩm mới nhất trong một danh sách dài các ứng dụng công nghệ hữu ích mà thôi.
- 12-01-2023Năm 2022 ngành tiền điện tử mất gần 4 tỷ USD vì tin tặc
- 12-01-2023Đã có thẻ CCCD gắn chip, tại sao người dân vẫn cần có tài khoản định danh điện tử?
- 11-01-2023Chưa đầy 2 tháng sau ‘thảm họa’ FTX, Binance mất 24% giá trị tài sản ròng, số tiền rút ra lên đến 12 tỷ USD
Mô hình xử lý ngôn ngữ bằng AI mang tên ChatGPT đang tạo nên một cơn sốt trên toàn thế giới, với vô số sự kinh ngạc và những tiếng reo hò thích thú bên cạnh không ít tiếng kêu đầy phẫn nộ hoặc thở than. Những người vui mừng là những người kinh ngạc khi phát hiện ra rằng một con bot rõ ràng có thể thực hiện thành thạo một nhiệm vụ xây dựng văn bản như người thật. Sự phẫn nộ được kích hoạt bởi nỗi sợ hãi về sự dư thừa công việc của những người đang làm việc liên quan tới nội dung hoặc viết lách. Còn lời than thở đến từ những người nghiêm túc, phần nhiều người trong số họ là giáo viên ở nhiều cấp độ khác nhau, có công việc hàng ngày liên quan đến việc chấm điểm các bài luận của học sinh.
Tuy nhiên, theo quan điểm của giáo sư John Naughton tại Open University (Đại học Mở) của Anh, chia sẻ trên tờ The Guardian thì dù sự tồn tại của ChatGPT là thú vị, nhưng các phản ứng đi kèm lại không gây quá nhiều bất ngờ.
“Nếu chúng ta nhìn lại lịch sử, thì rất nhiều lần dư luận thường có sự đánh giá quá cao tác động ngắn hạn của các công nghệ truyền thông mới, trong khi lại đánh giá quá thấp những tác động lâu dài của chúng. Điều tương tự xảy ra như vậy với báo in, phim ảnh, phát thanh, truyền hình và internet. Và tôi nghi ngờ rằng chúng ta vừa nhảy vào cùng một vòng quay nhận thức như vậy”, ông chia sẻ.
"ChatGPT tốt nhất là một trợ lý, một công cụ giúp tăng cường khả năng của con người", giáo sư John Naughton.
Theo giáo sư John, trước khi cảm thấy cần phải đưa ra lời cảnh báo cộng đồng hay bất cứ thứ gì tương tự, hãy nên kiểm tra bản chất của “con quái vật” mang tên ChatGPT.
Về cơ bản, đó là thứ được gọi là mô hình ngôn ngữ lớn (LLM) đã được tăng cường sức mạnh với giao diện đàm thoại. Mô hình cơ bản đã được đào tạo trên hàng trăm terabyte văn bản, hầu hết trong số đó có thể được lấy từ web, vì vậy có thể nói rằng nó đã “đọc” (hoặc ít nhất là nhập) hầu hết mọi thứ đã từng được xuất bản trực tuyến trên mạng Internet. Do đó, ChatGPT khá thành thạo trong việc bắt chước ngôn ngữ của con người, một trong những lý do căn bản khiến nhiều người sa vào thuyết nhân hóa, coi hệ thống giống con người hơn là giống máy móc. Đó cũng là lý do nhiều người cảm thấy thích thú với ChatGPT khi có cảm giác rằng botchat này theo một cách nào đó là "có tri giác".
Một học giả nổi tiếng về AI là Murray Shanahan cũng có quan điểm tương tự, trong bài viết “Nói về các mô hình ngôn ngữ lớn” đăng tải trên arXiv, một kho lưu trữ kỹ thuật số truy cập mở nổi tiếng. Trong bài viết của mình, ông giải thích rằng LLM là mô hình toán học về phân phối thống kê của “mã thông báo” (các từ, phần của từ hoặc ký tự riêng lẻ bao gồm cả dấu chấm câu) trong một kho văn bản rộng lớn do con người tạo ra.
Vì vậy, nếu bạn đưa ra một câu hỏi cho mô hình chẳng hạn như: “Người đầu tiên đặt chân lên mặt trăng là…” và nó sẽ trả lời là “Neil Armstrong”, thì đó không phải là vì mô hình biết bất cứ điều gì về mặt trăng hay sứ mệnh của tàu Apollo. Thay vào đó, chúng ta đang thực sự hỏi nó một câu hỏi sau: “Với sự phân bố thống kê các từ trong kho văn bản [chẳng hạn bằng tiếng Anh] công khai và rộng lớn, những từ nào có nhiều khả năng nhất để sắp xếp theo trình tự 'Người đầu tiên bước đi trên mặt trăng'?". Và câu trả lời phù hợp nhất ở đây cho câu hỏi này chính là "Neil Armstrong".
Vì vậy, những gì đang diễn ra trên thực tế là quá trình “dự đoán mã thông báo tiếp theo”. Tuy nhiên, chúng ta lại thường liên kết nó với trí thông minh của con người. Điều này có thể giải thích tại sao rất nhiều người ấn tượng với hiệu suất xử lý của ChatGPT. Nó đã trở nên hữu ích trong nhiều ứng dụng, chẳng hạn như tóm tắt các bài báo dài hoặc tạo bản nháp đầu tiên của một bản trình bày thứ mà sau đó chúng ta có thể chỉnh sửa để sử dụng.
Một trong những khả năng bất ngờ hơn của nó là hoạt động như một công cụ giúp viết các đoạn mã máy tính. Dan Shipper, một lập trình viên có nhiều năm kinh nghiệm, cho biết đã dành cả kỳ nghỉ Giáng sinh để thử nghiệm ChatGPT với tư cách là một trợ lý lập trình.
Anh đã kết luận rằng: “Nó cực kỳ hữu ích trong việc giúp bạn bắt đầu một dự án mới. Quá trình phải mất thời gian để nghiên cứu, suy nghĩ và tìm kiếm mọi thứ và loại bỏ nó… Trong 5 phút, bạn có thể có phần gốc của thứ gì đó hoạt động được, thứ mà trước đây phải mất vài giờ để bắt đầu và chạy thử.”
Tuy nhiên, lời cảnh báo của Dan là bạn phải biết và hiểu về lập trình trước.
ChatGPT đang làm mưa làm gió trong cộng đồng công nghệ.
Đối với giáo sư John, ông cho rằng đó dường như là sự khởi đầu và hướng đi khôn ngoan trong việc sử dụng ChatGPT. Ông nói: “Tốt nhất, nó nên là một trợ lý, một công cụ giúp tăng cường khả năng của con người.”
John cho biết nó làm ông nhớ lại câu chuyện về phần mềm bảng tính, đã tấn công giới kinh doanh như “một tiếng sét giữa trời quang” vào năm 1979, khi Dan Bricklin và Bob Frankston viết ra VisiCalc, chương trình bảng tính đầu tiên cho máy tính Apple II. Nó đã bán được hơn 700.000 bản trong sáu năm và có tới 1 triệu bản trong suốt lịch sử của nó.
Một ngày nọ, Steve Jobs và Steve Wozniak đã thức dậy và chợt nhận ra rằng nhiều người mua máy tính của họ đang mặc vest và làm việc trong văn phòng, chứ không phải là các game thủ hay bất cứ kiểu người nào khác. Hóa ra, chính phần mềm đó đã giúp họ bán phần cứng, chứ không phải ngược lại.
Nhìn vào thành công đó, IBM sau đó đã thúc đẩy việc tạo ra những chiếc máy tính của riêng mình và Mitch Kapor đã viết ra chương trình bảng tính Lotus 1-2-3. Cuối cùng, Microsoft đã viết ra phiên bản bảng tính của riêng mình và gọi nó là Excel, hiện đang chạy trên mọi chiếc máy tính trong mọi văn phòng ở các nước phát triển. Các phần mềm này đã đi từ một công cụ hỗ trợ hấp dẫn nhưng hữu ích cho khả năng của con người thành một công cụ bình thường.
Tất nhiên, vẫn có những người có thể kiến bộn tiền từ Excel ngày nay. Kat Norton, hay còn được gọi là “Miss Excel”, đang kiếm được cả trăm ngàn USD mỗi ngày từ việc dạy các thủ thuật Excel trên TikTok. Và khả năng cao là một ai đó, ở đâu đó, cũng đang lên kế hoạch làm điều tương tự với ChatGPT.
Tham khảo The Guardian
Thể thao & Văn hóa