Chuyên gia AVSE Global: Grab, Uber sẽ không khai tử được taxi truyền thống
Trước thềm Diễn đàn Kinh tế số hóa (Vietnam Digital Economy Forum) diễn ra vào tháng 01/2018 theo sáng kiến của Hội các nhà khoa học và chuyên gia Việt Nam toàn cầu (AVSE Global), các vấn đề về nền kinh tế chia sẻ, những tác động mạnh mẽ của cuộc cách mạng công nghệ 4.0 lại một lần nữa được làm nóng lên hơn bao giờ hết.
Trong nước, sự cạnh tranh khốc liệt của mô hình vận tải mới Grab, Uber và mô hình truyền thống là một điển hình cho sự trỗi dậy của công nghệ đang lấn át mô hình cũ.
Chúng tôi có cuộc kết nối với ông Phạm Trường Thi, một chuyên gia của AVSE, một tổ chức phi lợi nhuận có trụ sở tại Pháp và là mạng lưới kết nối và chia sẻ tri thức uy tín của người Việt và người nước ngoài trên toàn thế giới hướng sự tiến bộ của Việt Nam.
Câu chuyện về sự khó khăn của các hãng taxi truyền thống, tiêu biểu là Vinasun và Mai Linh thể hiện sự tác động rất nhanh của cuộc cách mạng mới đối với các doanh nghiệp, ông cho rằng các doanh nghiệp nên làm gì?
Cũng giống như báo điện tử không thay thế được báo giấy, email không thay thế được thư tay, hay thương mại điện tử không thay thế được siêu thị và chợ, Uber và Grab sẽ ko khai tử được taxi truyền thống. Thị trường chung sẽ lớn hơn do công nghệ giúp cho nguồn cung và cầu tăng lên.
Trong ngắn hạn, miếng bánh của taxi truyền thống sẽ nhỏ lại so với trước, nhưng về dài hạn thì thị trường sẽ có xu thế cân bằng và các mô hình sẽ có phân khúc khách hàng riêng của mình, đồng thời không cạnh tranh trực tiếp với nhau nữa. Taxi truyền thống thay vì dồn tất cả nguồn lực để đánh trực tiếp đối thủ, có thể tập trung vào chăm sóc tốt hơn khách hàng trung thành của mình và tận dụng công nghệ để tối ưu hoá quy trình cung cấp dịch vụ để tạo ra 1 lợi thế cạnh tranh riêng.
Liệu có thể dự báo xu hướng này sẽ ra sao đối với từng ngành nghề cụ thể hay không?
Những công việc có tính chất lặp đi lặp lại, thâm dụng nhân công dần sẽ được thay thế bởi robot có trí tuệ nhân tạo. Các ngành may mặc, nông nghiệp, hay các công việc thư ký hoặc phục vụ nhà hàng, sẽ bị ảnh hưởng rất nhiều. Ngay cả uber và grab nếu không khéo cũng sẽ bị các mô hình xe tự lái thay thế.
Sự lúng túng thấy rõ của các doanh nghiệp trong nước cho chúng ta thấy rằng, nếu không nhận thức rõ vấn đề thì việc đối mặt sẽ vô cùng khó khăn, nguy cơ một thương hiệu lớn bị biến mất là vô cùng lớn. Theo ông, làm thế nào để đi đầu và làm chủ xu hướng?
Trong cuộc cách mạng này, con người sẽ là yếu tố then chốt. Chỉ có con người mới có thể nghiên cứu và sáng tạo để tạo ra các mô hình kinh doanh, sản phẩm và dịch vụ mới. Các doanh nghiệp trong nước nên đầu tư hơn nữa để có được những chuyên gia giỏi về công nghệ làm việc cho mình, từ đó mới có thể đi tắt đón đầu và làm chủ được xu hướng.
Cơ hội nào cho các mô hình kinh doanh truyền thống? Họ phải biến đổi mình ra sao?
Như tôi đã nói ở trên, các mô hình truyền thống sẽ không bị mất đi. Nhưng họ cần phải tự biến đổi để thích nghi 1 cách tốt hơn với các xu hướng mới. Có thể là tập trung vào 1 thị trường chuyên biệt, hay cao cấp hoá hoặc cá nhân hoá các sản phẩm và dịch vụ của mình. Nhưng trên tất cả, khách hàng vẫn phải là trung tâm và quyền lợi của khách hàng phải luôn được ưu tiên.
Xin cảm ơn ông.
Lắng nghe những chia sẻ của các chuyên gia đầu ngành về nền kinh tế số hóa tại các Hội thảo chuyên đề và Diễn đàn kinh tế số hóa diễn ra vào tháng 1/2018. Website http://www.vdef.a-vse.org/.