Chuyên gia BĐS hiến kế: Vợ chồng trẻ thu nhập 15-20 triệu/tháng đủ sức mua nhà tiền tỷ thành phố
Với số tiền tích lũy không nhiều, đa số người trẻ mua nhà thành phố đều phải vay ngân hàng. Các chuyên gia kinh tế và bất động sản dưới đây sẽ đưa ra lời khuyên để giúp giấc mơ sở hữu căn nhà của người trẻ thành sự thực.
Chuyên gia kinh tế Bùi Quang Tín: “Nếu thu nhập 20 triệu đồng/tháng, mỗi tháng tích lũy được 10 triệu thì có thể nghĩ đến việc mua nhà tại thành phố”
“Nếu vợ chồng trẻ có thu nhập 20 triệu đồng/tháng và có dư 500 triệu đồng thì có thể vay thêm ngân hàng để mua nhà ở thành phố”, ông Tín cho hay. Theo vị chuyên gia này, nếu thu nhập 20 triệu đồng/tháng, tùy vào mức tiêu dùng để cân nhắc số dư hàng tháng trả nợ ngân hàng. Nếu chưa có con thì mức tiêu có thể 7-8 triệu đồng/tháng, có con thì có thể chi mỗi tháng 10 triệu đồng. Một tháng tích lũy được 10 triệu đồng để trả góp nhà.
TS.LS Bùi Quang Tín, Chủ tịch kiêm CEO Trường Doanh nhân BizLight, chuyên gia kinh tế
Ông Tín cho rằng, không có công thức để đưa ra mức vay ngân hàng phù hợp nhất cho người trẻ vì còn phụ thuộc vào thu nhập của từng người, mức lãi suất vay, khả năng trả nợ. Chẳng hạn, người trẻ tích lũy được 500 triệu, nhắm mua căn hộ giá 1 tỉ đồng/căn thì vay thêm 500 triệu. Lúc vay số tiền này cần tính toán thời gian vay là bao lâu, 10 năm hay 20 năm, hình thức vay là gì và cần nhờ ngân hàng tư vấn kỹ càng.
Nhiều bạn trẻ hiện nay chọn hình thức thuê nhà dài hạn, số tiền tích lũy đem đầu tư sinh lời rồi tính chuyện mua nhà sau, ông Tín cho rằng, điều này chỉ hợp lý trong trường hợp thu nhập của hai vợ chồng trẻ không ổn định, không bù đắp được chi tiêu hàng tháng, không dự kiến ở Sài Gòn…
“Tôi nghĩ, người trẻ nên vay ngân hàng để mua nhà. Tính ra, nếu đàm phán với ngân hàng vay trong dài hạn, 30 năm chẳng hạn thì số tiền vay 500 triệu, tiền lãi phải trả còn thấp hơn tiền thuê nhà. Chưa tính, giá BĐS ở TP ngày càng tăng. Nếu bạn chờ đến lúc đủ tiền mua thì số tiền tích lũy so với giá nhà chỉ là số lẻ, chẳng hạn để dành được 1 tỉ đồng thì nhà lúc đó đã lên 2-3 tỉ đồng/căn.
Ông Ngô Quang Phúc, Tổng giám đốc Phú Đông Group: “Không nên vay ngân hàng quá 70%”
Theo ông Phúc, người trẻ thường không có tiền nhiều ngay được, số vốn tích lũy ban đầu rất ít. Đa số họ là sinh viên mới ra trường hoặc đi làm vài năm lập gia đình. Do đó vay ngân hàng để mua nhà là giải pháp của đa số người trẻ trong độ tuổi 25-30 hiện nay.
Nếu người trẻ có 300-400 triệu đồng trong tay, vay mượn gia đình thêm được 500 triệu. Mua căn nhà 1.5 tỉ đồng/căn ở thành phố thì bắt buộc phải vay 1 tỉ đồng. Nếu tính vay 1 tỉ trong vòng 20-25 năm, hàng tháng trả gốc 5 triệu, tiền lãi 10 triệu, vị chi là hết 15 triệu đồng mỗi tháng. Như vậy, ít nhất người trẻ phải đạt thu nhập 30 triệu đồng/tháng, trong đó 50% thu nhập tiết kiệm để trả tiền vay mua nhà.
Ông Ngô Quang Phúc, Tổng giám đốc Phú Đông Group
Trong thời gian chờ đợi 2 năm để có nhà, 15 triệu đồng vợ chồng trẻ phải chắt chiu gom góp đủ lo cuộc sống, bao gồm cả tiền thuê nhà trong thời gian chờ đợi giao nhà. “Bản thân người trẻ mua nhà phải cố gắng nhiều hơn để tăng thêm thu nhập, lo cuộc sống trước khi nhận nhà. Khi có nhà rồi không phải bỏ chi phí tiền thuê nữa, lúc đó sẽ thoải mái hơn”, ông Phúc nhắn nhủ.
Tuy vậy, theo ông Phúc, mức vay ngân hàng hoàn hảo cho người trẻ là 50% giá trị căn nhà. Chẳng hạn, căn nhà 1,5 tỉ đồng thì vay 750 triệu đồng. Trong trường hợp không lo đủ số tiền ứng trước 50% thì có thể vay thêm một chút nhưng tuyệt đối không quá 70% vì gánh nặng tài chính sẽ rất lớn, những rủi ro về siết nợ ngân hàng dễ xảy ra.
“Cố gắng vay càng ít càng tốt, dao động ở 50-70% giá trị căn nhà, tùy vào lượng tiền mình đã có được bao nhiêu”, ông Phúc nhấn mạnh.
Phan Công Chánh, chuyên gia BĐS cá nhân: “Quy luật “2 lần 50%”
Theo lời khuyên của chuyên gia Phan Công Chánh, người có ý định dùng tiền lương mua nhà trả góp không nên vay quá 50% giá trị căn nhà và số tiền trả lãi không nên vượt quá 50% thu nhập hàng tháng của cả vợ lẫn chồng. “50% thu nhập trong tháng dùng để chi phí tái tạo sức lao động. Tôi gọi đây là quy luật 2 lần 50%”, ông Chánh nhấn mạnh.
Ông Chánh đưa ví dụ, nếu 2 vợ chồng trẻ thu nhập khoảng 15 triệu đồng/tháng có tích lũy khoảng 400 triệu thì chỉ nên mua căn hộ 800 triệu. Vậy tối đa 400 triệu trong thời gian 20 năm, lãi suất 10%/năm. Hàng tháng trả gốc lẫn lãi vào khoảng 5 triệu. Nhỏ hơn 50% thu nhập là 7,5 triệu là thoải mái và hợp lý.
Ông Phan Công Chánh, chuyên gia BĐS cá nhân
Vị chuyên gia này cũng lưu ý người trẻ mua nhà bằng lương trả góp.
- Đi xem nhiều dự án (Người mua ít nhất phải đi xem 5-10 chỗ để có cái nhìn tổng quát, nhiều thông tin để đối chiếu, so sánh).
- Rà soát kỹ pháp lý.
-Xem kỹ hợp đồng (Liệt kê các điểm cần phải hỏi và có thể tham khảo thêm lần nữa với luật sư hoặc chuyên gia tư vấn).
-Tính toán kỹ tài chính (Không nên vay quá 50% giá trị căn nhà và số tiền trả lãi không nên vượt quá 50% thu nhập hàng tháng của cả vợ lẫn chồng).
- Học hỏi và tự mình trang bị đầy đủ những kiến thức về bất động sản.
Ông Nguyễn Hoàng Tuấn, Tổng giám đốc Yeshouse: “Có ít nhất 30% giá trị căn nhà hãy nghĩ tới vay vốn ngân hàng”
Ông Tuấn cho rằng, nếu có phương án trả nợ hiệu quả, ổn định người mua nhà có thể vay lên đến 70% của tài sản thế chấp, vì thực tế lãi suất vay hiện tại thấp hơn tốc độ tăng giá của bất động sản ở những thành phố lớn hoặc những đô thị vệ tinh của những thành phố lớn đó.
Còn nếu phương án trả nợ ngân hàng chưa thật sự ổn định, còn phụ thuộc vào các nguồn thu nhập khác nhau thì tôi khuyên người trẻ mua nhà nên vay tối đa 50% giá trị của bất động sản, giảm thiểu đối đa khi mất khả năng trả nợ phải bán nhanh bất động sản không được giá. Sau khi xác định được số tiền hiện có để dành mua nhà, người mua cũng cần chú ý tới nhu cầu tiền sinh hoạt của gia đình, của bản thân, nhằm đảm bảo bạn vẫn còn dư giả tiền sinh hoạt cũng như không rơi vào “bẫy lãi suất” khi đi vay.
Ông Nguyễn Hoàng Tuấn, Tổng giám đốc Công ty Yeshouse
Theo tôi, người trẻ nên có trong tay số tiền khoảng 30-50% giá trị căn nhà định mua hãy nghĩ tới việc vay vốn ngân hàng.
“Trước khi vay tiền mua nhà, người vay cần đánh giá được khả năng tài chính của bản thân, nhằm hạn chế tối đa việc mất khả năng trả nợ trong tương lai, đáng giá được các nguồn thu nhập để trả nợ gốc, lãi, nắm rõ mỗi tháng cần bao nhiều tiền để sinh hoạt, bao nhiều tiền để trả ngân hàng”, ông Tuấn nhấn mạnh.
Bà Trần Thị Cẩm Tú, Tổng giám đốc Eximrs: “Bản thân nên có 50% vốn thì mới nên mua BĐS”
Theo bà Tú, ở giai đoạn BĐS biến động thì nếu NĐT vay ngân hàng quá 50% số vốn để lướt sóng đất nền thì rất dễ gặp rủi ro. Với cả người mua thực và NĐT chỉ nên vào thị trường BĐS khi bản thân đã có hơn 50% vốn, riêng với NĐT, hạn chế dùng vốn vay ngân hàng để đầu tư.
Bà Trần Thị Cẩm Tú, Tổng giám đốc Eximrs
Bà Tú cho rằng, hiện nay người trẻ không chỉ mua BĐS để ở mà số người trẻ đi đầu tư nhà đất cũng rất nhiều. Vì thế, bà Tú cho lời khuyên, nếu đi vay ngân hàng quá 50% số vốn để lướt sóng nhà đất thì rất dễ gặp rủi ro. Ở những trường hợp NĐT là người trẻ, dùng số tiền tích lũy được để đặt cọc nhiều nền đất một lúc nhưng nếu trường hợp không dễ ra hàng nhanh chóng, buộc phải vay ngân hàng để "tiếp" vào. Điều này rất dễ đến tình trạng "mắc cạn" dòng vốn, trả lãi ngân hàng.
Bà Tú ví dụ, một người dùng 300-400 triệu đồng đặt cọc 4-5 nền đất (mỗi nền 50 triệu đồng) để lướt sóng. Nhưng không phải sản phẩm lúc nào cũng ra hàng nhanh, dẫn đến việc vốn bị chôn lại đó, buộc phải sử dụng vốn vay ngân hàng để mua đứt sản phẩm… như vậy thì rủi ro là khôn lường, đặc biệt với những người có dòng vốn ít.
Trí thức trẻ