MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chuyên gia BIDV đề xuất 8 giải pháp để hạn chế rủi ro, vượt qua thách thức cho nền kinh tế 2018-2019

8 nhóm giải pháp mà các chuyên gia đưa ra bao gồm cả các giải pháp với nội tại nền kinh tế lẫn rủi ro bên ngoài cùng khả năng chống đỡ với các cú sốc của nền kinh tế nói chung và hệ thống tài chính tiền tệ nói riêng.

Như các bài trước chúng tôi đã đề cập, nhóm phân tích đến từ Trung tâm nghiên cứu của Ngân hàng BIDV vừa công bố bản báo cáo đánh giá về khả năng không xảy ra chu kỳ khủng hoảng kinh tế 10 năm đối với nền kinh tế Việt Nam giai đoạn 2018 – 2019.

Dựa trên cơ sở phân tích các dấu hiệu khủng hoảng qua các thời kỳ bất ổn của kinh tế Việt Nam và sự khác biệt của giai đoạn hiện nay (2018-2019) với các giai đoạn trước đó, các chuyên gia của BIDV khẳng định khả năng xảy ra khủng hoảng mang tính chu kỳ10 năm trong giai đoạn 2018-2019 tại Việt Nam là khó xảy ra. Nền tảng vững chắc hơn trong từng cấu phần kinh tế; sự cải thiện trong các cân đối lớn của nền kinh tế, trong các chỉ số của lĩnh vực tài chính-ngân hàng và các thị trường quan trọng (TTCK, BĐS); niềm tin của người dân, doanh nghiệp và các tổ chức trong và ngoài nước là những nhân tố khẳng định kết luận trên.

Mặc dù vậy, theo các chuyên gia, do nội tại nền kinh tế Việt Nam vẫn tồn tại một số điểm yếu, đồng thời môi trường bên ngoài ngày càng có nhiều diễn biến phức tạp. Và nhóm tác giả đề xuất 8 giải pháp trọng tâm nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, khắc phục hạn chế để vượt qua thách thức và phát triển nhanh, bền vững hơn.

Thứ nhất, đối với rủi ro bên ngoài. Các chuyên gia cho rằng phải theo dõi sát sao, đánh giá tác động của diễn biến căng thẳng thương mại, địa chính trị thế giới và xây dựng các kịch bản dự báo ứng phó chủ động, kịp thời; (ii) chủ động đa dạng hóa quan hệ đầu tư, thương mại với các thị trường mới (như Canada, khu vực Mỹ Latin và các quốc gia thuộc Liên minh EAEU, châu Phi…), song song với việc duy trì và thúc đẩy mối quan hệ với các thị trường truyền thống nhằm giảm thiểu các tác động tiêu cực khi các thị trường này có sự thay đổi đột biến; (iii) tập trung cải cách nội tại và chú trọng khai thác thị trường trong nước.

Thứ hai, chú trọng ổn định kinh tế vĩ mô, nâng cao hiệu quả phối hợp chính sách, nhất là giữa chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa và giá cả, trong đó chú trọng liều lượng và thời điểm cung tiền trong nền kinh tế nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát giá cả các mặt hàng Nhà nước quản lý, xây dựng kịch bản điều hành giá chi tiết cho từng mặt hàng và đánh giá tác động chung đến chỉ số giá trong từng thời điểm để có sự điều chỉnh phù hợp nhằm kiểm soát lạm phát mục tiêu dưới 5%. Đồng thời, theo sát, phân tích và dự báo diễn biến thị trường tài chính – tiền tệ quốc tế để có thể sử dụng đồng bộ các công cụ chính sách nhằm ổn định mặt bằng lãi suất, tỷ giá và thị trường ngoại hối.

Thứ ba, thúc đẩy tăng năng suất lao động, đóng góp của năng suất tổng hợp (TFP), nâng cao hiệu quả và sức cạnh tranh của các doanh nghiệp, các ngành và nền kinh tế: (i) hoàn thiện thể chế, thành lập Ủy ban năng suất quốc gia và khởi tạo Chiến dịch quốc gia về tăng năng suất (theo kinh nghiệm Nhật Bản), vận hành hiệu quả Hội đồng quốc gia về phát triển bền vững và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia; (ii) tiếp tục xác định và đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo là một trong 4 đột phá chiến lược của quốc gia; (iii) đẩy mạnh tái cơ cấu công nghiệp và nông nghiệp, góp phần tăng năng suất nội ngành và phân bổ lại nguồn lực từ khu vực NSLĐ thấp sang khu vực có NSLĐ cao hơn; (iv) đổi mới mạnh mẽ giáo dục-đào tạo, gồm cả đào tạo nghề, nâng cao trình độ, kỹ năng tay nghề phù hợp với yêu cầu tăng NSLĐ trong bối cảnh CMCN 4.0; và (v) doanh nghiệp Việt cần phát huy vai trò là trung tâm đổi mới, sáng tạo, phát triển và ứng dụng khoa học công nghệ, nâng cao NSLĐ...

Thứ tư, tiếp tục đẩy mạnh và quyết liệt hơn, đồng bộ và triệt để các giải pháp tái cơ cấu nền kinh tế, chú trọng khắc phục bất cập ở khâu triển khai thực hiện ở các bộ, ngành, đơn vị, địa phương. Theo đó: (i) ưu tiên hoàn thiện thể chế tái cơ cấu; (ii) vận hành hiệu quả Ủy ban quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp; vận hành hiệu quả và thực chất Ban chỉ đạo tái cơ cấu nền kinh tế; (iii) đẩy nhanh tiến độ và nâng cao hiệu quả thực chất của công cuộc tái cơ cấu đối với cả năm lĩnh vực đầu tư công, DNNN, TCTD, NSNN và đơn vị sự nghiệp công, trong đó cần gắn trách nhiệm với cơ quan quản lý và lãnh đạo đơn vị phải cơ cấu.

Thứ năm, chủ động tiếp cận và áp dụng thành quả của cuộc CMCN 4.0: (i) sớm ban hành Chiến lược Quốc gia về CMCN 4.0 và Chiến lược kinh tế số đến năm 2035; (ii) chú trọng đổi mới giáo dục - đào tạo, đưa một số nội dung CMCN 4.0 vào các chương trình giáo dục - đào tạo; (iii) xem xét tập trung hỗ trợ quá trình ứng dụng CMCN 4.0 cho một số ngành nhất định mà Việt Nam có thế mạnh; (iv) minh bạch và tập trung hóa cơ sở thông tin, dữ liệu về cư dân, doanh nghiệp phục vụ cho phân tích, thống kê, dự báo, đánh giá nhu cầu; và (v) xây dựng hành lang pháp lý và phát triển nền tảng hạ tầng công nghệ thông tin đi kèm phù hợp.

Thứ sáu, chủ động nâng cao hiệu quả hội nhập kinh tế quốc tế, từ đó nâng cao NSLĐ và đóng góp của TFP, chuyển đổi thành công mô hình tăng trưởng, tạo đòn bẩy cho phát triển kinh tế bền vững: (i) tận dụng các cơ hội hội nhập để du nhập công nghệ mới, chuyển giao công nghệ và thu hút FDI, ODA một cách chủ động, sàng lọc; (ii) tăng cường liên kết, học tập kinh nghiệm của các doanh nghiệp lớn, các tập đoàn đa quốc gia trong chuẩn bị nhân sự và phương tiện để hấp thụ công nghệ; (iii) đa dạng hóa thị trường, đối tác, có tính chiến lược, chọn lọc rõ ràng nhằm tận dụng cơ hội và hạn chế rủi ro tập trung; (iv) chú trọng khai thác, sử dụng hiệu quả hơn vốn tri thức, đổi mới, sáng tạo, nhất là từ đội ngũ tri thức kiều bào.

Thứ bảy, chú trọng tăng cường khả năng kháng cự với các cú sốc bên ngoài của nền kinh tế nói chung và của hệ thống tài chính-tiền tệ nói riêng: (i) thúc đẩy sự phát triển toàn diện của hệ thống tài chính, trong đó, chú trọng phát triển thị trường vốn, đặc biệt là thị trường trái phiếu doanh nghiệp, sớm cho phép thành lập tổ chức xếp hạng tín nhiệm doanh nghiệp độc lập, chuẩn hóa các tiêu chuẩn kế toán, kiểm toán, phát triển cơ sở thông tin-dữ liệu về doanh nghiệp; tiếp tục lành mạnh, đa dạng hóa sản phẩm đối với TTCK và thị trường bảo hiểm; (ii) nâng cao năng lực tài chính và khả năng quản lý rủi ro của hệ thống các định chế tài chính; (iii) kiểm soát chặt chẽ, có lộ trình giảm mạnh nợ công, nợ nước ngoài và tiếp tục tăng dự trữ ngoại hối; (iv) nâng cao năng lực quản lý, giám sát, kiểm soát các rủi ro mang tính hệ thống, có cảnh báo và điều chỉnh kịp thời, phù hợp, đổi mới phương thức quản lý, giám sát; (v) nghiên cứu xây dựng báo cáo ổn định tài chính quốc gia, áp dụng chính sách thận trọng vĩ mô trong điều hành hệ thống tài chính-tiền tệ; (vi) kịp thời ngăn chặn nguy cơ đối với thị trường BĐS bằng cách hoàn thiện hệ thống pháp lý, quản lý và giám sát thị trường BĐS, trong đó ưu tiên khuôn khổ pháp lý mới (đối với condotel, officetel…), tái cơ cấu thị trường, sản phẩm, phát triển tài chính BĐS và hệ thống thông tin, định giá BĐS, chú trọng hệ thống quỹ tiết kiệm nhà ở, chương trình nhà ở xã hội… đảm bảo nhu cầu nhà ở của người dân và hỗ trợ quá trình đô thị hóa hiệu quả hơn.

Thứ tám, đẩy mạnh cải thiện thực chất môi trường kinh doanh: (i) đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện thể chế về đầu tư - kinh doanh, theo hướng không ban hành thêm các điều kiện kinh doanh không cần thiết, không hợp lý; (ii) đẩy nhanh tiến độ rà soát, cải cách hoạt động kiểm tra chuyên ngành, cắt giảm các điều kiện kinh doanh không cần thiết và không còn phù hợp; (iii) định kỳ rà soát, điều chỉnh kịp thời các điều kiện đầu tư - kinh doanh, coi đó là hoạt động thường xuyên của cơ quan quản lý, chính quyền địa phương các cấp; (iv) cải thiện mạnh mẽ khâu phối kết hợp và thực thi của các bộ, ban ngành và địa phương; (v) tiến tới chấm điểm bộ, ngành về mức độ hoàn thành nhiệm vụ đối với tiêu chí này (gồm cả khảo sát sự hài lòng của doanh nghiệp)…

Tùng Lâm

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên