Chuyên gia BSC: Thị trường chứng khoán đã phản ánh nhiều rủi ro hiện hữu, nhưng để phục hồi cần phụ thuộc nhiều yếu tố
Theo chuyên gia BSC, hiện nhiều doanh nghiệp đang ở trong tình trạng khó khăn về mặt đơn hàng, đồng thời cũng đang khó khăn về mặt chi phí mặt bằng, đặc biệt liên quan đến chi phí tài chính gia tăng nhưng thị trường chứng khoán cũng đã phản ánh những rủi ro đó.
Những biến động trên thị trường tài chính toàn cầu gần đây đang ảnh hưởng không nhỏ tới tâm lý của giới đầu tư. Liệu những tác động đó sẽ còn ảnh hưởng ra sao, kéo dài bao lâu, có làn sóng domino “đổ vỡ”? Tại Talkshow Phố Tài Chính trên VTV 8, ông Trần Thăng Long, Giám đốc Phân tích Công ty CP Chứng khoán BIDV (BSC) đã có những đánh giá tác động về sự kiện các ngân hàng trên thế giới tới nền kinh tế cũng như TTCK.
BTV Mùi Khánh Ly: L oạt ngân hàng như Signature và n gân hàng Silicon Valley Bank (SVB )… đã mất thanh khoản hoặc phá sản khiến giới đầu tư lo ngại về một hiệu ứng domino, theo ông liệu điều này có xảy ra hay không?
Ông Trần Thăng Long, Giám đốc Phân tích Công ty CP Chứng khoán BIDV (BSC)
Hiện tượng này sớm muộn cũng sẽ xảy ra, khi Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED) liên tục tăng lãi suất điều hành. Và hiện đang là tháng 3, kỉ niệm đúng một năm FED liên tục tăng lãi suất điều hành và việc tăng lãi suất này đương nhiên sẽ ảnh hưởng đến tất cả các tổ chức tài chính. Và trong đấy SVB - ngân hàng Silicon Valley một trong số những ngân hàng đầu tiên phát sinh vấn đề.
Nhưng người ta cũng hay nói về lý thuyết gọi là lý thuyết con gián, tức là khi bạn nhìn thấy một con gián thì chứng tỏ là có nhiều khả năng sẽ có nhiều con gián ở xung quanh, đâu đó cũng sẽ có những ngân hàng có thể sẽ ở trong tình trạng tương tự như vậy. Và chính vì vậy, trong vòng một hai ngày sau thông tin về Silicon Valley Bank được đưa ra có một số cổ phiếu ngân hàng ở Mỹ bị bán rất mạnh trong phiên giao dịch, thậm chí là còn bị tạm dừng ngưng giao dịch.
Tôi nghĩ rằng khó có khả năng trở thành hiện tượng domino. Nhưng vẫn sẽ có những ngân hàng trong tình trạng khó khăn như vậy. Và lần này những chính sách của FED và chính quyền Mỹ được đưa ra rất nhanh chóng, giúp trấn an nhà đầu tư và bảo vệ quyền lợi người gửi tiền. Về cơ bản thì ngay sau đấy thị trường tài chính cũng đã ổn định lại, các chỉ số S&P 500, NASDAQ hay là Dow Jones, thậm chí diễn biến của vàng, dầu hay lãi suất đều cho thấy thị trường phần nào đó đã bình tĩnh trở lại. Tôi nghĩ sắp tới những vụ việc nhỏ tương tự có thể vẫn sẽ tiếp tục nổ ra nhưng ở trong mức độ có thể kiểm soát được.
Thực tế các ngân hàng này đều liên quan đến lĩnh vực công nghệ và giới startup công nghệ nên nhiều người đã có sự liên tưởng đến bong bóng Dot-com, theo ông thì sao?
Đợt khủng hoảng Dot-com diễn ra vào cuối những năm 90, đầu những năm 2000. Vào thời điểm đấy thị trường chứng khoán, nhất là chứng khoán Hoa Kỳ rất bùng nổ. Tôi nhớ là chỉ cần những doanh nghiệp có cái tên giống hoặc liên quan đến công nghệ thông tin, liên quan internet thôi là giá cổ phiếu cứ thế đi lên, mặc dù rất nhiều doanh nghiệp khi ấy không có lợi nhuận, thậm chí thua lỗ rất nặng. Chính vì thế trong suốt giai đoạn đó có một đặc trưng là cổ phiếu lợi nhuận càng thấp thì giá lại càng cao và mức định giá P/E khi đó thì đã loanh quanh 200 lần, so với bây giờ thì mức định giá của thị trường chứng khoán Mỹ bây giờ chỉ khoảng 18-20 lần, sự chênh lệch rất lớn và phi lý.
Hiện tại, chúng ta thấy mặc dù những công ty công nghệ chiếm một tỷ trọng lớn trong thị trường chứng khoán Mỹ nhưng ngay cả những công ty công nghệ lớn nhất trên sàn cũng không rơi vào tình trạng thua lỗ hay không có lợi nhuận như đợt khủng hoảng Dot-com trước đây. Và những doanh nghiệp đi đầu trong lĩnh vực của họ có nền tảng doanh thu, lợi nhuận ở trong lĩnh vực khá tốt và còn nhiều tiềm năng trong tương lai. Nên tôi nghĩ là mặc dù đâu đấy mọi người có thể liên tưởng đến khủng hoảng Dot-com, nhưng tôi nghĩ bản chất khác nhau xa về mặt định giá. Thêm vào đấy, giá các loại tài sản liên quan đến kỹ thuật số, hay đồng tiền kỹ thuật số cũng đã giảm mạnh trong thời gian trước đó, nên tôi nghĩ đợt này có thể sẽ tương đối khác so với bong bóng Dot-com năm 2000.
Vậy nguy cơ xảy ra cuộc khủng hoảng tài chính giống như năm 2008 là khó xảy ra?
Theo tôi thì nguy cơ lúc nào cũng sẽ có. Và khi chúng ta ở trong môi trường lãi suất đi lên và sau một giai đoạn dài cung tiền ở rất nhiều nền kinh tế lớn tương đối thoải mái sẽ dẫn đến tình trạng hiện tại, khi lạm phát gia tăng cũng như sức cầu đã yếu đi nhiều nền kinh tế. Chúng ta đang ở trong một chu kỳ nếu suy thoái thì là suy thoái kỳ lạ so với các cuộc suy thoái trước. Bởi vì nhu cầu thì không giảm nhiều quá, đồng thời việc làm vẫn đang tiếp tục được tạo ra ở những khu vực kinh tế lớn, nhất là ở Hoa Kỳ. Và Trung Quốc đã mở cửa trở lại thì đương nhiên sẽ đóng góp nhiều cho kinh tế thế giới.
Một chỉ báo quan trọng đối với những người làm chính sách, đó là mức độ lãi suất đến thời điểm này cũng tương đối phù hợp rồi. Và nếu như họ tiếp tục tăng lãi suất như dự kiến ban đầu có thể lên đến mức 5,75%. Và nếu lên đến mức đó thì tôi nghĩ là cao hơn đợt trước khi xảy ra cuộc khủng hoảng 2008. Chính vì vậy sau khi vụ việc như SVB xảy ra có vẻ như các bên đều đang điều chỉnh dự báo về khả năng tăng lãi suất của năm nay. Do vậy với việc thay đổi chính sách thì đâu đấy, có thể có suy thoái nhẹ theo từng chu kỳ, và có thể sẽ diễn ra trong một khoảng thời gian ngắn hơn và mức độ ảnh hưởng sẽ nhẹ nhàng hơn.
Vậy liệu sự đổ vỡ của một số ngân hàng Mỹ và những hiệu ứng liên quan có ảnh hưởng đến kinh tế Việt Nam không, theo đánh giá của công?
Đối với Việt Nam là một trong những quốc gia có tỷ lệ xuất nhập khẩu trên GDP cao, thuộc nhóm cao nhất thế giới. Nên khi những khách hàng lớn của Việt Nam là Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nhật Bản, châu Âu rơi vào tình trạng kinh tế khó khăn hơn thì tổng cầu của họ suy giảm, sẽ ảnh hưởng đến những đơn hàng của chúng ta và gián tiếp ảnh hưởng đến các khối doanh nghiệp FDI, các doanh nghiệp trong nước cũng như các hoạt động thương mại, xuất nhập khẩu. Và thứ hai là về mặt tài chính thì lãi suất của đồng USD là lãi suất gần như chỉ báo cho mọi loại lãi suất trên thị trường. Do vậy khi FED có những thay đổi về mặt chính sách lãi suất trong vòng một năm vừa qua thì chính sách lãi suất đó sẽ ảnh hưởng đến tất cả các quốc gia, trong đó có Việt Nam.
T heo ông có những bài học nào cho Việt Nam sau câu chuyện trên để phòng ngừa những điều tương tự có thể xảy ra?
Theo tôi, mỗi sự việc xảy ra, chúng ta phải nhìn dưới nhiều chiều khác nhau. Những vụ việc như ngân hàng SVB không phải là sự việc cá biệt, bởi ở Mỹ hằng năm đều có ngân hàng phá sản, chỉ là quy mô rất nhỏ nên chúng ta không biết đến. Tuy nhiên đó cũng là một chỉ báo cho thấy quá trình giám sát luôn luôn phải song hành. Mặc dù chúng ta luôn muốn thị trường tăng trưởng nhanh, nền kinh tế phải phát triển tốt, tổng tài sản phải liên tục tăng trưởng...Nhưng những nhiệm vụ liên quan đến giám sát hệ thống vẫn rất là quan trọng. Và ở Mỹ, nếu như là không có việc sửa quy mô tài sản mà áp dụng của đạo luật ngân hàng Dodd-Frank thì có thể những vụ như SVB này chưa chắc đã xảy ra và chỉ xảy ra ở những ngân hàng nhỏ hơn thôi. Nên đối với những cơ quan giám sát liên quan đến hoạt động tài chính nói chung ở Việt Nam, công tác giám sát trong thời gian tới, tôi nghĩ sẽ cần phải làm cách chặt chẽ và kiểm soát hơn trước những rủi ro mà có thể ảnh hưởng đến hệ thống. Tôi nghĩ rằng, thị trường thì vẫn sẽ có phản ứng. Tuy nhiên, FED và chính quyền Mỹ đã phản ứng rất nhanh nên những cái rủi ro nếu có phát sinh sẽ là nhỏ.
Còn trên thị trường Việt Nam cũng phản ứng khá sát với những diễn biến như vậy. Và năm vừa qua, chúng ta cũng có tăng lãi suất hai lần. Và đâu đấy thì mức lãi suất cũng tăng tốc chậm hơn so với các quốc gia khác. Và tôi nghĩ rằng trong thời gian sắp tới những nhà làm chính sách sẽ phải quan sát rất kỹ những động thái từ những ngân hàng trung ương lớn, đặc biệt là Hoa Kỳ, làm chỉ báo cho chính sách của mình.
Còn về thị trường chứng khoán toàn cầu đã dần trở lại ổn định sau khi phản ứng giảm mạnh trước các thông tin ngân hàng Mỹ mất thanh khoản. Theo ông thì trong thời gian tới thị trường sẽ diễn biến như thế nào?
Thị trường Việt Nam chúng ta có độ trễ nhất định để cho thông tin thẩm thấu sang các nhà đầu tư cũng như người làm chính sách của thị trường hay những đơn vị tham gia trên thị trường. Tôi nghĩ rằng khi thông tin thực sự có ảnh hưởng đến Việt Nam chẳng hạn thì cũng là lúc chúng ta đã nhìn thấy giải pháp rồi. Đến thời hiện tại tôi thấy mức độ ảnh hưởng ở mức độ vừa phải. Thị trường Việt Nam sẽ phụ thuộc nhiều vào những yếu tố liên quan đến nội tại của Việt Nam hơn. Thời điểm hiện tại, chúng ta thấy, thị trường Việt Nam là một trong những thị trường chứng khoán giảm mạnh nhất thế giới tính từ đỉnh. Và những rủi ro của suy thoái kinh tế cũng như rủi ro bên ngoài đối với Việt Nam tôi nghĩ cũng chiết khấu khá nhiều vào thị trường, chỉ có điều là để phục hồi được như thế nào thì phụ thuộc vào việc các chính sách trong nước, chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa cũng như là sức bật của chính các doanh nghiệp Việt Nam. Hiện nhiều doanh nghiệp của chúng ta cũng đang ở trong tình trạng khó khăn về mặt đơn hàng, đồng thời cũng đang khó khăn về mặt chi phí mặt bằng, đặc biệt liên quan đến chi phí tài chính gia tăng nhưng thị trường chứng khoán, thị trường tài chính cũng đã phản ánh những rủi ro đó.
Nhịp Sống Thị Trường