MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chuyên gia BV Việt Đức chia sẻ 7 bí quyết bỏ túi để bảo vệ cột sống

11-04-2021 - 20:59 PM | Sống

Chuyên gia BV Việt Đức chia sẻ 7 bí quyết bỏ túi để bảo vệ cột sống

Rất nhiều người trẻ mới chỉ 30 tuổi đã bị mắc các bệnh về cột sống như thoái hoá đốt sống cổ, đốt sống thắt lưng mà nguyên nhân chủ yếu đến từ thói quen sinh hoạt hàng ngày.

Theo thạc sĩ, bác sĩ Trần Quốc Khánh – Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, đau lưng, đau cổ chủ yếu là do lối sống chưa khoa học. Những nguyên nhân như cơ thể hoạt động, sinh hoạt không đúng cách, các thói quen xấu hoặc ảnh hưởng từ môi trường bên ngoài khiến cột sống bị ảnh hưởng, thậm chí bị tổn thương nghiêm trọng.

Các bệnh về cột sống hay gặp là thoát vị, lồi đĩa đệm, đau thắt lưng, thoái hoá cột sống, đau thần kinh toạ, cong vẹo cột sống...

Để tránh khỏi các bệnh lý cột sống, bác sĩ Khánh khuyến cáo mọi người nên ghi nhớ 7 điều dưới đây.

1. Không hút thuốc lá

Mọi người nghĩ thuốc lá chỉ ảnh hưởng đến phổi, nhưng điều ít người biết là thuốc lá còn ảnh hưởng tới tất cả các bộ phận trên cơ thể, gây ra ung thư, bệnh tim mạch và thoái hoá xương khớp. Cột sống có thể bị ảnh hưởng rất nặng do thuốc lá.

BS Khánh từng tiếp nhận bệnh nhân hút thuốc lá hơn hai chục năm, mỗi ngày 1,5 bao thuốc và vào viện vì thoái hoá xương khớp. Phim X-quang cho thấy cột sống của bệnh nhân dù mới 45 tuổi nhưng như người đã ngoài 60 tuổi.

Bệnh nhân bị thoái hoá quá nặng, thậm chí việc đơn giản như lấy ví trong túi quần sau cũng không thể làm được. Nhiều ca mổ khiến bác sĩ Khánh ám ảnh vô cùng vì xương khớp bị ảnh hưởng rất nhiều, phổi thì đen sì.

Chuyên gia BV Việt Đức chia sẻ 7 bí quyết bỏ túi để bảo vệ cột sống - Ảnh 1.

Thạc sĩ, bác sĩ Trần Quốc Khánh chia sẻ về bệnh lý cột sống hay gặp.

2. Giảm rượu bia

Uống rượu bia mang lại cảm giác no giả tạo, năng lượng chỉ là đường đơn, không có chất xây dựng cơ thể như lipit, tinh bột, đạm, chất xơ nên xương khớp cũng thoái hoá theo thời gian.

3. Không nằm ngủ gối quá cao, đệm quá mềm

Bác sĩ Khánh cho biết, trong số bệnh nhân đến khám, nhất là nam giới có vấn đề về cột sống, nguyên nhân đều là gối đầu quá cao, thậm chí có người còn gối hai gối chồng lên nhau hoặc gập đôi gối.

Nằm gối cao rất nguy hiểm, có thể gây ra bệnh thoái hóa cột sống cổ vì khi gối cao, đầu của bạn sẽ hơi cúi về phía trước.

Nếu nằm đệm mềm quá cũng gây áp lực cho cột sống. Việc nằm lên đệm mềm sẽ tăng độ cong sinh lý của cơ thể. Điều đó khiến cho các dây thần kinh, dây chằng và khớp cột sống rơi vào trạng thái quá tải, khó chịu. Khi nằm trên những tấm đệm quá mềm, xương sẽ có nguy cơ bị võng thành hình cung, gây biến dạng cột sống.

Đặc biệt với trẻ nhỏ, khi khung xương chưa phát triển một cách toàn diện, ngủ trên đệm quá mềm sẽ khiến xương sống bị cong.

Nếu đi khách sạn có đệm mềm thì nên gập thêm 1 chiếc khăn tắm sau lưng để chèn lên cột sống của mình, giảm tác động sinh lý của cột sống với đệm. Những người hay nằm đệm mềm sẽ hay mắc đau lưng, bệnh lý cột sống hơn người nằm đệm cứng.

Vì vậy, bác sĩ Khánh khuyến cáo nên chọn các loại đệm cứng để bảo vệ cột sống. Khi gối đầu chỉ gối khoảng 6cm, ngủ ở khách sạn gối quá cao thì nên bỏ gối, dùng khăn để thay thế.

Ngoài ra, nằm trên ghế sofa để ngủ hay xem tivi một thời gian kéo dài có thể dẫn tới thoái hoá cột sống. Có bệnh nhân đến khám bị thoái hoá rất nặng cột sống cổ, nguyên nhân là do thường xuyên nằm sofa xem tivi một thời gian dài.

Chuyên gia BV Việt Đức chia sẻ 7 bí quyết bỏ túi để bảo vệ cột sống - Ảnh 2.

Đệm quá mềm, gối quá cao cũng ảnh hưởng tới cột sống.

4. Hạn chế cúi thấp cổ xem ti vi và máy tính

Thói quen hay cúi đầu xem điện thoại, xem máy vi tính, cổ gập quá mức dẫn tới thoái hoá. Tốt nhất nên để màn hình máy tính ngang tầm mắt, khi xem điện thoại nên để thật xa. Tư thế cúi xuống khi sử dụng điện thoại quá lâu sẽ gây ra hội chứng "cổ tin nhắn".

Khi cúi thấp cổ như vậy, hệ thống cột sống sẽ phải chịu thêm cân nặng và lâu dần sẽ ảnh hưởng tới cột sống của mình. Hội chứng này cũng rất hay gặp ở chị em phụ nữ.

5. Cần tập thể dục, thể thao

Đây là bí quyết cực kỳ tốt cho cột sống. Có thể tập các môn hỗn hợp đi bơi, đi bộ. Tập càng nhiều môn thể dục càng tốt. Khi tập thể dục nên khởi động kỹ trước khi chơi để tránh chấn thương.

Người có chưa có vấn đề cột sống xương khớp có thể chơi các môn thể thao bất kỳ. Còn người bị bệnh cột sống nên chọn môn bơi, đạp xe, xà đơn, xà kép, tập gym nhẹ nhàng, yoga, các môn khiêu vũ, tập với bóng tập gym…

Khi bị bệnh cột sống, bạn nên hạn chế chơi các môn bóng chuyền, tennis, cầu lông và chạy bộ.

6. Giữ cân nặng phù hợp

Mỗi người cần biết chỉ số BMI của mình. Nếu có chỉ số BMI cho thấy béo phì, người đó cần phải giảm cân.

Bình thường cột sống chỉ "gánh" được trọng lượng 70 -80 kg. Khi béo phì, cột sống sẽ phải đỡ cơ thể rất nặng. Ở bệnh nhân béo phì phải mổ cột sống, cột sống của họ rất xốp, vỏ xương cứng nhưng tổ chức xương mềm do nhiễm mỡ, bác sĩ Khánh cho biết.

7. Tránh ngồi lâu 1 tư thế

Tốt nhất sau 60 phút ngồi thì cần thay đổi tư thế, đi bộ, ép cột sống để tránh mỏi mắt, tránh tác động cột sống, tránh huyết khối tĩnh mạch. Người nào quá bận rộn cũng nên dành thời gian nghỉ giải lao 5 đến 10 phút để bảo vệ cột sống của mình.

Theo Ngọc Anh

Doanh nghiệp & Tiếp thị

Trở lên trên