MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chuyên gia cảnh báo một sai lầm chí tử khiến doanh nghiệp phải "trả giá đắt": "Nguy hiểm hơn cả thiếu chiến lược kinh doanh"

11-07-2024 - 19:03 PM | Doanh nghiệp

"Nhiều doanh nghiệp, nhất là SME, khi làm việc không có chiến lược, dẫn đến thiếu tính kỷ luật trong quá trình phát triển. Bên cạnh đó, chiến lược của công ty phải đi kèm với một thứ mà kể cả một số doanh nghiệp lớn cũng chưa có", ông Phạm Lê Nhật Quang – Thành viên Hội đồng Đầu tư ABB Private Equity cho biết.

Chuyên gia cảnh báo một sai lầm chí tử khiến doanh nghiệp phải

Buổi tọa đàm do Quỹ Đầu tư Beacon Fund và WISE tổ chức hôm 26/6.

Chia sẻ trên được đưa ra tại buổi tọa đàm "Định nghĩa mới về thành công – Cùng doanh nhân nữ phát triển bền vững", do Quỹ Đầu tư Beacon Fund và Sáng kiến Hỗ trợ Phụ nữ Khởi nghiệp và Kinh doanh (WISE) phối hợp tổ chức hôm 26/6 tại TP.HCM.

Sự kiện nhấn mạnh khái niệm thành công trong kinh doanh không chỉ dừng lại ở tối đa hóa tăng trưởng và định giá của công ty với tốc độ nhanh chóng. Trên thực tế, những mô hình tập trung vào phát triển bền vững, hướng tới sự trường tồn trên thị trường chưa nhận được sự chú ý xứng đáng.

Tuy nhiên, để theo đuổi hệ giá trị riêng của mình, doanh nghiệp cần nhận được sự quan tâm thỏa đáng của hệ sinh thái và nguồn vốn, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) do phụ nữ làm chủ và lãnh đạo. Theo đại diện của các quỹ đầu tư và tổ chức phát triển tài chính, việc lựa chọn nguồn vốn phù hợp với mục tiêu của doanh nghiệp, cũng như mỗi giai đoạn phát triển, vô cùng quan trọng.

"Cái giá phải trả đối với doanh nghiệp không chọn đúng loại vốn phù hợp rất đắt. Trước hết, doanh nghiệp sẽ chịu áp lực thay đổi "định nghĩa thành công" theo hướng nhà đầu tư yêu cầu. Các quỹ đầu tư chuyên nghiệp chắc chắn cần có lời từ khoản đầu tư, nên doanh nghiệp phải tăng trưởng ở mức đủ để đạt được lợi nhuận kỳ vọng", bà Đỗ Hồng Yến – Quản lý Quỹ Đầu tư Vốn vay Beacon Fund cho biết.

Theo phân tích của bà Yến, khi doanh nghiệp đặt ra những mục tiêu thành công rộng hơn ngoài sự tăng trưởng, họ sẽ thu hút được những nguồn vốn khác đến từ các nhà đầu tư tạo tác động xã hội. Đây cũng là xu hướng của thị trường đầu tư tại Việt Nam.

"Riêng đối với vốn vay, tính chất của nó là phải trả lãi tốt, nên sẽ tạo áp lực ngay lập tức về mặt dòng tiền cho doanh nghiệp. Vì vậy, những doanh nghiệp mà dòng tiền chưa khỏe thì thực sự không nên cân nhắc đến vốn vay, mà thay vào đó nên quay lại ổn định mô hình kinh doanh", vị chuyên gia nói thêm.

Đối với ông Phạm Lê Nhật Quang – thành viên Hội đồng Đầu tư ABB Private Equity, vai trò chính của các quỹ là cung cấp nguồn lực để doanh nghiệp phát triển và giúp họ thực hiện đúng ý tưởng, kế hoạch đã đặt ra. Ông cho rằng cần sự kỷ luật và tập trung để đạt được mục tiêu đó.

Chuyên gia cảnh báo một sai lầm chí tử khiến doanh nghiệp phải

"Nhiều doanh nghiệp, nhất là SME, khi làm việc không có chiến lược, dẫn đến thiếu tính kỷ luật trong quá trình phát triển. Bên cạnh đó, chiến lược của công ty phải đi kèm với một thứ mà kể cả một số doanh nghiệp lớn cũng chưa có. Đó là chiến lược về vốn", ông Quang nêu quan điểm.

Dựa trên kinh nghiệm của bản thân, chuyên gia này cho biết rất nhiều doanh nghiệp tại châu Á đang thiếu chiến lược vốn. Thường thì khi họ cần, hoặc đột nhiên bị hụt dòng tiền, lúc đó mới tìm người hỗ trợ gọi vốn.

"Cuối cùng, vài năm sau doanh nghiệp phải trả giá vì sự thiếu chiến lược vốn đó. Thiếu chiến lược kinh doanh đã nguy hiểm rồi, thiếu chiến lược vốn còn nguy hiểm hơn.

Nhiều doanh nghiệp đang làm rất tốt nói họ không cần quỹ đầu tư, cho rằng chúng tôi toàn là "diều hâu ăn thịt". Với ngân hàng cũng vậy. Nhiều người bạn làm doanh nghiệp của tôi từ chối gặp ngân hàng.

Tuy nhiên, không ai nói trước được việc trong tương lai các bạn có cần vốn hay không, chẳng hạn như giai đoạn Covid-19. Tới lúc đó, các kênh gọi vốn trước đây không còn, đẩy doanh nghiệp vào cảnh khó khăn. Vì vậy, nên để tất cả các kênh vốn được khơi thông, bởi tới một lúc nào đấy, đó là nguồn lực mà bạn sẽ cần", ông Quang kết luận.

Theo Minh Anh

An ninh tiền tệ

Trở lên trên