Founder Trà Tâm Lan - "Kỳ nữ" Tây Ninh: 60 tuổi khởi nghiệp, 70 tuổi tham gia kinh tế tuần hoàn, 73 tuổi xây nhà máy 100 tỷ đồng
"Càng già, càng dẻo, càng dai" chính là câu mô tả chính xác nhất về bà Võ Thị Lấn – Nhà sáng lập Trà Tâm Lan. Bà khởi nghiệp năm 60 tuổi, khi mà 10 đứa con đã tự chủ độc lập và bà “không còn việc gì để làm”. Năm 70 tuổi, bà bắt đầu nuôi trùn quế và bò để tạo phân bón vi sinh, làm kinh tế tuần hoàn. Năm 73 tuổi, bà đầu tư 100 tỷ đồng xây nhà máy tự động hóa gần như 100%.
- 09-07-2024Đằng sau cuộc “so kè” giữa Anh trai vượt ngàn chông gai – Anh trai Say Hi: Một bên đang nỗ lực hồi sinh, một “ông trùm” lợi nhuận trăm tỷ “cơ hội”
- 09-07-2024Tasco thâu tóm thêm 1 DN nhập khẩu ô tô có lợi nhuận vài trăm tỷ mỗi năm, đứng Top 3 thị phần xe sang Việt Nam
- 08-07-2024Vị đại gia 14 năm trước đem 500 tỷ gửi tiết kiệm, tiền lãi để chi thưởng cho các nhà khoa học Việt Nam: Cơ ngơi nghìn tỷ, xây khách sạn 4 sao và Safari đầu tiên tại Hà Nội
Nhiều người dân Tây Ninh hay nói vui với nhau, ở Mỹ có ông Harland Sanders khởi nghiệp bán gà rán KFC năm 65 tuổi thì ở quê hương họ có bà Võ Thị Lấn khởi nghiệp bán trà thảo dược Tâm Lan năm 60 tuổi.
Tuy nhiên, nếu "Đại tá" Sanders nếm trải trận phá sản tuổi 60 và chịu thất bại tới 1009 lần trước khi thành công vào năm 65 tuổi, thì nhà sáng lập Võ Thị Lấn đơn giản chọn bán trà thảo dược năm 2008 vì... rảnh rỗi.
Nếu làm không được, thì thật sự mắc cỡ với con dâu, con rể
Trước năm 60 tuổi, cuộc đời của bà Võ Thị Lấn giống rất nhiều cuộc đời của những bà, những mẹ ở các khu vực nông thôn Việt Nam.
"Ba tôi là thầy thuốc Nam. Mẹ tôi mất sớm, để lại cho tôi 6 người em, từ 4 tuổi đến 16 tuổi. Việc nuôi nấng em út khiến tôi quen nên có thể sinh 10 đứa con và nuôi chúng nên người mà không cảm thấy khổ gì dù chồng cũng ra đi trước tôi", Nhà sáng lập Trà Tâm Lan mở đầu câu chuyện.
Ở tuổi ngũ tuần, như rất nhiều người Việt Nam thế hệ trước, bà bị rất nhiều bệnh tiêu biểu của người lớn tuổi như tiểu đường, gan nóng, máu nhiễm mỡ, huyết áp cao…Thậm chí, bác sỹ còn tiên lượng, nếu bệnh bà không thuyên giảm, theo thời gian có thể chuyển qua ung thư gan hoặc thận.
Lúc đó, bà thường xuyên phải nằm viện. Vào dịp Tết, bệnh viện thường cho bệnh nhân điều trị dài hạn về xum họp gia đình, nhưng vì tình trạng của bà tương đối tệ, nên con cái sợ và thuyết phục bà tiếp tục nằm viện xuyên Tết. Vốn tính cứng đầu, bà đã trốn về quê và chợt nhớ ra nghề của ba mình hồi xưa nên tìm tòi tự lấy dược liệu nấu uống qua ngày.
"Vậy mà không ngờ, qua Tết, các chứng bệnh của tôi đỡ hơn hẳn nên tôi không chịu vào bệnh viện nữa dù con cái bắt vào. Qua một thời gian, tôi dần hồi phục và khỏe mạnh như hồi trung niên. Thấy vài cây thuốc Nam có tác dụng với mình, tôi đã mang chúng đi tặng bà con chòm xóm và thấy họ uống lâu cũng có tác dụng rất tốt. Vậy nên, tôi đã quyết định phơi khô, cắt vụn các loại thảo dược đó để uống như trà và mang đi bán", bà Võ Thị Lấn cho biết.
Người phụ nữ ngoại lục tuần mang từng hộp thảo dược đi bán khắp nơi trong sự phản đối quyết liệt của 20 người con dâu rể. Cả 10 người con của bà đều bảo rằng, mẹ lớn tuổi rồi nên ở nhà hưởng phúc, mỗi đứa con cho mẹ vài triệu là sống thoải mái; hơn nữa, thị trường cạnh tranh rất khốc liệt. Nhưng, bà không tin, nghĩ trong lòng: "Có phải đánh nhau đâu mà sợ, hàng ai tốt thì mọi người sẽ mua", nên tự tin mang hàng của mình đi chào khắp hang cùng ngõ hẻm.
Tất nhiên, trong giai đoạn đầu bà cũng gặp muôn vàn khó khăn, nhưng bằng tinh thần 'không biết thì không sợ" và 'nếu làm không được, thì thật sự mắc cỡ với con dâu con rể', nên sau 2 năm, bà đã có được những thành tựu đầu tiên. Đến năm 2010, 10 đứa con của bà đã về phụ mẹ mỗi người một tay và thành lập doanh nghiệp Trà Tâm Lan như ngày nay.
Lời 'sấm truyền' của 10 người con và hành trình đến với kinh tế tuần hoàn
Tuy nhiên, chỉ sau khi thành lập công ty ít lâu thì sóng gió thương trường đã ập đến với Trà Tâm Lan. Từ cuối năm 2010 đến năm 2012, cái tên Trà Tâm Lan xuất hiện dày đặc trên truyền thông với rất nhiều thông tin xấu. Có lẽ, mọi sự bắt nguồn từ việc thiếu kinh nghiệm quản lý kinh doanh của các người con và việc nhập hàng thực phẩm chức năng từ Hàn Quốc, trong đó có sản phẩm khá 'nhạy cảm' về giá trị và giá tiền là dầu thông đỏ, về bán.
Với đặc thù công ty gia đình, rất nhiều người con được bà Võ Thị Lấn bổ nhiệm làm Phó Giám đốc. Do không ai trong số họ và kể cả bản thân bà có nhiều kinh nghiệm kinh doanh chính thống nên đã gặp rất nhiều khó khăn khi xuất hiện trên thị trường phổ thông.
Trà Tâm Lan liên tục bị bêu tên trên nhiều phương tiện truyền thông về 'quảng cáo sai sự thật', 'chất lượng sản phẩm không như quảng cáo', 'bán hàng không rõ nguồn gốc', 'chỉ là thực phẩm chức năng nhưng quảng bá lại như thần dược chữa bệnh', 'mạo danh hình ảnh của công ty khác'…
"Chúng tôi đã gặp khủng hoảng truyền thông lớn, tưởng rằng chút nữa đã chết. Chúng tôi đã bị những DN ra mắt trước và đối thủ cùng ngành chơi xấu trên truyền thông. Lúc đó, chúng tôi không biết làm như thế nào, may có những nhà báo tốt đã khuyên nên tổ chức một buổi họp báo tử tế để làm sáng tỏ mọi vấn đề. Nhờ vậy, Trà Tâm Lan mới sống được cho đến hôm nay", ông Nguyễn Thế Tân – Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Trà Tâm Lan và cũng là con trai của bà Lấn hồi tưởng.
Cũng từ khủng hoảng kể trên, bà Võ Thị Lấn càng ý thức rõ về việc phải làm theo các chuẩn chất lượng, xây dựng vùng trồng để tự chủ nguyên liệu là quan trọng như thế nào trong ngành thực phẩm, cụ thể là trà dược liệu.
"Trong giai đoạn đầu, tôi cũng ra ngoài mua phân vi sinh nhưng theo thời gian, tôi cảm thấy thị trường này khá là hỗn loạn, nhiều đối tác không trung thực, lúc bán đúng chất lượng lúc không. Vậy nên, tôi nghĩ là tốt nhất mình nên tự làm. Tôi đã đi nhiều nơi để học cách ủ phân vi sinh đúng và hiệu quả.
Hiện vùng nguyên liệu của chúng tôi khoảng 50ha và có những khu vực phù hợp với xen canh, mùa trồng dược liệu – mùa trồng lúa. Lúa sau khi thu hoạch sẽ lấy rơm để chăn nuôi bò, hỗn hợp phân bò và rơm sẽ mang làm thức ăn cho trùn quế, thời gian sau sẽ cho ra phân vi sinh.
Hiện chúng tôi đang nuôi 500 con bò, chủ yếu là giống bò ta để lấy phân và khi bò già yếu thì sẽ mang đi bán cho thương lái làm thịt. Để khiến bò bớt tăng động và muốn chạy ra đồng cả ngày, chúng tôi thường xuyên mở nhạc tân cổ cho chúng nghe", CEO Trà Tâm Lan kể.
Sau 16 năm phát triển, danh mục sản phẩm trà túi lọc của Tâm Lan chỉ có 5: Trà Xạ Đen, Trà Vối, Trà Dây Thìa Canh, Trà Đinh Lăng, Trà Túi Lọc Tâm Lan; trong đó, Trà Vối mới ra mắt gần đây. Cuối năm 2022, Trà Tâm Lan đã thông báo về việc tăng giá bán sản phẩm lên 10.000 đồng, ví dụ: Trà Tâm Lan 120g lên giá 60.000 đồng, Trà Đinh Lăng 120g lên giá thành 70.000 đồng...
Dù danh mục sản phẩm đơn giản, nhưng Trà Tâm Lan đã bỏ ra rất nhiều tiền của và tâm sức để đầu tư cho hệ sinh thái của mình. Tài sản của Trà Tâm Lan có thể chia làm 2 phần: vùng trồng rộng lớn và đàn bò đông đúc như đã nói ở trên; tổ hợp gồm Trạm dừng chân, vườn ươm, khu tập thể dành cho nhân viên và nhà máy trị giá 100 tỷ đồng tại đường tỉnh 784 – xã Cầu Khởi – huyện Dương Minh Châu.
"Tôi chính là người đứng ra phụ trách xây dựng nhà máy này. Chúng tôi đã đầu tư rất nhiều tiền vào máy móc – công nghệ và tôi thường hay nói vui là không biết đến bao giờ Trà Tâm Lan mới có thể lấy lại vốn. Với quy trình tự động hóa gần như 100%, chỉ có giai đoạn bỏ trà vào hộp là con người tham gia nhiều, chúng tôi đã giảm lượng nhân công sản xuất xuống còn 1/3. Nhà máy của chúng tôi hiện đang áp dụng các tiêu chuẩn GMP và ISO 22000:2018.
Khi sản xuất trà dược liệu, trong quá trình cắt hay nghiền sẽ tạo ra rất nhiều bụi. Trước kia, mỗi khi công nhân tan ca người khi nào cũng phủ bụi đầy người, nhưng nay không còn nữa. Sau khi hệ thống lọc tập hợp được bụi trà, chúng tôi không vứt đi, mà má sẽ mang chúng trộn với thức ăn nhằm nâng cao sức đề kháng cho bò.
Nói chung, ở Trà Tâm Lan, với hệ sinh thái tuần hoàn mà mẹ tôi gầy dựng, không có cái gì là bỏ đi", chị Bùi Thị Phương Thùy – Phó Giám đốc Kinh doanh của Trà Tâm Lan chia sẻ.
Vì trà Tâm Lan không phải thực phẩm thiết yếu nên sức mua đang giảm xuống rõ rệt
Cũng theo bà Võ Thị Lấn, hiện Trà Tâm Lan có đại lý trên khắp cả nước và đã xuất khẩu qua các thị trường như Campuchia, Malaysia, Hàn Quốc, Pháp, Mỹ…. Tuy nhiên, Trà Tâm Lan chủ yếu xuất khẩu theo hình thức gián tiếp là bán cho các nhà buôn bản địa tìm tới mua chứ chưa xuất khẩu trực tiếp.
"Chúng tôi luôn mở rộng cửa với tất cả các cơ hội, nhưng việc làm các chuẩn chất lượng khác nhau cho từng thị trường khác nhau không phải là điều dễ dàng, ví dụ như làm chuẩn chất lượng FDA để xuất khẩu qua Mỹ", chị Phương Thùy nhận định.
Một thử thách nữa với Trà Tâm Lan là họ bắt đầu khởi động xây nhà máy thì dịch Covid-19 xuất hiện. Vậy nên, họ đã tốn rất nhiều thời gian để hoàn thành nó và mới đưa vào sản xuất gần đây. Nhưng, theo bà Võ Thị Lấn, do các sản phẩm của Tâm Lan chỉ là thực phẩm bổ trợ sức khỏe chứ không phải thiết yếu, do đó, sức mua của người tiêu dùng đã giảm thấy rõ vì sự khó khăn của nền kinh tế chung trong vài năm gần đây.
"Sức mua gần như giảm một nửa, nên nhà máy của chúng tôi đang vận hành cầm chừng và chỉ dùng 20ha/50ha vùng trồng. Hiện Trà Tâm Lan vẫn đang cố cầm cự để tồn tại, nhưng nếu tình hình này kéo dài tôi cũng khá lo lắng", CEO Trà Tâm Lan bày tỏ.
An ninh tiền tệ