Chuyên gia chỉ cách đầu tư bất động sản “trăm trận, trăm thắng”: "Cần biết mình có khả năng vay bao nhiêu, trả nợ bao nhiêu"
Đưa ra lời khuyên với các nhà đầu tư bất động sản, chuyên gia cho rằng cần biết mình có khả năng vay bao nhiêu tiền, khả năng trả nợ bao nhiêu và cần xác định được khẩu vị rủi ro từ đó chọn phân khúc đầu tư cho phù hợp.
- 17-03-2022Loạt dự án khu công nghiệp tỷ USD đổ bộ thị trường bất động sản đầu năm
- 17-03-2022Siết đấu giá đất tránh để trục lợi
- 17-03-2022Đấu giá đất có tình trạng "xã hội đen", "quân xanh - quân đỏ", thổi giá, dìm giá, đầu cơ
Theo kết quả khảo sát hơn 1.000 người tại báo cáo Chỉ số tâm lý người tiêu dùng bất động sản của Batdongsan.com.vn cho thấy, khoảng 80% trong số đó đang sở hữu ít nhất một bất động sản. Trong đó, hơn 70% dành cho mục đích để ở, 17% là để đầu tư và dưới 10% sống cùng bố mẹ.
Với con số 80% đang sở hữu ít nhất một bất động sản, khoảng 77% trong số đó đang muốn mua thêm một bất động sản trong khi vẫn giữ tài sản hiện tại. 23% còn lại dự định bán bất động sản hiện tại để mua mới.
Đánh giá về thị trường địa ốc trong nước, 52% cho rằng giá bất động sản quá cao, tuy nhiên 72% cũng cho rằng họ có nhu cầu mua bất động sản và mức giá đã giảm do dịch Covid-19. Ngoài ra, 31% người được khảo sát vẫn kỳ vọng giá bất động sản sẽ tiếp tục tăng trên 10% trong 5 năm tới, đây cũng là lý do mà nhiều người Việt Nam có xu hướng và thích đầu tư vào bất động sản.
Dữ liệu của đơn vị này cho thấy, càng sở hữu bất động sản, người Việt càng muốn mua thêm. Rõ ràng, khi thu nhập của một người càng cao thì việc tiếp theo họ hướng đến là tìm một kênh đầu tư.
Ông Nguyễn Quốc Anh - Phó Tổng giám đốc Batdongsan.com.vn cho biết, tại Việt Nam hiện không có quá nhiều kênh đầu tư ngoài chứng khoán, bất động sản, vàng là phổ biến. Ngoài ra, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 và lãi suất thấp khiến nhiều người không muốn gửi tiết kiệm. Còn chứng khoán thì không phải ai cũng tham gia được và thị trường biến động rất nhanh. Do đó, nhiều người có xu hướng tìm đến bất động sản.
“Bất động sản là lĩnh vực đầu tư mà rất nhiều người quan tâm từ lâu. Quan điểm của người Việt Nam, cứ vứt tiền vào mảnh đất là sau này nó sẽ tăng. Tất nhiên không đúng với toàn bộ các phân khúc bất động sản”, ông Quốc Anh chia sẻ.
Đưa ra lời khuyên với các nhà đầu tư bất động sản, TS Đinh Thế Hiển chuyên gia kinh tế cho hay: “Để đầu tư bất động sản, nhà đầu tư phải biết mình cái đã - biết mình biết ta trăm trận trăm thắng. Nhà đầu tư phải biết mình có khả năng vay bao nhiêu tiền và khả năng trả nợ bao nhiêu. Khi xác định được số tiền vốn đầu tư, bước tiếp theo nhà đầu tư phải xác định xem đầu tư để tăng lợi nhuận nhiều hay đầu tư an toàn. Từ đó, nhà đầu tư chọn phân khúc đất nền, căn hộ hay nhà phố ở gần trung tâm.
Sau khi đã xác định được các điều trên, nhà đầu tư tiếp tục tìm bất động sản đúng với số tiền mình có và phân khúc mình thích. Đặc biệt, nhà đầu tư phải so sánh giá khắp nơi, quan sát giá đó trong vòng 2 tháng xem có ở xu thế ổn định không hay ở xu thế giảm. Khi đó, mình mới quyết có xuống tiền mua hay không”.
Chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển.
Trong bối cảnh hiện nay, lạm phát, biến động giá vàng cộng thêm bất ổn từ xung đột Ukraine - Nga khiến người dân, giới đầu tư tìm đến bất động sản và xem đây là kênh trú ẩn an toàn trong trường hợp lạm phát cao xảy ra.
Tuy nhiên, ông Phan Lê Thành Long - sáng lập và CEO AFA Group nhận định: "Người mua bất động sản cần tính đến các yếu tố giá tăng thực sự chứ lạm phát không phải là nguyên nhân khiến giá bất động sản tăng. Thậm chí, lạm phát cao mà khiến lãi suất tăng, tiền tệ thắt chặt là "kẻ thù" của bất động sản, khiến bất động sản đóng băng, giá giảm, kẹt vốn".
Ông Long chia sẻ thêm, hầu hết người dân đều cho rằng giá bất động sản luôn tăng, điều này rất đúng trong dài hạn. Nếu chúng ta nhìn câu chuyện trên 10 năm, 20 năm, thậm chí trên 30 năm qua đều thấy điều này.
Tuy nhiên trong ngắn hạn, điều này không chắc chắn, điển hình như giá bất động sản giảm trong giai đoạn 2011-2015 do ảnh hưởng khủng hoảng kinh tế toàn cầu, thu nhập người dân giảm và tín dụng ngân hàng giai đoạn này hạn chế, thanh khoản cạn, nợ xấu tăng cao.
Vào năm 2011, giá nhà sơ cấp tại một số khu đô thị 28-29 triệu đồng/m2 thì đến năm 2013 chỉ còn 17 triệu đồng/m2 và giá nhà giảm 20-30% trong giai đoạn này.
Do vậy, giá bất động sản vẫn phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Mặt khác, những phân khúc khác nhau sẽ có biến động giá khác nhau.