Chuyên gia chỉ ra 3 yếu tố có thể đẩy giá vàng đạt mức cao mới trong năm 2024
Vàng có thể đạt được những mức cao mới trong năm 2024 dựa trên ba yếu tố chính.
- 10-01-2024Thừa nhận cay đắng của CEO Boeing
- 10-01-2024Châu Âu vẫn phụ thuộc vào LNG của Nga khiến Mỹ đe dọa trừng phạt
- 10-01-2024"Phương Tây muốn Nga rơi vào 'nửa thập kỷ thụt lùi' ư, 68 triệu USD là đủ thoát" - Người Trung Quốc hé lộ
Vàng đã tăng lên mức cao kỷ lục mới vào đầu tháng 12 với mức hơn 2.125 USD (51,7 triệu VND)/ounce. Theo Ole Hansen của Ngân hàng Saxo, tuy không thể duy trì mức cao đó nhưng vàng vẫn dao động quanh mức 2.000 USD/ounce và có thể đạt được những mức cao mới trong năm 2024 dựa trên ba yếu tố dưới đây:
Yếu tố cầu
Giá vàng sẽ tăng hơn nữa vào năm 2024, được thúc đẩy bởi quỹ phòng hộ, các ngân hàng trung ương tiếp tục mua vàng với tốc độ ổn định, và nhất là nhu cầu mới từ các nhà đầu tư ETF.
Trên toàn cầu, các ngân hàng trung ương đã ồ ạt mua vàng vào năm ngoái. Trong ba quý đầu năm 2023, các ngân hàng trung ương đã mua ròng 800 tấn vàng, cao hơn 14% so với cùng kỳ năm 2022.
Không có dấu hiệu nào cho thấy việc mua vàng của ngân hàng trung ương sẽ giảm trong năm tới. Theo Khảo sát Dự trữ Vàng của Ngân hàng Trung ương năm 2023 do Hội đồng Vàng Thế giới công bố vào mùa xuân năm ngoái, 24% ngân hàng trung ương cho biết họ có kế hoạch bổ sung thêm vàng vào kho dự trữ của mình trong 12 tháng tới. 71% ngân hàng trung ương được khảo sát tin rằng mức dự trữ toàn cầu nói chung sẽ tăng trong 12 tháng tới.
Trong khi hoạt động mua vàng của ngân hàng trung ương diễn ra mạnh mẽ, thì hoạt động đầu tư vào ETF lại trầm lắng khi dòng vốn chảy ra khỏi các quỹ ETF được tính bằng vàng suốt gần cả năm 2023. Nhưng dòng vốn chảy ra đã chậm lại đáng kể trong tháng 11 khi các quỹ ETF Bắc Mỹ ghi nhận nguồn vàng đổ vào lần đầu tiên sau 5 tháng.
Với giá vàng tăng, có thể nhiều dòng vàng sẽ chảy vào các quỹ ETF hơn trong những tháng tới, từ đó thúc đẩy nhu cầu vàng nói chung trên toàn cầu.
Hansen nhận định việc giá tăng cùng với kỳ vọng về môi trường lãi suất thấp hơn cũng có thể kéo một số nhà đầu tư tổ chức quay trở lại với vàng.
Yếu tố Fed
Cho đến nay, yếu tố lớn nhất thúc đẩy thị trường kim loại quý là chính sách tiền tệ của Cục Dự trữ Liên bang (Fed).
Sự phục hồi của vàng bắt đầu khi thị trường bắt đầu dự đoán Fed sẽ chấm dứt tăng lãi suất và chuyển hướng sang cắt giảm.
Tại cuộc họp Ủy Ban Thị Trường Mở Liên Bang (FOMC) vào tháng 12 năm ngoái, Fed không thực hiện bất kỳ động thái chính sách nào, nhưng công bố biểu đồ chấm tiết lộ ba lần cắt giảm lãi suất vào năm 2024 và bốn lần cắt giảm khác vào năm 2025. Lãi suất được kỳ vọng sẽ hạ xuống 2%-2,5%.
Fed cắt giảm lãi suất sẽ có tác động tích cực đối với vàng. Vàng đã hoạt động khá tốt trong năm 2023 bất chấp những cơn gió ngược, đồng đô la mạnh và cả suy nghĩ rằng lãi suất dài hạn cao là điều không tốt cho vàng.
Nếu vàng hoạt động tốt như vậy trong môi trường lãi suất tăng cao và niềm tin không mấy tích cực, hãy tưởng tượng xem nó sẽ tốt hơn thế nào khi lãi suất giảm, Ole Hansen nhận xét.
Yếu tố tháng 1
Về mặt lịch sử, tháng 1 là một tháng tốt đối với vàng.
Theo dữ liệu của Hội đồng Vàng Thế giới, kể từ năm 1971, vàng có mức sinh lời trung bình là 1,79% trong tháng 1, gần gấp ba lần mức trung bình dài hạn hàng tháng. Trong cùng thời gian đó, vàng đã ghi nhận lợi nhuận dương trong tháng 1 với tỷ lệ gần 60%. Tuy nhiên, điều này không xảy ra trong 2 năm gần đây vào 2021 và 2022 – là giai đoạn đồng đô la Mỹ mạnh lên.
Hội đồng Vàng Thế giới chỉ ra ba yếu tố có thể thúc đẩy hiệu suất của vàng trong tháng 1, đó là tái cân bằng danh mục đầu tư đầu năm, sản lượng thực tế giảm theo mùa, và dự trữ vàng ở Đông Á trước Tết Nguyên đán.
Nhịp Sống Thị Trường