MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chuyên gia chỉ ra 4 loại 'cây nhà lá vườn' giúp hạ sốt hiệu quả

04-07-2023 - 22:29 PM | Sống

Chuyên gia chỉ ra 4 loại 'cây nhà lá vườn' giúp hạ sốt hiệu quả

Một số loại cây trong vườn nhà có tác dụng hạ sốt hiệu quả, có thể dùng cho cả trẻ em và người lớn. Tuy nhiên, đối với những trường hợp sốt cao, thuốc vẫn là lựa chọn được ưu tiên.

Sốt là sự gia tăng nhiệt độ cơ thể tạm thời. Đó là một phần của phản ứng tổng thể từ hệ thống miễn dịch của cơ thể. Sốt thường do nhiễm trùng gây ra. Đối với những trường hợp sốt nhẹ dưới 38,5 độ, mọi người có thể sử dụng các loại lá cây trong vườn nhà để hạ sốt.

1. 4 loại "cây nhà lá vườn" giúp hạ sốt hiệu quả

Một số loại rau thường được bổ sung trong chế độ ăn uống hàng ngày lại có thể giúp hạ sốt hiệu quả. Tuy nhiên, đây là các bài thuốc dân gian nên mọi người có thể tham khảo thêm ý kiến của bác sĩ trước khi áp dụng.

1.1. Hạ sốt bằng rau diếp cá

Diếp cá là một loại rau, phổ biến trong các bữa ăn hàng ngày. Rau diếp cá có giá trị dinh dưỡng cao như Vitamin A, canxi, chất đạm, chất béo, khoáng chất, chất xơ, sắt…

Đặc biệt, rau diếp cá có tác dụng chống viêm nhờ chứa thành phần có tính kháng sinh decanoyl-acetaldehyde và theo đông y loại rau này có tính mát, tác động vào 2 kinh can phế nên giúp hạ sốt hiệu quả.

Ngoài tác dụng hạ sốt, rau diếp cá còn có nhiều lợi ích khác đối với sức khoẻ:

- Hỗ trợ điều trị dị ứng: Rau diếp cá có thể cải thiện hệ thống miễn dịch bằng cách thư giãn các cytokine. Điều này có thể giúp ích một cách tự nhiên trong điều trị dị ứng.

- Giảm lượng đường trong máu: Loại rau này tốt cho những người bị bệnh tiểu đường vì chúng giúp tăng sản xuất insulin và kiểm soát sự giải phóng glucose trong cơ thể. Hơn nữa, diếp cá còn giúp tăng mức cholesterol tốt trong cơ thể.

- Tốt cho sức khoẻ của phổi: Trong y học cổ truyền Trung Quốc, rau diếp cá được sử dụng phổ biến trong điều trị nhiễm trùng phổi. Ngoài ra, loại rau này còn có tác dụng chống virus, chống viêm nên có thể bảo vệ phổi khỏi bị nhiễm trùng.

- Kháng khuẩn: Rau diếp cá có thể ngăn ngừa các bệnh do vi khuẩn. Trong các nghiên cứu, người ta đề cập rằng việc chiết xuất loại thảo mộc này có thể làm giảm vi khuẩn Salmonella.

Chuyên gia chỉ ra 4 loại "cây nhà lá vườn" giúp hạ sốt hiệu quả - Ảnh 1.

Theo Đông y, rau diếp cá có tính mát, tác động vào 2 kinh can phế nên giúp hạ sốt hiệu quả (Ảnh: Internet)

Cách hạ sốt bằng rau diếp cá

Để hạ sốt bằng lá diếp cá, mọi người có thể thực hiện theo 2 cách:

+ Cách 1- Đắp lá diếp cá lên trán: Để thực hiện phương pháp này, bạn chỉ cần rửa sạch và giã nát rau diếp cá. Sau đó, cho phần diếp cá vừa giã được vào một chiếc khăn mỏng. Đắp lên trán hoặc nách của người bệnh.

+ Cách 2 - Uống nước lá diếp cá: Cách thực hiện rất đơn giản. Đầu tiên rửa sạch lá diếp cá và giã nát chúng. Sau đó, lọc chỉ lấy phần nước cho thêm một chút đường và nước lọc để uống. Phần bã có thể tận dụng đắp lên trán để hạ nhiệt nhanh.

1.2. Hạ sốt bằng lá tía tô

Tía tô không chỉ là loại rau để gia tăng hương vị cho các món ăn mà còn là một loại thảo mộc. Lá, thân và hạt được sử dụng để làm thuốc. Tía tô được sử dụng để hỗ trợ điều trị các vết loét, bệnh về đường hô hấp, các vấn đề về dạ dày và các tình trạng khác.

Tía tô chứa các chất có thể làm giảm sưng và các triệu chứng hen suyễn, dị ứng. Một số hóa chất trong tía tô có thể tiêu diệt tế bào ung thư.

Đặc biệt, theo Đông y, tía tô có tính ấm, vị cay, tác dụng giải biểu, phong hàn, tác động vào 3 kinh mạch như phế-tâm-tỳ nên có tác dụng hạ sốt, trừ cảm hiệu quả.

Chuyên gia chỉ ra 4 loại "cây nhà lá vườn" giúp hạ sốt hiệu quả - Ảnh 2.

Tía tô thường được dùng để hạ sốt, giải cảm (Ảnh: Internet)

Cách hạ sốt bằng lá tía tô

Có rất nhiều cách để hạ sốt bằng lá tía tô, nhưng mọi người có thể tham khảo một số cách sau:

+ Cách 1 - Uống nước lá tía tô: Đầu tiên, bạn chuẩn bị một nắm lá tía tô đem rửa sạch. Sau đó, đun sôi với lượng nước vừa phải. Đun nhỏ trong khoảng 5 phút là có thể sử dụng.

+ Cách 2 - Chườm người với nước lá tía tô: Trước tiên bạn cũng cần rửa sạch lá tía tô và giã nát với một chút nước. Sau đó, cho cả bã và nước lá tía tô vừa giã được vào một chiếc khăn xô. Tiếp đó, đem chườm lên trán, nách, bẹn để hạ nhiệt cho người bệnh.

Ngoài ra, khi bị sốt hoặc cảm mạo, mọi người có thể cho tía tô vào các món ăn như cháo, canh... để giải cảm cho người bệnh.

1.3. Hạ sốt bằng lá húng quế

Húng quế có vị cay, mùi hương đặc trưng, được sử dụng nhiều trong các món ăn. Húng quế có chứa nhiều chất chống oxy hoá nên đem lại nhiều lợi ích như kháng virus, vi khuẩn, nấm, giúp giảm viêm trong cơ thể. Do vậy, loại rau thơm này có thể giúp hạ sốt, giảm triệu chứng của cảm lạnh như ho khan.

Ngoài ra, húng quế còn có tác dụng hạ huyết áp, thư giãn tinh thần và giảm lượng đường trong máu cao.

Chuyên gia chỉ ra 4 loại "cây nhà lá vườn" giúp hạ sốt hiệu quả - Ảnh 3.

Húng quế có tác dụng giảm viêm, kháng khuẩn, kháng virus... (Ảnh: Internet)

Cách hạ sốt bằng lá húng quế

Để hạ sốt bằng lá húng quế, mọi người có thể đun một nắm lá húng quế với 1 muỗng cà phê (khoảng 5g) gừng băm, 200ml nước cho đến khi lượng nước còn lại một nửa. Cho thêm một ít mật ong vào và uống nước này khi bị ho hoặc sốt.

1.4. Hạ sốt bằng rau má

Theo Đông Y, rau má có vị hơi đắng, ngọt, tính hơi mát có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, lợi tiểu, chữa mụn nhọt, táo bón... đặc biệt giúp hạ sốt nhanh.

Ngoài tác dụng hạ sốt, rau má cũng có nhiều lợi ích khác đối với sức khoẻ, chẳng hạn:

- Hỗ trợ điều trị viêm loét dạ dày và nhiễm trùng đường tiết niệu

- Tăng cường sức khoẻ của gan

- Đẩy nhanh quá trình chữa lành vết thương nhờ đặc tính kháng khuẩn

- Có đặc tính chống viêm có thể điều trị viêm khớp

- Tốt cho đường tiêu hoá, ngăn ngừa táo bón

Chuyên gia chỉ ra 4 loại "cây nhà lá vườn" giúp hạ sốt hiệu quả - Ảnh 4.

Uống nước rau má giúp thanh nhiệt, hạ sốt, giải độc (Ảnh: Internet)

Cách hạ sốt bằng rau má

Cách đơn giản và hiệu quả để hạ nhiệt khi trẻ bị sốt là dùng rau má rửa sạch, sau đó vò nát, đổ xâm xấp nước, đun sôi nhỏ lửa khoảng 15 phút rồi chắt nước ra cốc lớn. Để dễ uống, các bạn có thể pha thêm một chút đường.

2. Những lưu ý khi sử dụng bài thuốc dân gian để hạ sốt

Một số loại "cây nhà lá vườn" có thể giúp hạ sốt hiệu quả. Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn cho sức khoẻ cũng như tránh các biến chứng nguy hiểm, mọi người nên lưu ý:

- Chỉ nên áp dụng phương pháp hạ sốt bằng các loại lá cây đối với những trường hợp sốt nhẹ. Trong những trường hợp sốt trên 38,5 độ thì nên dùng thuốc để hạ sốt nhanh chóng, đặc biệt đối với những trẻ có tiền sử bị co giật.

- Một số người có thể dị ứng với các loại lá cây được sử dụng để hạ sốt. Do đó, nếu thấy xuất hiện các triệu chứng như ngứa, nổi mề đay, khó thở... nên ngưng sử dụng và đến bệnh viện để được thăm khám.

Ngoài những biện pháp dân gian hoặc sử dụng thuốc hạ sốt, mọi người có thể kết hợp cùng một số biện pháp khác để hạ sốt nhanh chóng:

- Ngủ hoặc nghỉ ngơi tại giường có thể giúp hạ nhiệt cơ thể hiệu quả, khi ngủ nhiệt độ trung tâm của cơ thể tự nhiên thấp hơn một chút so với khi thức.

- Uống nhiều nước để tránh tình trạng cơ thể mất nước, nhất là khi sốt cơ thể thường bị mất nước nhiều hơn.

- Mặc quần áo mỏng nhẹ để cơ thể tán nhiệt ra bên ngoài

Theo Vân Anh

Phụ nữ Việt Nam

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên