Chuyên gia chỉ ra các phân khúc BĐS “đáng đầu tư” trong lúc này, nhưng đây mới là yếu tố nhà đầu tư cần lưu ý trước khi quyết định xuống tiền
Nếu có tiền vốn nhàn rỗi thì tiến về vùng lân cận để tìm kiếm các BĐS giá mềm là điều hợp lý ở thời điểm này. Tuy vậy, người mua nên nhắm đến các khu vực mà có cơ sở về dân cư sinh sống, có tốc độ đô thị hóa cao.
Trao đổi tại tọa đàm trực tuyến "Bất động sản hậu đại dịch: Sóng về đâu?", ông Phan Công Chánh, chuyên gia BĐS cá nhân đã chỉ ra các phân khúc hấp dẫn mà nhà đầu tư nên quan tâm trong bối cảnh thị trường như hiện nay.
Theo vị chuyên gia này, đây cũng là 4 phân khúc sẽ có sự phục hồi nhanh nhất khi dịch bệnh được kiểm soát.
Thứ nhất, đất nền vùng ven. Hiện đầu tư công được chú trọng vì là một trong những trụ đỡ quan trọng cho GDP vào những năm kinh tế gặp khó khăn. Hạ tầng mở rộng kéo theo đà sôi động của đất nền vùng ven từng diễn ra trong quá khứ.
Thứ ba là căn hộ ở phân khúc trung cấp, hay còn gọi là căn hộ vừa túi tiền. Đây là dòng sản phẩm nhắm vào nhu cầu ở thực của những thị dân các thành phố lớn như Tp.HCM, Hà Nội hay một số đô thị khác của Việt Nam. Khả năng phục hồi có thể là nhanh nhất vì phân khúc này nhắm vào nhu cầu thực tế của thị trường.
Thứ ba là nhà phố. Theo ông Chánh, phân này là đáng đầu tư nhất. Giai đoạn này, việc cho thuê đang gặp khó khăn nhưng nhà phố vẫn là phân khúc truyền thống và các nhà đầu tư nên chú ý đến phân khúc này.
Thứ tư, bất động sản nghỉ dưỡng. Hiện các chủ đầu tư vẫn "nằm im" chờ cho đợt dịch này qua đi. Nhưng theo ông Chánh, nhu cầu du lịch của người dân như một cái lò xo đang bị nén lại sẽ nhanh chóng bung ra sau dịch.
Cùng quan điểm, ông Đinh Thể Hiển, chuyên gia kinh tế - tài chính cho rằng, nhà phố, căn hộ hay đất nền vùng ven là những sản phẩm có thể mang về lợi nhuận ngay cho nhà đầu tư. Đặc biệt, nhà phố là dòng sản phẩm nhà đầu tư thường mua để dành lâu dài, chứ không bán. Trong giai đoạn bình thường, các sản phẩm này rất hiếm được rao bán trên thị trường. Chỉ có trong đại dịch, những người gặp khủng hoảng cho thuê mới có nhu cầu bán, mà còn chấp nhận thương lượng giảm giá.
Trước đó, vị chuyên gia này cũng chỉ ra, hiện nay khi đầu tư phải xác định đầu tư dài hạn. Cơ hội chỉ thực sự đến với những người biết chờ đợi. Với NĐT cá nhân thì luôn luôn có cơ hội. Các NĐT tham gia thị trường trong khoảng thời gian 3 -5 năm sẽ chọn lúc thị trường khó khăn, đi xuống để bỏ tiền đầu tư. Còn với những NĐT lướt sóng thì lại chọn đầu tư khi thị trường đang lên.
"Với các NĐT cá nhân, chỉ nên mua những vùng nào sẽ có đô thị hóa, sẽ có dân sinh sống và mua phải chấp nhận chờ đợi trong trung – dài hạn thì cơ hội mới lớn", ông Hiển nhấn mạnh.
Theo ông Hiển, xu hướng đổ về các thị trường tỉnh lân cận để mua BĐS không còn là xu hướng mới. Điều này đã diễn ra trong nhiều năm trước đó, nhưng hiện nay được thể hiện rõ nét hơn. Nếu có tiền vốn nhàn rỗi thì tiến về vùng lân cận để tìm kiếm các BĐS giá mềm trên dưới 1 tỉ đồng/sản phẩm là điều hợp lý ở thời điểm này. Tuy vậy, người mua nên nhắm đến các khu vực mà có cơ sở về dân cư sinh sống, có tốc độ đô thị hóa cao.
Với những nhà đầu tư chờ cơ hội "bắt đáy" thị trường dịp này, các chuyên gia khuyến cáo người mua vẫn nên cân nhắc các yếu tố cơ bản như pháp lý, vị trí và giá cả.
Theo ông Chánh, nhà đầu tư nên chú ý các vấn đề trong giao kết hợp đồng để có phương thức thanh toán an toàn. Bản thân ông đã chứng kiến nhiều trường hợp nhà đầu tư vì không chú ý đến yếu tố bất khả kháng như dịch bệnh mà phải chịu thiệt hại hoặc xảy ra tranh cãi sau này. Chẳng hạn như: người mua vì không thể rời nơi ở để đến công chứng hợp đồng đúng hẹn phải chịu mất tiền cọc hoặc người thuê muốn vận dụng yếu tố ảnh hưởng dịch bệnh để ngưng thực hiện nghĩa vụ hợp đồng với người cho thuê.
Cũng chia sẻ tại tọa đàm mới đây, ông Ngô Quang Phúc, Tổng giám đốc Phú Đông cho hay, dù đầu tư ở phân khúc, khu vực nào thì nhà đầu tư BĐS phải xác định là "cuộc đua" đường trường.
Theo ông Phúc, nhà đầu tư nên cẩn trọng khi chọn mua bất động sản vùng ven. Thứ nhất là dòng tiền dài hạn bởi bất động sản tỉnh lẻ còn gắn với câu chuyện hạ tầng, không phải vùng nào cũng có thể "đánh nhanh thắng nhanh". Mà thực chất nhà đầu tư phải cầm cự trong lâu dài. Thứ hai là chọn sản phẩm phù hợp với thị hiếu của đại đa số người mua. Đối với sản phẩm giáp ranh các thành phố lớn thì nhà khoảng 2-3 tỷ có thanh khoản rất tốt, trong khi đó các bất động sản có mức giá từ 10 tỷ trở lên thì gần như rất khó ra hàng.
Cùng quan điểm, ông Nguyễn Hoàng, Giám đốc bộ phận R&D DKRA Vietnam cũng dành lời khuyên, nhà đầu tư trước khi xuống tiền cho các phân khúc bất động sản tỉnh lẻ, cũng cần lưu ý kỹ ba vấn đề. Đầu tiên là phải xác định đầu tư dài hạn. Thứ hai là phải có cái sự chuẩn bị về mặt tài chính và có kế hoạch cụ thể, luôn có kế hoạch phòng trừ trong trường hợp rủi ro hay thị trường biến động. Thứ 3 là phải luôn luôn có sự theo dõi về biến động thị trường.