Chuyên gia chỉ ra chiêu lừa đảo đang phổ biến, khuyên mọi người nên 'chậm lại 1 nhịp trước khi chuyển tiền'
"Trong môi trường số luôn có nguy cơ kẻ gian rình rập, người dùng phải luôn cẩn trọng", Phó vụ trưởng Vụ Thanh toán - Ngân hàng Nhà nước Việt Nam nói.
Ông Lê Anh Dũng, phó vụ trưởng Vụ Thanh toán, Ngân hàng Nhà nước cho biết bản thân hằng ngày vẫn nhận được những email lừa đảo, dụ dỗ nhập thông tin cá nhân.
"Trong môi trường số luôn có nguy cơ kẻ gian rình rập, người dùng phải luôn cẩn trọng, chậm lại một nhịp, đặc biệt lưu ý trước những cái lạ: link lạ, cuộc gọi lạ, lời nói hành động thúc giục... Dĩ bất biến ứng vạn biến, từ đó phòng chống lừa đảo tốt hơn", ông Dũng nói tại họp báo công bố chuỗi sự kiện Ngày không tiền mặt năm 2024 diễn ra mới đây.
Lãnh đạo Vụ Thanh toán cũng nhấn mạnh Ngân hàng Nhà nước "tăng cường công tác truyền thông nhằm nâng cao nhận thức cho người dân".
Theo ông Dũng, truyền thông là tuyến bảo vệ đầu tiên. "Bên cạnh đó là tăng cường bảo mật hệ thống, đem lại các dịch vụ an toàn, bảo mật cho người dùng. Các bộ, ban ngành đã vào cuộc với nhiều giải pháp mạnh giúp bảo vệ khách hàng, củng cố lòng tin vào phương thức thanh toán điện tử", ông Dũng nói.
Còn ông Nguyễn Hoàng Long, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Thanh toán Quốc gia Việt Nam (NAPAS), chỉ ra "chiêu" lừa đảo phổ biến hiện nay là kẻ gian thường đánh vào tâm lý, lòng tham hay nỗi sợ hãi để người dân thực hiện các giao dịch thanh toán thật và chuyển cho kẻ gian.
"Người dùng đôi lúc phải quyết định chậm một tí trước khi thực hiện thao tác chuyển tiền, tránh rơi vào bẫy của kẻ lừa đảo", ông Hoàng Long lưu ý.
Theo lãnh đạo NAPAS, doanh nghiệp này đang soạn thảo bộ quy trình phối hợp dựa trên nền tảng pháp lý hiện nay, để khi nhận diện được lừa đảo thì thông báo cho ngân hàng nhận tiền.
"Những yếu tố kỹ thuật mà trước mắt có thể triển khai làm chậm lại quá trình chuyển tiền, hạn chế được các trường hợp lừa đảo như ngân hàng có thể khóa tài khoản khi được thông báo dấu hiệu lừa đảo, hay yêu cầu khách hàng ra quầy mới giao dịch rút tiền thành công", ông Long nói.
Còn thống kê của Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) cho biết, trong 11 tháng đầu năm 2023, cơ quan này đã nhận được gần 16.000 phản ánh về các trường hợp lừa đảo trên mạng internet; trong đó, 91% liên quan đến giả mạo, lừa đảo trong lĩnh vực ngân hàng - tài chính.
Bộ Công an đã liệt kê 24 hình thức lừa đảo trực tuyến, từ những hình thức tinh vi nhất như lừa đảo bằng các video deepfake (hình ảnh, thông tin giả mạo, sai sự thật), đến giả danh cơ quan công an, viện kiểm sát, tòa án, cán bộ thuế gọi điện qua giao thức internet hăm dọa người bị hại, sau đó chiếm đoạt thông tin cá nhân và chiếm đoạt tài sản.
Kẻ xấu còn dựng ra nhiều kịch bản để lừa người dùng vào bẫy, dụ dỗ nạp tiền làm nhiệm vụ online, giả mạo người thân yêu cầu chuyển tiền, giả mạo luật sư, cam kết lấy lại tiền…
Đời sống pháp luật