Chuyên gia chỉ ra những lưu ý khi đầu tư trái phiếu doanh nghiệp
Theo TS. Vũ Đình Ánh, đầu tư trái phiếu doanh nghiệp hoàn toàn khác với gửi tiết kiệm ngân hàng.
Gần đây xuất hiện tình trạng một số nhà đầu tư vì hiệu ứng đám đông mà rút vốn trái phiếu trước hạn, đồng nghĩa với việc không được hưởng lãi suất đầy đủ. Theo đó, nhà phát hành trái phiếu có thể mất khả năng thanh toán.
Tại Talkshow "Chọn danh mục" do Báo đầu tư tổ chức, các chuyên gia đã đưa ra những nguyên tắc cơ bản giúp NĐT cá nhân quản trị rủi ro khi đầu tư vào trái phiếu.
Theo quan điểm của TS. Vũ Đình Ánh, chuyên gia kinh tế, người có nhiều nghiên cứu và am hiểu sâu sắc về kinh tế vĩ mô, thị trường tài chính, tiền tệ chia sẻ rằng tốt nhất, nhà đầu tư nhỏ lẻ nên tránh hiệu ứng đám đông đối với thị trường trái phiếu doanh nghiệp. Nhất là phát hành riêng lẻ khi nhà đầu tư phải đối mặt với một số vấn đề thậm chí là các tin đồn vô căn cứ.
Bản thân họ cần phải tự nâng trình độ và năng lực phân tích thị trường để tránh những tin đồn vô căn cứ này, cũng như tránh được hiệu ứng đám đông.
Đáng chú ý, ông Ánh nhận định: “ Đầu tư trái phiếu doanh nghiệp hoàn toàn khác với gửi tiết kiệm ngân hàng. Nếu như không có sự phân biệt rõ ràng, việc hành xử với trái phiếu như khoản tiết kiệm tại ngân hàng rất dễ xảy ra. "
Mặt khác, bàn luận về việc tạo dựng niềm tin cho thị trường trái phiếu để có được sự bình ổn sau những vấn đề nảy sinh, TS Vũ Đình Ánh cho rằng vấn đề uy tín của nhà phát hành phải xử lý ngay trong ngắn hạn.
Bên cạnh đó, vị chuyên gia kinh tế cũng cho rằng nhà quản lý cần có những biện pháp tạo dòng tiền xử lý các vấn đề khác, đơn cử như xây dựng quỹ hỗ trợ thị trường trái phiếu khi gặp các vấn đề về thanh khoản.
Thêm nữa, ông cũng cho biết câu chuyện quy định phải được làm rõ, tránh tâm lý chi phối khi thời gian qua khi NĐT chỉ tập trung vấn đề lãi suất, lãi suất càng cao càng tốt, bỏ qua nhiều yếu tố liên quan rủi ro khi đầu tư trái phiếu doanh nghiệp .
"Chúng ta đã ban hành Nghị định 65 theo hướng siết chặt từ yêu cầu phát hành, phân phối, trung gian, cho tới yêu cầu các nhà đầu tư. Ví dụ, chúng ta nâng mức từ 100.000 đồng lên 100 triệu đồng với trái phiếu doanh nghiệp, đây là mức siết chặt lại. Điều này có ý nghĩa nhiều trong trung và dài hạn. Song, chúng ta phải đối diện nhiều khó khăn trước mắt khi mà quy mô đã lên đến 1 triệu tỷ vào cuối năm 2022, sang năm 2023, hàng trăm ngàn tỷ trái phiếu doanh nghiệp sẽ đáo hạn. Đặc biệt, liên quan tới cả hiện tượng "bond run" với một số loại trái phiếu doanh nghiệp", TS Vũ Đình Ánh nêu rõ.
Tóm lại, ông Ánh đánh giá thị trường trái phiếu doanh nghiệp là thị trường cực kỳ phức tạp ngay cả với tổ chức chuyên nghiệp, nhà đầu tư chuyên nghiệp.
Đồng tình với quan điểm của TS Vũ Đình Ánh, bà Nguyễn Thị Hoạt, Chuyên gia Công ty chứng khoán TCBS đánh giá rằng trái phiếu không phải sản phẩm tiết kiệm. Việc đầu tư vào trái phiếu là đầu tư có rủi ro, bởi bản chất là nhà đầu tư đang cho doanh nghiệp vay và tồn tại những rủi ro nhất định.
Liên quan tới câu hỏi làm thế nào để quản trị rủi ro khi đầu tư trái phiếu, bà Hoạt đưa ra 3 nguyên tắc:
Thứ nhất, xác định khẩu vị rủi ro của bản thân và chấm điểm rủi ro. Nhà đầu tư cần chấm điểm định kỳ rủi ro của mình.
Thứ hai, tìm hiểu thông tin. Để có thông tin cho nhà đầu tư, yêu cầu có sự công khai minh bạch từ tổ chức phát hành, tổ chức tư vấn phát hành. NĐT có thể tìm thông tin ở trái phiếu niêm yết, trái phiếu phát hành ra công chúng, tuân thủ quy định công bố thông tin ở DN niêm yết.
Thứ ba, phân tích nhận diện rủi ro. Sau khi có thông tin công khai minh bạch, NĐT cần chọn được trái phiếu càng công khai minh bạch càng tốt, giảm tối đa rủi ro cho bản thân. Đơn giản hơn, có thể chuyển tiếp việc phân tích đánh giá DN thông qua các đơn vị chuyên nghiệp là công ty quản lý quỹ, quỹ mở trái phiếu.
“Việc hiểu đúng, hiểu đủ thì mới tránh tâm lý hoang mang khi có thông tin bất lợi, tránh bond run – bán tháo ảnh hưởng tổn thất tài chính”, bà Hoạt nhận định.
Nhịp sống thị trường