MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chuyên gia chỉ ra sai lầm của nhà đầu tư khi đánh giá tác động của chiến tranh thương mại

21-06-2018 - 12:47 PM | Tài chính quốc tế

Số liệu OECD cho thấy Đài Loan (Trung Quốc), Malaysia, Hồng Kông và Hàn Quốc mới là những nền kinh tế bị ảnh hưởng nhiều nhất nếu kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc vào Mỹ sụt giảm.

Rất có thể các nhà đầu tư đang tính toán sai về chiến tranh thương mại khi họ bán tháo cổ phiếu Trung Quốc mạnh mẽ hơn là bán cổ phiếu Đài Loan, Malaysia và Hàn Quốc. Đó là nhận định được 2 chuyên gia Fielding Chen và Tom Orlik của Bloomberg Economics đưa ra.

Chỉ số Shanghai Composite đã giảm 3,8% trong phiên 19/6 sau khi Tổng thống Trump tuyên bố sẽ đánh thuế bổ sung 10% đối với 200 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc. Đáp lại Bắc Kinh cũng tuyên bố sẽ đáp trả ở quy mô tương đương, đẩy căng thẳng giữa hai nước lên nấc thang mới.

Dù hồi phục trong phiên hôm qua nhưng Shanghai Composite hiện vẫn đang ở dưới mức 3.000 điểm lần đầu tiên kể từ năm 2016. Theo Chen và Orlik, xu hướng giảm điểm như vậy cho thấy rủi ro đang phân bổ một cách không hợp lý.

"Mỹ trực tiếp nhắm vào các hàng hóa được nhập khẩu từ Trung Quốc, nhưng nhìn vào tỷ trọng đóng góp của xuất khẩu trong GDP Trung Quốc và vai trò to lớn của các linh kiện nhập khẩu trong các mặt hàng xuất khẩu bị đánh thuế thì các tác động sẽ bị hạn chế".

Số liệu OECD cho thấy Đài Loan (Trung Quốc), Malaysia, Hồng Kông và Hàn Quốc mới là những nền kinh tế bị ảnh hưởng nhiều nhất nếu kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc vào Mỹ sụt giảm. Tỷ trọng đóng góp của xuất khẩu linh kiện điện tử xuất khẩu sang Trung Quốc vào GDP của các nền kinh tế này là rất lớn.

Phiên 19/6, các thị trường Đài Loan và Malaysia lần lượt giảm 1,7% và 1,6%, giảm nhẹ hơn thị trường Trung Quốc. Chỉ số Kospi của Hàn Quốc giảm 1,5% trước khi hồi phục 1,1% phiên hôm qua.

Trước tình trạng thị trường lao dốc quá mạnh, NHTW Trung Quốc đã phát đi thông báo kêu gọi nhà đầu tư bình tĩnh và cam kết sẽ sử dụng chính sách tiền tệ "một cách hợp lý" để sẵn sàng chống lại các cú sốc đến từ bên ngoài. Ngày 19/6, PBOC đã bơm 200 tỷ nhân dân tệ (tương đương 31 tỷ USD) vào nền kinh tế thông qua các công cụ cho vay trung hạn. Cộng với số tiền trước đó, tổng cộng PBOC đã bơm ròng 403,5 tỷ nhân dân tệ kể từ đầu tháng 6 - con số cao nhất so với bất kỳ tháng nào kể từ tháng 12/2016.

Tuy nhiên 1 cuộc chiến thương mại nổ ra giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới cũng đang làm phức tạp thêm nỗ lực giảm nợ của giới chức Trung Quốc, đặc biệt trong bối cảnh có nhiều dấu hiệu cho thấy tăng trưởng kinh tế đang chững lại. Dữ liệu về sản lượng công nghiệp, doanh số bán lẻ và tổng mức đầu tư của tháng 5 đều ở mức thấp hơn dự báo.



Lâm Phong

Bloomberg

Trở lên trên