MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chuyên gia chứng khoán: Thanh khoản bùng nổ, cổ phiếu thép chuẩn bị tiến tới chu kỳ tăng giá

Chuyên gia chứng khoán: Thanh khoản bùng nổ, cổ phiếu thép chuẩn bị tiến tới chu kỳ tăng giá

Nhóm cổ phiếu thép trong phiên 28/2 cũng xác lập vị trí thống trị về thanh khoản: HPG dẫn đầu thị trường với 1.654 tỷ đồng khớp lệnh, NKG thứ hai với 860 tỷ đồng và HSG thứ 3 với 822 tỷ đồng.

Cổ phiếu thép bùng nổ

Trong khi các nhóm ngành phân hóa mạnh, nhiều mã dẫn dắt chịu áp lực điều chỉnh lớn, cổ phiếu ngành thép lại nổi lên như một điểm sáng. Hàng loạt mã bật tăng mạnh trong phiên thị trường đỏ lửa 28/2.

Chuyên gia chứng khoán: Thanh khoản bùng nổ, cổ phiếu thép chuẩn bị tiến tới chu kỳ tăng giá - Ảnh 1.

Cổ phiếu HSG của Tập đoàn Hoa Sen đã bật tăng trần lên mức 38.350 đồng/cp với thanh khoản tăng đột biến lên gần 22 triệu đơn vị khớp lệnh. Theo đó, dư mua giá trần hơn 1,1 triệu đơn vị, trắng bên bán. So với vùng đáy thiết lập hồi cuối tháng 1, cổ phiếu này đã tăng 27% giá trị.

Tương tự, cổ phiếu NKG của CTCP Thép Nam Kim cũng "mặc áo tím" với giá 44.150 đồng/cp cùng thanh khoản đạt gần 20 triệu cổ phiếu, tăng gấp đôi thanh khoản trung bình trong những phiên gần đây. Tương tự, mã này cũng ghi nhận dư mua trần hơn 1,3 triệu đơn vị.

Tuy không có đà tăng ngoạn mục như trên, song "anh cả" HPG cũng tăng 2,8% lên mốc 47.200 đồng/cp, thanh khoản tăng mạnh lên mức 35,2 triệu đơn vị.

Ngoài ra, một số cổ phiếu thép khác cũng đua nhau bật tăng trần như SMC (+6,9%), TLH (+6,9%) hay một số mã khác cũng tăng ấn tượng như TVN(+10%), TIS (+7,1%), POM (+4,6%).

Bên cạnh đà tăng điểm số, nhóm cổ phiếu thép cũng xác lập vị trí thống trị về thanh khoản: HPG dẫn đầu thị trường với 1.654 tỷ đồng khớp lệnh, NKG thứ hai với 860 tỷ đồng và HSG thứ 3 với 822 tỷ đồng. Trong đó NKG lập kỷ lục lịch sử, HSG lập kỷ lục 5 tháng về thanh khoản.

Bàn về nguyên nhân đà tăng cổ phiếu thép, Chứng khoán BSC cho rằng diễn biến căng thăng leo thang giữa Nga và Ukraine sẽ tác động trực tiếp đến giá cả hàng hóa trên thế giới. Điều này tác động đến một số ngành và doanh nghiệp ở Việt Nam, trong đó có nhóm thép được hưởng lợi mạnh mẽ.

Theo phân tích của BSC, Nga đang xếp thứ 2 về xuất khẩu thép vào EU (sau Thổ Nhĩ Kỳ). Tỷ trọng khoảng 14,1% đối với thép dẹt và 19% đối với thép dài. Tỷ trọng xuất khẩu vào EU của một số bên liên quan như: Ukraine: 8% thép dẹt và 7,4% thép dài; Belarus: 14,4% thép dài vàTrung Quốc: 5,7% thép dẹt và 5,8% thép dài.

Theo đó, lượng xuất khẩu này bị cắt giảm do cấm vận thì sẽ tạo cơ hội cho các nhà xuất khẩu khác vào thị trường này, đặc biệt với nhóm tôn mạ hiện đang xuất nhiều sang thị trường này (NKG, HSG). Hiện tại HPG không xuất nhiều thép xây dựng sang sang EU.

BSC đưa ra quan điểm khả quan đối với cổ phiếu của các công ty xuất khẩu thép lớn, đặc biệt là nhóm tôn mạ có xuất khẩu vào EU (NKG, HSG) do có thể hưởng lợi nếu EU cắt giảm nhập khẩu thép từ Nga và Belarus, Ukraine không duy trì sản xuất được do chiến tranh.

Tuy nhiên, điểm cần lưu ý là EU vẫn áp hạn ngạch nhập khẩu (> 3% sẽ tăng bước thuế) lên các quốc gia xuất khẩu vào đây, hiện Việt Nam đang chiếm tỷ trọng 2% nhập khẩu thép dẹt của khối này.

Triển vọng trong dài hạn ra sao?

Đưa ra quan điểm về nhóm cổ phiếu thép, ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc phân tích Khối khách hàng cá nhân, CTCK Yuanta Việt Nam cho rằng nhóm thép đang hội tụ đầy đủ các yếu tố hưởng lợi trong ngắn và dài hạn.

Trong ngắn hạn, ngành thép vẫn được ủng hộ bởi những căng thẳng địa chính trị sẽ khiến gián đoạn chuỗi cung ứng tăng cao và Nga cũng là nước sở hữu khối tài nguyên rất lớn tại Châu Âu. Điều này thúc đẩy nhu cầu thép và nguồn nguyên liệu đầu vào của giá thép tăng cao.

Vị chuyên gia cũng phân tích, cổ phiếu thông thường có 4 chu kỳ cơ bản, đầu tiên là giảm giá sau trạng thái tích luỹ, sau đó mới là tăng tốc và phân phối.

"Trước đó tôi cũng từng nhận định nhóm cổ phiếu thép đã chấm dứt chu kỳ giảm để bước sang chu kỳ tích lũy và đang chờ thời cơ để hút dòng tiền. Trên thực tế, dòng tiền đã có sự chuyển dịch vào nhóm cổ phiếu này trong thời gian qua, song chưa có xu hướng rõ ràng.

Nếu những phiên hôm trước nhóm này vẫn đang ở giai đoạn tích lũy thì trong phiên 28/2 đã có sự đột phá rõ rệt. Theo đó, khối lượng giao dịch bùng nổ trong phiên cho thấy nhóm thép đang có dấu hiệu kết thúc giai đoạn tích lũy để tiến tới chu kỳ tăng giá", ông Nguyễn Thế Minh nhận định.

Chuyên gia chứng khoán: Thanh khoản bùng nổ, cổ phiếu thép chuẩn bị tiến tới chu kỳ tăng giá - Ảnh 2.

Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc phân tích Khối khách hàng cá nhân, CTCK Yuanta Việt Nam

Bên cạnh thông tin ngắn hạn, vị chuyên gia Yuanta cho rằng những câu chuyện cơ bản vẫn đang ủng hộ nhóm cổ phiếu ngành thép trong trung và dài hạn. Ngoài việc giá thép được dự báo vẫn neo cao trong năm 2022, sự hồi phục của thị trường bất động sản và việc Chính phủ đẩy mạnh đầu tư công sẽ là bệ đỡ cho đà tăng trưởng trong dài hạn của nhóm cổ phiếu thép.

Ông Minh cũng đánh giá dòng tiền thị trường đang khá yếu và phân hóa giữa các nhóm cổ phiếu. Do đó, trong bối cảnh nhiều nhóm ngành kém sáng và khó đoán định, cổ phiếu thép có thể sẽ hút dòng tiền lớn trong thời gian tới nhờ hưởng lợi bởi nhiều yếu tố trong trong ngắn, trung và dài hạn.

Vị chuyên gia cũng đưa ra lưu ý, hiện có nhiều nhóm cổ phiếu hưởng lợi từ xung đột Nga - Ukraine có xu hướng tăng mạnh như thép, than, phân bón,....Song nhà đầu tư cần phân định rõ nhóm cổ phiếu nào chỉ được hưởng lợi trong ngắn hạn để lựa chọn điểm mua bán hợp lý. Bởi sau khi căng thẳng hạ nhiệt có thể khiến giá cả hàng hóa giảm, những cổ phiếu không có câu chuyện trong dài hạn khó duy trì đà tăng bền vững.

Trong một báo cáo mới đây, VNDirect đánh giá năm 2021 là một năm thành công rực rỡ của ngành thép mặc dù kết quả kinh doanh tăng trưởng chậm lại trong nửa cuối năm. Sang đến năm 2022, VNDirect cho rằng sản lượng tiêu thụ nhu cầu thép xây dựng và tôn mạ dự kiến sẽ tăng từ 5-10% trong năm 2022 nhờ sự phục hồi của nhu cầu nội địa. Cụ thể, nhu cầu thép của các thị trường xuất khẩu kỳ vọng tiếp tục được duy trì ở mức cao trong năm 2022 và nhu cầu thép nội địa sẽ hồi phục mạnh mẽ trong năm 2022 khi dịch bệnh được kiểm soát và chính phủ đẩy mạnh chi tiêu công vào phát triển cơ sở hạ tầng.

Tuy nhiên, VNDirect cho rằng biên lợi nhuận gộp ngành thép năm 2022 sẽ suy giảm từ mức cao của năm 2021 do giá bán thép thấp hơn trong khi giá nguyên liệu đầu vào tăng cao. Bởi giá thép thế giới đã đi qua đỉnh chu kỳ và được kỳ vọng sẽ giảm dần trong năm 2022 – 2023. Bên cạnh giá giá quặng sắt phục hồi nhanh chóng khi mùa xây dựng đến gần và tình trạng thiếu hụt than tại Trung Quốc và phục hồi sản xuất công nghiệp toàn cầu kéo giá than cốc tăng cao.

Nhìn về dài hạn, với triển vọng nhu cầu thép nội địa lớn và "miếng bánh" thị phần đang được thép Trung Quốc để lại trên toàn cầu, VNDirect cho rằng các cổ phiếu thép xứng đáng được đầu tư trong dài hạn. Mặc dù bối cảnh có nhiều thuận lợi hơn cũng như những bài học được doanh nghiệp rút ra từ những chu kỳ giá xuống trước đó, giá cổ phiếu thép Việt khó có thể đi ngược yếu tố chu kỳ ngành.

Chuyên gia chứng khoán: Thanh khoản bùng nổ, cổ phiếu thép chuẩn bị tiến tới chu kỳ tăng giá - Ảnh 3.

Đáng chú ý, VNDirect đánh giá cao cổ phiếu HPG của CTCP Tập đoàn Hòa Phát. Nhóm phân tích tin rằng Hòa Phát sẽ là doanh nghiệp thép duy nhất có khả năng duy trì lợi nhuận ở mức cao trong năm 2022 nhờ khả năng tiết giảm chi phí và quản trị hàng tồn kho đã được chứng minh sẽ hỗ trợ đáng kể việc biên lợi nhuận gộp thu hẹp.

Ngoài ra, công ty sẽ ghi nhận những đóng góp đầu tiên vào kết quả kinh doanh đến từ nhà máy sản xuất container (từ quý 3/2022) và mỏ quặng sắt Ropper Valley. Về dài hạn, Khu liên hợp Dung Quất 2 sẽ giúp công ty quay trở lại mức tăng trưởng 2 chữ số và đưa công ty lọt Top 30 nhà sản xuất thép lớn nhất thế giới từ năm 2024.

https://cafef.vn/chuyen-gia-chung-khoan-thanh-khoan-bung-no-co-phieu-thep-chuan-bi-tien-toi-chu-ky-tang-gia-20220228172220969.chn

Minh Châu

Nhịp sống kinh tế

Trở lên trên