MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chuyên gia: Có áp lực giá xăng tăng nhưng lạm phát còn thấp, không có lý do gì để thắt chặt tiền tệ

17-03-2022 - 09:40 AM | Tài chính - ngân hàng

TS. Nguyễn Đức Độ

TS. Nguyễn Đức Độ

Xăng dầu là mặt hàng quan trọng bậc nhất trong nền kinh tế, tác động đến giá thành các sản phẩm thông qua chi phí sản xuất và vận chuyển hàng hóa. Tuy nhiên, các số liệu cho thấy do nhu cầu tiêu dùng còn yếu, giá cả hàng hóa hiện nay vẫn tăng chậm, lạm phát vẫn thấp, bất chấp giá xăng dầu tăng mạnh.

TS. Nguyễn Đức Độ
TS. Nguyễn Đức Độ
Chuyên gia Tài chính
68 bài viết

Kể từ khi xung đột Nga - Ukraine nổ ra, giá dầu mỏ và khí đốt tăng cao. Giá dầu Brent đã có lúc vượt ngưỡng 130 USD/thùng, cao nhất kể từ tháng 2/2013.

Trong nước, ngày 11/3, giá xăng dầu đã có mức tăng mạnh nhất trong lịch sử, mỗi lít xăng RON 95 tăng gần 3.000 đồng một lít, lên sát 30.000 đồng - mức cao nhất từ trước đến nay. Là nền kinh tế có độ mở lớn, Việt Nam cũng đang chịu áp lực lạm phát rất lớn từ những biến động trên thế giới.

Chuyên gia tài chính ngân hàng, TS. Nguyễn Đức Độ - Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Tài chính (Học viện Tài Chính) đã có những chia sẻ với chúng tôi xung quanh vấn đề lạm phát và chính sách tiền tệ thời gian tới.

PV: Giá xăng dầu liên tục tăng mạnh thời gian gần đây, ông đánh giá điều này sẽ gây áp lực lên giá cả các hàng hóa khác như thế nào?

TS. Nguyễn Đức Độ: Xăng dầu là mặt hàng quan trọng bậc nhất trong nền kinh tế, tác động đến giá thành các sản phẩm thông qua chi phí sản xuất và vận chuyển hàng hóa. Các số liệu và tính toán của Tổng cục Thống kê cho thấy, trong vòng một năm qua, giá dầu thế giới đã tăng khoảng 50%, khiến giá hàng hóa thuộc nhóm giao thông trong rổ CPI tăng 15,46%, đồng thời làm CPI chung tăng 1,49 điểm phần trăm.

Tuy nhiên, về tổng thể, chỉ số CPI trong vòng một năm qua mới chỉ tăng 1,42%. Điều đó có nghĩa là giá cả của các hàng hóa còn lại, tính trung bình, gần như không thay đổi. Nguyên nhân chủ yếu là do cầu tiêu dùng hiện nay vẫn còn yếu, nên mặc dù chi phí sản xuất tăng, các doanh nghiệp chưa thể tăng giá mạnh. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 2/2022 chỉ tăng 3,1% so với cùng kỳ năm trước, còn nếu loại trừ yếu tố giá thì giảm 0,3%. Chỉ số này trong năm 2021 cũng chỉ tăng 0,7%. Nói cách khác, mức tiêu dùng của người dân gần như đứng yên tại chỗ trong vòng 2 năm qua.

Như vậy, các số liệu cho thấy do nhu cầu tiêu dùng yếu, giá cả hàng hóa hiện nay vẫn tăng chậm, lạm phát vẫn thấp, bất chấp giá xăng dầu tăng mạnh.

Trong 2 năm, chúng ta đã có nhiều gói hỗ trợ, đặc biệt gói hỗ trợ 350.000 tỷ đồng đang được triển khai. Nhiều người lo ngại chính sách tiền tệ và tài khóa nới lỏng tạo nguồn cung tiền lớn trên thị trường sẽ tác động đến lạm phát các năm tới. Ông nghĩ sao về điều này?

Tôi không cho rằng gói hỗ trợ 350.000 tỷ đồng sẽ tác động mạnh đến lạm phát trong thời gian tới, vì về cơ bản, đây là gói tài khóa. Lạm phát cao chủ yếu do cung tiền tăng mạnh. Gói hỗ trợ năm 2009 gây ra lạm phát cao vì tốc độ tăng cung tiền giai đoạn 2009-2010 lên tới hơn 30%/năm, chưa kể năm 2007 cung tiền cũng đã tăng 46%.

Nhưng lần này sẽ khác. Nếu NHNN khống chế cung tiền tăng trưởng ở mức hợp lý như thời gian qua, tình trạng lạm phát cao sẽ không xảy ra.

Việt Nam có độ mở kinh tế rất lớn, trong khi đó thế giới lại đang có nhiều biến động. Ông có nhận định gì về sức ép này đối với lạm phát?

Tác động của thế giới đến lạm phát tại Việt Nam chủ yếu thông qua giá các hàng hóa cơ bản như xăng dầu, sắt thép, phân bón và một số các nguyên vật liệu khác. Tuy nhiên, giá các hàng hóa này có thể đã đạt đỉnh.

Một mặt, sự đứt gãy nguồn cung đang dần được khắc phục. Mặt khác, biến động giá các hàng hóa cơ bản mang tính đầu cơ cao. Trong bối cảnh Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) chuẩn bị bắt đầu chu kỳ thắt chặt tiền tệ, các hoạt động đầu cơ giá lên sẽ gặp nhiều khó khăn.

Riêng đối với dầu thô, mặc dù giá đã tăng mạnh lên trên 130 USD/thùng khi xảy ra xung đột giữa Nga và Ukaine, nhưng sau đó đã nhanh chóng giảm xuống dưới 100 USD/thùng, khi khả năng hai nước đạt được thỏa thuận ngày càng cao.

Trong trung hạn, cũng có một số yếu tố có thể hạn chế đà tăng của giá dầu. Thứ nhất, khi Hoa Kỳ ngừng nhập khẩu dầu từ Nga, nước này sẽ cố gắng tăng sản lượng dầu đá phiến, tức là khiến nguồn cung tăng lên. Về phía Nga, khi bị phương Tây cấm vận, các công ty dầu khí sẽ tìm cách xuất khẩu dầu sang các nước như Trung Quốc, Ấn độ với giá rẻ. Vì vậy, nhu cầu về dầu của các nước này trên thị trường thế giới sẽ giảm.

Đồng USD đang mạnh lên trên thế giới, lạm phát trong nước cũng đang tăng lên, việc điều hành tỷ giá năm nay sẽ không còn thuận lợi? Đâu là giải pháp để hạn chế việc VND bị mất giá mạnh?

Tính tổng thể, cán cân thương mại của Việt nam vẫn đang cân bằng, thậm chí thặng dư nhẹ. Năm 2021 chúng ta xuất siêu 4 tỷ USD. Mặc dù 2 tháng đầu năm 2022 nền kinh tế nhập siêu khoảng 1 tỷ USD, nhưng nhiều khả năng đây là tình trạng tạm thời (giống như nửa đầu năm 2021), khi các doanh nghiệp tăng tích trữ nguyên vật liệu trong bối cảnh giá hàng hóa cơ bản phục hồi. Về đầu tư, vốn FDI thực hiện trong 2 tháng đầu năm nay đạt 2,68 tỷ USD, tăng 7,2% so với cùng kỳ, tức là vẫn khả quan.

Áp lực giảm giá VND thời gian qua chủ yếu đến từ việc đồng USD tăng giá trên thị trường quốc tế. Tuy nhiên, với tình trạng cung cầu ngoại tệ cân bằng, quy mô dự trữ ngoại hối đạt hơn 100 tỷ USD, tôi cho rằng NHNN sẽ không gặp khó khăn gì trong việc ổn định tỷ giá.

Đã có một số ý kiến cho rằng, trước áp lực lạm phát, Ngân hàng Nhà nước có thể sẽ tăng lãi suất điều hành trong năm nay, hạn chế mở rộng tiền tệ, lãi suất huy động cũng sẽ tăng trong thời gian tới. Ông nghĩ sao về dự báo này?

Thời gian gần đây, đúng là có một số áp lực lạm pháp từ việc giá dầu tăng, có thời điểm lên trên 130 USD/thùng. Tuy nhiên, do tính chất đầu cơ, giá dầu rất bất ổn: lên rồi lại xuống. Chính sách tiền tệ, vì vậy, không thể thay đổi theo sự biến động khó lường của giá dầu.

Trên thực tế, việc hoạch định chính sách tiền tệ được dựa trên các cơ sở mang tính ổn định hơn như tình hình tăng trưởng, việc làm và lạm phát. Về tổng thể, do tổng cầu vẫn yếu nên lạm phát tại Việt Nam vẫn ở mức thấp. Nếu đà tăng của giá cả trong một năm qua được giữ vững, chỉ số CPI trong năm nay, tính trung bình, chỉ tăng khoảng 2%.

Với tình hình tiêu dùng yếu và lạm phát thấp hiện nay, tôi không thấy có lý do gì để NHNN thắt chặt tiền tệ trong năm 2022. Tất nhiên, trong thời gian tới, lãi suất trên thị trường có thể sẽ tăng nhẹ, khi nhu cầu tín dụng phục hồi nhanh. Nhưng nếu điều này xảy ra, đó là tin tốt.

https://cafef.vn/chuyen-gia-co-ap-luc-gia-xang-tang-nhung-lam-phat-con-thap-khong-co-ly-do-gi-de-that-chat-tien-te-20220317094000618.chn

Thu Thủy (thực hiện)

Doanh Nghiệp Tiếp Thị

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên