Chuyên gia đánh giá lợi nhuận DN sẽ phục hồi trong quý cuối năm, bắt đầu chọn 'hàng' để đầu tư cho năm 2024
Có những công ty lấy thị phần rất tốt dù ngành của họ có sự sụt giảm lớn, ví dụ như FPT (Công nghệ), PNJ (Bán lẻ), Gemadept (cảng biển), Kinh Bắc (bất động sản khu công nghiệp).
- 10-11-2023Khi cả chùm DN lớn rớt lãi, một công ty dệt may bất ngờ báo lợi nhuận tăng mạnh, số lao động dự kiến tăng lên tới 8.000 người
- 10-11-2023Phú Tài (PTB) có thể phải trích lập 30-40% giá trị dự phòng cho khoản phải thu với Noble House khi đối tác Mỹ nộp đơn xin phá sản?
- 10-11-2023Khải Hoàn Land dừng kế hoạch phát hành 1.800 tỷ đồng cổ phiếu riêng lẻ
Những yếu tố dẫn đến kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp (DN) thấp hơn kỳ vọng là sự phục hồi rất chậm của nền kinh tế Trung Quốc, tốc độ giảm hàng tồn kho của Mỹ, nhu cầu của thị trường Việt Nam. Đây là chia sẻ của các chuyên gia tại sự kiện “Theo dấu dòng tiền” diễn ra mới đây.
Tất cả những yếu tố này khiến tăng trưởng của các DN ở mức thấp so với kỳ vọng của các nhà đầu tư. Thực tế, quý 2 năm nay, VinaCapital đã hạ dự báo tăng trưởng của các DN.
Dù vậy, chuyên gia tiếp tục kỳ vọng thời gian tới, các DN sẽ có sự hồi phục so với cùng kỳ khi mức nền năm ngoái rất thấp. Đây sẽ là triển vọng cho thị trường chứng khoán trong quý cuối năm, cùng với các hỗ trợ từ yếu tố như kinh tế vĩ mô ổn định, nền lợi nhuận cùng kỳ ở mức thấp, xu hướng giảm của mặt bằng lãi suất…
Khảo sát DN cũng cho thấy họ có một bức tranh thiếu tự tin về sự hồi phục, nhu cầu... Tuy nhiên, có một sự phân hóa khá rõ ràng về lợi nhuận của DN.
Đơn cử, nhóm dầu khí dự kiến năm 2023 sẽ tăng trưởng dương nhờ sự phục hồi từ nền thấp của năm ngoái. Ngược lại, DN tiêu dùng vẫn gặp khó do nhu cầu phục hồi thấp thể hiện trên doanh thu tăng rất chậm, trong khi họ còn phải đưa ra các chương trình khuyến mại, giảm giá, làm ảnh hưởng tới lợi nhuận.
Sang năm 2024, VinaCapital dự báo triển vọng tăng trưởng lợi nhuận của DN trung bình là 19%. Trong đó, những DN có thể tạo lợi nhuận tốt thuộc lĩnh vực công nghệ và hưởng lợi từ đầu tư công.
Theo chuyên gia, chi phí giải phóng mặt bằng cho đầu tư công cao và tác động tới DN sẽ nhìn thấy rõ ràng ở năm 2024. Đặc biệt, có những công ty lấy thị phần rất tốt dù ngành của họ có sự sụt giảm rất lớn ở trong nước lẫn quốc tế, ví dụ như FPT (Công nghệ), PNJ (Bán lẻ), Gemadept (cảng biển), Kinh Bắc (bất động sản khu công nghiệp).
2 động lực chính thúc đẩy tăng trưởng cho DN
Nói về nền kinh tế, ông Nguyễn Xuân Thành - chuyên gia kinh tế, Trường Chính sách Công và Quản lý Fulbright dự báo chính sách tiền tệ, chỉ ra 2 động lực chính tác động đến tăng trưởng 2 tháng cuối năm và nhìn rộng hơn là năm 2024. Bao gồm:
Thứ nhất , sự tích cực từ xuất khẩu đã phục hồi và tăng trưởng. Kim ngạch xuất khẩu tháng 10 năm nay so với tháng 10 năm ngoái tăng hơn 5,9%. Các nhà xuất khẩu cho biết tồn kho giảm xuống, các đơn hàng đã trở lại, đặc biệt là thị trường Mỹ. Các hãng tàu cũng lạc quan trở lại cho thấy tín hiệu xuất khẩu tốt lên và thông thường tháng 11, tháng 12 sẽ rất tích cực. Hai nền kinh tế có sự sụt giảm xuất khẩu sâu nhất đầu năm nay là Việt Nam và Đài Loan đều cùng phục hồi.
Sang năm 2024, nếu kinh tế Trung Quốc không quá xấu thì có thể tạo động lực xuất khẩu. Dự kiến, tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam đạt từ 5 - 7%.
Thứ hai, giải ngân vốn đầu tư công từ cuối năm nay đến sang năm sau: Tốc độ giải ngân vốn đầu tư công năm nay đã cao hơn năm ngoái và do độ trễ của đầu tư công nên con số 32 tỷ USD sẽ tác động đến kinh tế vào cuối năm nay, đầu năm sau.
Sắp tới, Quốc hội sẽ phê duyệt ngân sách năm 2024. Năm sau sẽ không có Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế nên quy mô đầu tư công sẽ thấp đi, chỉ còn khoảng 29 tỷ USD. Nhưng đây vẫn là một con số lớn.
Bên cạnh đó, hai động lực với nền kinh tế sẽ đến từ xuất khẩu phục hồi, đơn hàng quay trở lại sẽ khiến cho lao động khu công nghiệp sẽ quay trở lại tạo cú hích cho tiêu dùng. Nếu Quốc hội thông qua việc giảm thuế VAT 2% cũng cũng là cú hích tiếp theo cho 6 tháng đầu năm 2024.
Cơ hội luôn tồn tại bất chấp thời buổi VUCA
Với những luận điểm trên, chuyên gia khẳng định luôn có cơ hội trong thời buổi khó khăn. “Ngày nay chúng ta nghe rất nhiều đến các thời kỳ VUCA (biến động, bất định, phức tạp, mơ hồ). Do đó, nhà đầu tư cần chuẩn bị rất kĩ như một doanh nhân, đồng thời cũng cần nhìn nhận rõ là thị trường chứng khoán luôn tồn tại cơ hội”, ông Nguyễn Duy Linh - Tổng Giám đốc CTCP Chứng khoán VPBank – chia sẻ.
Vị này lấy ví dụ, năm 2023 từng được các chuyên gia dự báo rất khó nhưng lại có giai đoạn rất tốt. Ngay cả những năm COVID-19, thị trường chứng khoán cũng có cơ hội. Điều quan trọng nhất là làm gì để tận dụng được cơ hội đó.
Do đó, nếu nhà đầu tư xem thị trường chứng khoán là nơi để vào gặt hái thì rất khó. Ngược lại, sẽ thật xuất sắc nếu chúng ta chọn được thời điểm mua cổ phiếu. Và quan trọng nhà đầu tư phải có các tiêu chí để phân bổ tài sản và cân đối tỷ trọng, cuối cùng là thời điểm bán (bán chốt lời và bán cắt lỗ).
Trên cương vị quản lý quỹ ngoại lớn nhất là Dragon Capital, ông Dominic Scriven bày tỏ sự lạc quan về nền kinh tế, DN cũng như thị trường chứng khoán Việt Nam. Theo ông, Việt Nam là quốc gia có nhiều yếu tố thuận lợi, không chỉ kinh tế mà còn là dân số, địa chính trị. Việt Nam có dân số 104 triệu người, tốc độ tăng trưởng rất tốt trong khi nhiều quốc gia châu Á khác thì hầu hết đang có dân số già.
Mặt khác, Việt Nam còn có lợi thế về vị trí địa chính trị, địa lý về kinh tế. Không có nước nào có kênh đối thoại cùng lúc với các nước lớn gồm: Nga, Mỹ, Trung Quốc, Ấn Độ như Việt Nam.
“Tôi cho rằng, vốn quốc tế đầu tư vào Việt Nam hiện vẫn rất nhỏ. Tại hội nghị của 50 quỹ hưu trí Mỹ mà tôi vừa tham dự mới chỉ có 3 quỹ đầu tư vào Việt Nam. Lý do là họ còn thận trọng và thứ hai là tổng vốn của các quỹ này rất lớn lên tới 500 tỷ USD nên phải phân bổ tại nhiều quốc gia. Với những yếu tố trên, theo tôi các nhà đầu tư nước ngoài không chỉ quan tâm, tìm hiểu mà là phải đầu tư vào Việt Nam ”, ông Dominic Scriven nói.
Nhịp sống thị trường