MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chuyên gia đánh giá ra sao về khả năng nhân rộng phương thức hỗ trợ lao động di cư ở vùng dịch qua tài khoản ngân hàng của Hải Phòng?

Quang cảnh một con đường tại Thành phố Hồ Chí Minh trong bối cảnh thực hiện giãn cách xã hội. Ảnh: AP

Quang cảnh một con đường tại Thành phố Hồ Chí Minh trong bối cảnh thực hiện giãn cách xã hội. Ảnh: AP

"Khi người lao động thực sự khó khăn quá, mà vì quy trình xin hỗ trợ phức tạp khiến họ không tiếp cận được, thì cái giá phải trả không chỉ là nền kinh tế, mà còn là sức khỏe và tính mạng của con người".

Ngày 15/8 vừa qua, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong đã ký văn bản khẩn về việc tiếp tục áp dụng biện pháp giãn cách xã hội toàn thành phố theo tinh thần Chỉ thị số 16 của Thủ tướng từ 0h ngày 16/8. Thời gian kéo dài giãn cách là 1 tháng đến ngày 15/9/2021 trên nguyên tắc "ai ở đâu thì ở đó".

Trong bối cảnh này, việc đảm bảo để người dân rơi vào hoàn cảnh khó khăn, không để ai đói khổ, thiếu ăn, thiếu mặc để phải rời Thành phố sẽ là điều tối quan trọng để đảm bảo người dân, đặc biệt là lao động di cư yên tâm ở lại, đồng thuận, và chấp hành nghiêm túc các biện pháp thực hiện giãn cách xã hội toàn Thành phố.

Đáng chú ý, để góp phần hỗ trợ lao động di cư ở TP Hồ Chí Minh, mới đây, UBND Thành phố Hải Phòng đã ban hành Quyết định 2322/QĐ-UBND về phân bổ kinh phí hỗ trợ cho các hộ gia đình là người Hải Phòng đang sinh sống tại Thành phố Hồ Chí Minh gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Theo đó, tỉnh sẽ trích nguồn kinh phí Ủng hộ công tác phòng, chống dịch Covid-19 (không tính nguồn vận động mua vaccine) để hỗ trợ cho 1.158 hộ gia đình là người Hải Phòng đang sinh sống tại TP Hồ Chí Minh gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, với mức hỗ trợ 2 triệu đồng/hộ, tổng số tiền là 2,316 tỷ đồng, chuyển kinh phí trực tiếp thông qua tài khoản cá nhân tại ngân hàng. Quyết định này đã nhận được sự ủng hộ của đông đảo người dân ngay khi vừa mới được ban hành.

Dưới góc nhìn chuyên gia, bà Đỗ Quỳnh Chi, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Quan hệ lao động nhận định: "Theo quan điểm cá nhân, tôi thấy mô hình của Hải Phòng rất tốt, với hai ưu điểm".

Thứ nhất, bà Chi đánh giá cao quyết định của Hải Phòng khi không muốn đặt người lao động vào tình thế phải chọn lựa giữa về quê hay ở lại, mà họ cung cấp một khoản hỗ trợ nhất định để người lao động có thể tiếp tục ở lại TP Hồ Chí Minh, không buộc phải di chuyển về quê để gây ra những rủi ro lây lan dịch bệnh.

Thứ hai, Hải Phòng đã vận dụng rất tốt các tổ chức xã hội ở địa phương như Hội đồng hương, Mặt trận Tổ quốc... Các tổ chức xã hội tại địa phương đóng vai trò rất quan trọng trong giai đoạn dịch bệnh, vì họ là người gần gũi nhất với người lao động. Hải Phòng đã liên hệ chặt chẽ với các tổ chức xã hội đó để liên hệ được với người lao động Hải Phòng đang sinh sống và làm việc tại TP Hồ Chí Minh để hỗ trợ.

Tuy nhiên, nếu để trả lời cho câu hỏi, mô hình này có thể nhân rộng được không, thì theo bà Đỗ Quỳnh Chi, câu trả lời là không thể nhân rộng một cách cứng nhắc.

Chuyên gia này lập luận, phải nói rằng, Hải Phòng là một thành phố lớn và họ có ngân sách để có thể thực hiện việc hỗ trợ này. Nếu là các địa phương khác, có nhiều người dân di cư và làm việc tại TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam, nhưng nguồn ngân sách khó khăn hơn thì rất khó để họ có thể xuất ngân sách hỗ trợ người dân di cư như Hải Phòng.

"Chúng tôi đã có thực hiện nghiên cứu về mức lương đủ sống tại khu vực 1, như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng... Theo đó, chi phí ăn uống đảm bảo dinh dưỡng tối thiểu cho một hộ gia đình 4 người (2 người lớn, 2 trẻ em) trong điều kiện bình thường năm 2020 khoảng 120-200 nghìn/hộ/ngày. Như vậy nếu hỗ trợ khoảng 2 triệu đồng, thì một hộ gia đình 4 người trong điều kiện bình thường có thể sống từ 10-15 ngày. Song, hiện nay giá cả hàng hóa ở TP Hồ Chí Minh lên rất cao, đặc biệt là các mặt hàng rau, củ, quả… Do vậy khó có thể khẳng định 2 triệu đồng hỗ trợ đó có thể duy trì mức sống cho 1 hộ gia đình trong 10-15 ngày như trong điều kiện bình thường hay không, vì chưa tính đến các chi phí khác như tiền thuê nhà, chi phí y tế trong điều kiện gia đình có con nhỏ…" - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Quan hệ lao động cho biết thêm.

Do đó, nếu để duy trì hết 1 tháng giãn cách, thì theo chuyên gia này, vẫn cần có phương án rốt ráo hơn, là sự điều phối của nhà nước. Bà Chi cũng chỉ ra, những gói hỗ trợ thông qua hình thức trực tuyến, nhiều quốc gia trên thế giới đã áp dụng. 

Bà lấy ví dụ, như gói hỗ trợ của Đức rất toàn diện, bao phủ nhiều nhóm đối tượng khác nhau và việc thực thi cũng diễn ra rất nhanh, chỉ cần lên website cung cấp thông tin đầy đủ: họ tên, địa chỉ, số tài khoản ngân hàng…là lập tức có tiền gửi hỗ trợ về tài khoản. Đảm bảo mức sống tối thiểu là điều kiện quan trọng để người lao động thực hiện nghiêm túc việc giãn cách, giúp giảm dịch nhanh.

Và một khi dịch được kiểm soát, nền kinh tế Đức có thể phục hồi rất nhanh chóng. Bởi người lao động không bị kiệt quệ, họ vẫn duy trì được mức sống tối thiểu, nên khi hết giãn cách, ngay lập tức họ có thể trở lại làm việc.

"Đó là mô hình chúng ta có thể học hỏi, phát tiền cho người lao động khó khăn tại vùng dịch và hỗ trợ bằng việc đăng ký online tên, tuổi, công việc, địa chỉ rõ ràng, cùng với tài khoản ngân hàng. Đối với người lao động tự do không có tài khoản ngân hàng có thể sử dụng sự hỗ trợ từ chính quyền địa phương" - chuyên gia này nói.

"Tất nhiên, sẽ có câu hỏi đặt ra, là có rủi ro hỗ trợ nhầm cho những đối tượng "khai man", không trung thực thì sao? Thực ra, tỷ lệ đối tượng khai man vẫn có, tuy nhiên sẽ không đáng kể so với những người lao động thực sự có nhu cầu. Khi người lao động thực sự khó khăn quá, mà vì quy trình xin hỗ trợ phức tạp khiến họ không tiếp cận được, thì cái giá phải trả không chỉ là nền kinh tế, mà còn là sức khỏe và tính mạng của con người".

Hoàng An

Nhịp sống kinh tế

Trở lên trên