Chuyên gia Dragon Capital: Cổ phiếu là kênh đầu tư tốt nhất kể cả trong môi trường lạm phát hay xung đột địa chính trị
Dù bị tác động bởi căng thẳng địa chính trị và lạm phát, song bà Đặng Nguyệt Minh đánh giá thị trường chứng khoán vẫn còn nhiều dư địa tăng trưởng trong năm 2022.
Lạm phát vẫn trong tầm kiểm soát
Từ đầu năm, thị trường chứng kiến nhiều biến động, từ lo ngại FED tăng lãi suất đến nguy cơ lạm phát gia tăng khi giá cả hàng hoá leo thang. Trong bối cảnh đó, nhà đầu tư băn khoăn chiến lược đầu tư thế nào để giảm thiểu rủi ro. Liệu trong thế khó có ló cái hay và cơ hội đầu tư nào có thể sinh lời tốt nhất?
Tại buổi tọa đàm "Đầu tư trong bối cảnh lạm phát và căng thẳng địa chính trị", chuyên gia, phụ trách Khối Nghiên cứu, Dragon Capital Việt Nam, bà Đặng Nguyệt Minh cho biết, xung đột giữa Nga - Ukraine đã gây ra nhiều tác động lên hệ thống tài chính, chuỗi cung ứng toàn cầu do hệ quả của các biện pháp trừng phạt. Điều này khiến cho giá cả hàng hóa tăng vọt, trong bối cảnh toàn cầu, Việt Nam khó có thể tránh khỏi những tác động tiêu cực do độ mở của nền kinh tế của Việt Nam rất cao.
Bên cạnh đó, bà Minh cho rằng tác động lớn nhất lên lạm phát ở mặt giá cả hàng hóa tại Việt Nam chính là giá xăng dầu. Bà cũng đưa ra ba kịch bản giá dầu trung bình cả năm tác động tới lạm phát 2022. Cụ thể, nếu giá dầu trung bình cả năm ở mức 95 - 130 USD/thùng thì lạm phát của Việt Nam sẽ giao động từ 3,7 - 5,3%. Còn trong kịch bản cơ sở, Dragon Capital dự báo lạm phát sẽ ở mức 4,2% khi giá dầu trung bình ở mức 110 USD/thùng.
Mặt khác, nếu so sánh mức độ lạm phát ở thời điểm hiện tại với thời điểm năm 2011, đại diện Dragon Capital cho rằng mức độ rủi ro thấp hơn rất nhiều. Cụ thể, năm 2011, tất cả các loại hàng hóa đều tăng mạnh, đặc biệt là gạo và thịt heo - hai yếu tố rất quan trọng đối với kinh tế Việt Nam, trong khi hiện nay giá cả hai mặt hàng này đều khá ổn định.
Chuyên gia cũng nhấn mạnh thời điểm năm 2011, Việt Nam đối mặt với rất nhiều khó khăn. Tuy nhiên chính sách tiền tệ của Việt Nam đã tương đối thận trọng trong 5 năm vừa qua. Do đó, Việt Nam hiện tại không phải đối mặt với rủi ro từ chính sách tiền tệ cũng như chính sách tài khóa.
"Nhìn chung, áp lực lạm phát là có tăng nhưng vẫn có thể kiểm soát được", chuyên gia Dragon Capital nhận định.
Định giá thị trường đang ở mức hấp dẫn
Dù bị tác động bởi căng thẳng địa chính trị và lạm phát, song bà Đặng Nguyệt Minh đánh giá thị trường chứng khoán vẫn còn nhiều dư địa tăng trưởng trong năm 2022. Theo dự báo của Dragon Capital, top 60 công ty lớn nhất có thể đạt mức tăng trưởng lợi nhuận 22%, P/E kỳ vọng ở mức 12 lần trong năm 2022. Mức định giá này khá hấp dẫn so với mức nền tăng trưởng cao trong năm 2021.
Bên cạnh mức tăng trưởng lợi nhuận khả quan, đại diện Dragon Capital cũng cho rằng định giá của chứng khoán Việt Nam đang ở mức hấp dẫn. Sau một năm tăng trưởng mạnh mẽ, nhiều nhà đầu tư thường băn khoăn thị trường đang có mức định giá đắt. Trên thực tế, mặc dù VN-Index đang giao dịch ở mức cao hơn 20% so với PE trung bình trung bình 10 năm qua, song nếu so sánh với 5 năm gần nhất thì thị trường đang rẻ hơn 15%.
"Điểm then chốt là thị trường đang chứng khoán Việt Nam đang có sự phát triển mạnh mẽ cả chiều sâu lẫn chiều rộng. Do đó, thay vì so sánh với quá khứ thì cần hướng tới tương lai, so với mối tương quan với các quốc gia trong khu vực. Và thực tế thị trường Việt nma vẫn là điểm đến hấp dẫn trong khu vực", bà Đặng Nguyệt Minh cho biết.
Nhận định về chu kỳ chung của thị trường, vị chuyên gia nhận định chứng khoán Việt Nam có sự khác biệt so với các thị trường khác. Nếu chứng khoán Mỹ đang chịu áp lực bởi chính sách tăng lãi suất và lạm phát tăng cao thì chứng khoán Việt Nam vẫn đang duy trì ở chu kỳ phục hồi với mức lãi suất ổn định.
Do đó, vị chuyên gia cho rằng cổ phiếu loại tài sản hưởng lợi nhất ở thời điểm hiện tại. Đặc biệt, kể cả trong môi trường lạm phát xung đột thì đây vẫn là kênh sinh lời tốt nhất, bởi khi chúng ta đang bàn về những rủi ro thì các doanh nghiệp ngoài kia vẫn đang tìm kiếm cơ hội tăng trưởng.