MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chuyên gia Đức: Biến thể Omicron có thể là tin tốt!

30-11-2021 - 10:42 AM | Tài chính quốc tế

Chuyên gia Đức: Biến thể Omicron có thể là tin tốt!

Giáo sư Karl Lauterbach, chuyên gia về dịch tễ học Đức, cho rằng biến thể Omicron có thể là một “món quà Giáng sinh”, có thể khiến đại dịch Covid-19 kết thúc sớm hơn.

Giáo sư Karl Lauterbach, người đang tranh cử chức bộ trưởng y tế tiếp theo của Đức, hôm 29-11 cho biết đó có thể là diễn biến tích cực nếu biến thể mới Omicron gây ra bệnh nhẹ hơn.

Ông Karl Lauterbach gợi ý rằng Omicron có rất nhiều đột biến (Omicron có tới 32 đột biến ở protein gai, con số này nhiều gấp đôi so với biến thể Delta) có nghĩa là nó có thể được tối ưu hóa để lây nhiễm nhưng ít gây bệnh nghiêm trọng hơn.

Ông Karl Lauterbach đưa ra kiến giải trên khi các chuyên gia ở Nam Phi khẳng định Omicron gây ra các triệu chứng Covid-19 nhẹ hơn so với các biến thể trước đó.

Chuyên gia Đức: Biến thể Omicron có thể là tin tốt! - Ảnh 1.

Giáo sư Karl Lauterbach cho rằng biến thể Omicron có thể khiến đại dịch Covid-19 kết thúc sớm hơn. Ảnh: ZDF Heute

Các chuyên gia y tế ở Nam Phi cho biết biến thể Omicron gây ra các triệu chứng nhẹ so với nhiều biến thể trước đây, chẳng hạn như đau đầu, đau cơ và mệt mỏi, và chưa ghi nhận trường hợp nào nhập viện hoặc tử vong.

Bác sĩ Angelique Coetzee, chủ tịch Hiệp hội Y tế Nam Phi, cho biết 7 người mà bà điều trị rất mệt mỏi, đau cơ nhẹ, ngứa cổ họng và ho khan. Bác sĩ Coetzee cho biết những người bị nhiễm hồi phục tốt tại nhà và khỏe hơn trong vòng 2-3 ngày. Không ai bị mất vị giác, khướu giác hay giảm mạnh nồng độ oxy trong máu.

Hầu hết các ca nhiễm biến thể Omicron cho đến nay là ở những người trẻ tuổi. Do đó, các chuyên gia cho rằng các triệu chứng và mức độ nghiêm trọng của chúng có thể khác nhau khi Omicron lây lan sang các nhóm tuổi cao hơn, mắc bệnh mãn tính.

Chuyên gia Đức: Biến thể Omicron có thể là tin tốt! - Ảnh 2.

Hành khách chờ lên máy bay tại sân bay ở Johannesburg, Nam Phi. Ảnh: AP

Giáo sư Paul Hunter, chuyên gia bệnh truyền nhiễm tại Trường ĐH East Anglia, nhận xét lý thuyết của ông Karl Lauterbach có thể đúng và cho rằng việc tiêm phòng giúp chống lại biến thể Omicron.

Tương tự, Giáo sư Abdool Karim, người từng là cố vấn chính của chính phủ Nam Phi trong đợt đại dịch đầu tiên, cho biết ông tin rằng vắc-xin sẽ bảo vệ con người trước các triệu chứng nghiêm trọng.

Tuy nhiên, các chuyên gia nói rằng họ cần ít nhất 2 tuần để xác định tác động của biến thể Omicron. Các nhà khoa học cũng cần ít nhất 2 tuần để tìm hiểu xem liệu những đột biến đáng lo ngại của Omicron có thể khiến chủng này lây nhiễm mạnh hơn biến thể Delta hay không, cũng như có khả năng kháng vắc-xin hay không.

Theo Daily Mail, các nhà khoa học từ lâu đã cảnh báo rằng virus corona khó có thể bị tiêu diệt mà thay vào đó sẽ chuyển thành một loại virus gây cảm lạnh.

Tổng thống Mỹ Joe Biden kêu gọi người Mỹ không nên hoảng sợ vì biến thể Omicron, cho biết chính phủ đang chuẩn bị kế hoạch dự phòng. Ông Biden nói tại Nhà Trắng hôm 29-11: "Biến thể này gây lo ngại nhưng không phải lý do gây hoảng loạn. Chúng ta sẽ chiến đấu và đánh bại nó".

Tổng thống Biden khẳng định sẽ không tái áp đặt các biện pháp phong tỏa để đối phó Omicron. Ông Biden cho rằng Omicron xâm nhập Mỹ là điều không thể tránh khỏi. Do đó, ông hối thúc người dân Mỹ tiêm vắc-xin Covid-19 và liều tăng cường, cũng như duy trì đeo khẩu trang.

Ông Biden tin rằng các loại vắc-xin hiện nay vẫn bảo đảm khả năng ngăn biến chứng nặng nhưng giới chức Mỹ cũng đang phối hợp với các tập đoàn dược phẩm để lên kế hoạch dự phòng.

Trong khi đó, Thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki cho rằng người dân Mỹ không cần thay đổi lịch trình đi lại trong kỳ nghỉ cuối năm nếu đã tiêm chủng và thường xuyên đeo khẩu trang.

Theo Huệ Bình

Người Lao động

Trở lên trên