Chuyên gia: Gói hỗ trợ 120.000 tỷ đồng không "giải cứu" quá mạnh cho doanh nghiệp BĐS
Về bản chất, các doanh nghiệp phải dự báo được công tác thị trường, tình hình và chu kỳ nền kinh tế để định hướng tốt hơn cho hoạt động sản xuất kinh doanh của chính mình.
Sức nóng từ thị trường bất động sản vẫn đang là tâm điểm, đặc biệt là sau hội nghị toàn ngành do Thủ tướng chủ trì mới đây. Các thông tin liên quan tới gói 120.000 tỷ đồng cho vay nhà ở xã hội, hay nới lỏng các quy định cho thị trường trái phiếu, đang thu hút sự quan tâm của thị trường.
Việc sửa đổi Nghị định 65 không thay đổi hoàn toàn cục diện trên thị trường
Chia sẻ tại chương trình Khớp lệnh, ông Ngô Minh Đức, Giám đốc Công ty LCTV Investment cho rằng việc giải quyết nhu cầu nhà ở xã hội cấp thiết hơn tập trung vào phân khúc cao cấp cho giới siêu giầu.
Những gói hỗ trợ lãi suất cũng như định hướng dòng tiền của nhà đầu tư BĐS vào phân khúc nhà ở xã hội hoặc nhà ở dành cho người có thu nhập trung bình là những phân khúc có nhu cầu thực.
“Chúng ta nên chú trọng vào phần lớn nhu cầu của người dân về nhà ở cấp thiết. Rõ ràng những gói hỗ trợ này khơi thông dòng tiền, nhiều cổ phiếu bất động sản có dự án nhà ở xã hội đã phản ứng và lan toả khá tích cực”, ông Đức đưa ra nhận định.
Theo quan điểm của vị chuyên gia LCTV Investment, việc sửa đổi Nghị định 65 không thay đổi hoàn toàn cục diện trên thị trường mà chỉ giúp các doanh nghiệp có thêm khoảng thời gian nhất định trong việc cơ cấu dòng tiền. Trước đây, trái phiếu bất động sản hoặc trái phiếu doanh nghiệp phát hành và sử dụng sai mục đích buộc phải mua lại. Hiện tại, dự thảo sửa đổi có thể kéo giãn thời hạn trả nợ thêm 2 năm tới đầu năm 2024. Nhờ đó, các "ông chủ" có thêm thời gian để thu xếp nguồn vốn giải tỏa áp lực trong ngắn hạn. Đồng thời, dự thảo cũng cho phép đàm phán với trái chủ thay vì trả bằng tiền có thể trả bằng hiện vật giúp áp lực trả nợ cũng giảm xuống.
Tuy nhiên, về bản chất, ông Đức cho rằng các doanh nghiệp vẫn phải dự báo được công tác thị trường, tình hình và chu kỳ nền kinh tế để có thể định hướng tốt hơn cho hoạt động sản xuất kinh doanh của chính mình.
Gói hỗ trợ 120.000 tỷ đồng không "giải cứu" quá mạnh mẽ cho doanh nghiệp BĐS
Về đề xuất gói hỗ trợ 120.000 tỷ đồng cho nhà ở xã hội của Ngân hàng nhà nước, ông Phan Linh, Sáng lập Take Profit đánh giá thông tin này mang tính hỗ trợ nhiều cho người dân có thu nhập thấp, và không mang ý nghĩa nhiều đối với các doanh nghiệp BĐS. Bởi doanh thu hay lợi nhuận chủ yếu của các doanh nghiệp này đến từ những phân khúc cao hơn. Hơn nữa, chính sách hiện nay cũng chỉ mới là đề xuất và những gói hỗ trợ không phải để giải cứu hay hỗ trợ quá mạnh mẽ cho nhóm cổ phiếu bất động sản.
Theo góc nhìn của ông Phan Linh, xu hướng lãi suất trong ngắn hạn của FED vẫn là thắt chặt, thậm chí chính sách tiền tệ chắt chặt khả năng vẫn còn kéo dài đến hết năm 2023. Dù lạm phát Mỹ đã có dấu hiệu hạ nhiệt, song không được như kỳ vọng. Vị chuyên gia cho rằng nguyên nhân chính từ chi phí giá dịch vụ, chủ yếu từ chi phí lương thưởng vẫn là một gánh nặng tới lạm phát Mỹ.
Tại Việt Nam, lãi suất liên ngân hàng và trái phiếu chính phủ đang có xu hướng hạ nhiệt giúp thanh khoản hệ thống có sự cải thiện nhất định. Ông Linh chia sẻ rằng đang tồn tại một sự lệch pha trong chính sách của Mỹ và Việt Nam nên Ngân hàng nhà nước sẽ khó tung gói kích thích hỗ trợ doanh nghiệp và nền kinh tế. Lệch pha kéo dài sẽ gây nên áp lực tỷ giá, điển hình tỷ giá USD/VND thời gian gần đây cho nhiều dấu hiệu tăng mạnh trở lại lên tới 24.000 đồng.
Nếu đi ngược chính sách của FED, hiện tượng nước ngoài rút ròng ra khỏi thị trường chứng khoán Việt Nam qua các kênh đầu tư có thể xảy ra, thậm chí rút ròng trên cả thị trường chứng khoán.
Thực tế, trong tuần trước, khối ngoại đã quay trở lại bán ròng và là tuần đầu tiên ghi nhận bán ròng trong hơn 3 tháng trở lại đây. Đà giảm mua và quay xe nhanh chóng của khối ngoại được vị chuyên gia Take Profit đưa ra 2 nguyên nhân chính.
Thứ nhất, định giá thị trường hiện tại không còn quá hấp dẫn so với giai đoạn trước đó nên đà mua ròng chững lại.
Thứ hai, chênh lệch giữa lãi suất USD và VND đang ở mức khá thấp và có lúc âm. Đây cũng là nguyên nhân khiến dòng vốn ngoại có xu hướng rút ròng nếu duy trì chênh lệch trong một thời gian dài.
VN-Index sẽ dao động trong nhịp phục hồi 1.035-1.082 điểm
Đánh giá về những vận động tiếp theo, ông Ngô Minh Đức dự báo VN-Index sẽ dao động trong nhịp phục hồi 1.035-1.082, cao nhất là 1.100 điểm tại tuần giao dịch 20-24/2. Về trung hạn, chỉ số sẽ chưa thể thoát ra khỏi xu hướng Sideway và tích lũy tại vùng giá 1.050 – 1.100 điểm cho đến tháng 6/2023. Đặc biệt, ông Đức nhấn mạnh rằng nửa đầu năm sẽ là giai đoạn bản lề của các nhà đầu tư chứng khoán trên thị trường.
"Thị trường đang ở giai đoạn đi ngang, qua tháng 10 năm nay sẽ bước vào giai đoạn "take off". Nền kinh tế "ngấm đòn" lãi suất cao cho tới năm 2024, khi đó, Fed không còn duy trì lãi suất 5-5,1% và lạm phát giảm về mức mục tiêu 2%. Nhiều khả năng Fed sẽ có động thái đảo chiều chính sách và giảm lãi suất. Thời điểm đó mới là giai đoạn đầu tư vào cổ phiếu", ông Đức cho hay.
ảnh chụp màn hình tại chương trình Khớp lệnh
Nhịp sống thị trường