Chuyên gia hé lộ phương pháp khoa học dự báo trước thị trường chứng khoán Việt Nam
Phạm Công Minh, CFA: “Chúng tôi đã chỉ ra được ảnh hưởng của tâm lý nhà đầu tư thể hiện qua số lượt tìm kiếm Google dự báo được một phần xu hướng của thị trường chứng khoán Việt Nam trong gần 10 năm qua.”
Hành vi tìm kiếm trên Google dự báo xu hướng tăng giảm của thị trường chứng khoán Việt Nam
Ngày 30/11, một nhóm nghiên cứu lần đầu tiên công bố kết quả chỉ số cảm xúc (sentiment index) của thị trường Việt Nam và mối quan hệ của chỉ số này với diễn biến thị trường chứng khoán. Chỉ số này được đo dựa trên dữ liệu về số lượt tìm kiếm các từ khóa thuộc lĩnh vực kinh tế tài chính trên hệ thống của Google, cụ thể là Google Trends. Kết quả quan trọng mà nghiên cứu đã chỉ ra là việc sử dụng chỉ số cảm xúc có ý nghĩa trong công tác dự báo xu hướng của thị trường trong 2 ngày tiếp theo.
Thời gian kiểm định của nghiên cứu kéo dài xuyên suốt từ năm 2011 đến tháng 6 năm 2018 với dữ liệu đánh giá cảm xúc theo từng ngày. Các tác giả cho rằng khi người sử dụng nói chung, nhà đầu tư nói riêng thực hiện tìm kiếm trên Google, một cách gián tiếp, họ đã thể hiện sắc thái tâm lý của mình đối với xu hướng thị trường trong các ngày tới. Và quan trọng hơn, dù là bi quan hay lạc quan, họ đều “google” trước khi hành động. Đây chính là một trong những cơ sở để nhóm nghiên cứu sử dụng chỉ số này nhằm dự báo xu hướng thị trường.
Các từ khóa thể hiện cảm xúc trong mối quan hệ với diễn biến thị trường
Một diễn biến tâm lý chung là khi danh mục đầu tư của một nhà đầu tư đang ở trạng thái lãi, xu hướng nhà đầu tư này sẽ cảm thấy “lười biếng hơn” để nghiên cứu, đánh giá về tình hình kinh tế vĩ mô. Hãy hình dung, khi chiến tranh thương mại Mỹ - Trung đẩy lên những nấc thang căng thẳng, lượng tìm kiếm về những từ khóa quan tâm đến tình hình kinh tế vĩ mô, tỷ giá, lạm phát của Việt Nam sẽ tăng đột biến, thể hiện sự lo ngại, hoặc mong muốn tìm hiểu về triển vọng đầu tư trong thời gian tới, nhà đầu tư lúc này trở nên “chăm chỉ hơn”.
Cụ thể trong nghiên cứu trên, khi lượng tìm kiếm trên Google của các từ khóa như “nợ công”, “kiềm chế lạm phát”, “tro cap that nghiep” tăng cao thì các kết quả thống kê từ nghiên cứu cho thấy có sự giảm điểm của thị trường chứng khoán (Vnindex, HnxIndex) trong ngày đó và ngày liền sau. Tuy nhiên, nghiên cứu cũng cho thấy thị trường điều chỉnh hồi phục lại một phần sau 2 ngày giảm điểm. Điều này có thể hiểu được dễ dàng nếu ta cho rằng nhà đầu tư bình tĩnh hơn sau hành vi phản ứng thái quá mà xuất phát điểm là trạng thái bi quan hai ngày trước đó.
Các tác giả cho thấy các từ khóa mang nghĩa tích cực như “tai san tai chinh”, “dau tu chung khoan”, “công ty chứng khoán”, chỉ có khả năng dự báo diễn biến đảo chiều tích cực của thị trường trong khi vai trò của nó trong dự đoán những thay đổi của thị trường trong cùng ngày giao dịch là không rõ ràng. Về tổng quan, nghiên cứu đã chỉ ra rằng cả 2 nhóm từ khóa tìm kiếm (tích cực và tiêu cực) về lĩnh vực kinh tế tài chính đều có mối quan hệ với diễn biến của thị trường chứng khoán Việt Nam.
Nguồn: Search-based Sentiment and Stock Market Reactions: An Empirical Evidence in Vietnam - Journal of Asian Finance, Economics and Business.
Không nhầm lẫn ảnh hưởng của lượng tìm kiếm Google với các yếu tố khác
Thị trường chứng khoán tăng giảm trong một ngày vì nhiều yếu tố tác động, vậy điều gì đảm bảo thị trường tăng giảm thực sự là do nguyên nhân đến từ tâm lý của nhà đầu tư (thể hiện qua hành vi tìm kiếm trên Google)? Câu hỏi này được các tác giả giải đáp bằng việc kiểm soát cả những yếu tố có thể gây nhầm lẫn khi xem xét ảnh hưởng của chúng đến thị trường chứng khoán như: thanh khoản giao dịch, yếu tố ngày lễ, các thời điểm thị trường tăng giảm nóng, diễn biến vĩ mô và kinh doanh nói chung hay độ biến động chung của thị trường.
Hay nói cách khác, dù có những biến động của thị trường xuất phát từ quan điểm thị trường tăng giảm trước hoặc sau các kỳ nghỉ lễ lớn, hay những thời điểm thị trường có những thông tin vĩ mô ảnh hưởng tích cực hoặc tiêu cực kéo dài thì nhà đầu tư cũng không nên bỏ qua ảnh hưởng của tâm lý thị trường xuất phát từ hành vi tìm kiếm trên Google.
Biểu đồ minh họa về Sentiment Index: Trong 1 năm, chúng ta sẽ ít thấy chuỗi những ngày liên tiếp tăng lượng tìm kiếm trên Google giống như giai đoạn giảm điểm của VNIndex vào tháng 11/2018.
Ông Phạm Công Minh, CFA - Chủ tịch CTCP tư vấn Kapital AMC - thành viên nhóm nghiên cứu cho biết: “Bên cạnh những yếu tố cơ bản, chúng tôi luôn mong muốn tìm kiếm và lượng hóa những yếu tố mang tính cảm xúc thị trường. Thị trường có thay đổi như thế nào thì những yếu tố này cũng không mất đi; và tiêu chí làm việc của chúng tôi cũng rất đơn giản, chúng tôi muốn giúp nhà đầu tư quyết định đúng nhiều hơn sai. Việc tìm ra ảnh hưởng của chỉ số Sentiment Index tới VnIndex có ý nghĩa lớn, giúp nhà đầu tư hoàn thiện hơn các tiêu chí ra quyết định đầu tư, đặc biệt là trong giai đoạn thị trường phái sinh đang dần thu hút được nhiều nhà đầu tư hơn.”.