MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chuyên gia ‘hiến kế’ để phiên đấu thầu vàng thành công

25-04-2024 - 14:09 PM | Tài chính - ngân hàng

Giá vàng vẫn tăng - giảm bất thường khiến nhiều đơn vị kinh doanh vàng không dám bỏ thầu trong khi giá cọc cao. Điều này khiến mục tiêu hạ nhiệt giá vàng của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) bằng đấu thầu khá khó khăn. PGS.TS Ngô Trí Long, chuyên gia kinh tế đã trả lời phóng viên báo Tin tức xung quanh vấn đề này.

  • Việc độc quyền cho SJC làm thương hiệu vàng quốc gia dẫn đến thiếu sự bình đẳng giữa các doanh nghiệp trong hoạt động kinh doanh vàng miếng. Cụ thể, người dân phải bán vàng miếng các thương hiệu vàng khác mà họ đã mua nắm giữ từ bao lâu với giá rẻ hơn vàng SJC, mặc dù chất lượng như nhau
  • “Việc đầu tư tài chính hiện nay càng phải thận trọng hơn bao giờ hết. Nhà đầu tư chưa am hiểu chứng khoán, còn trái phiếu doanh nghiệp chỉ dành cho nhà đầu tư chuyên nghiệp, bất động sản đóng băng; nếu lựa chọn an toàn, nhà đầu tư có thể chọn gửi tiết kiệm ngân hàng

Thưa ông, sáng ngày 25/4, NHNN tiếp tục tổ chức phiên đấu thầu lần 2 năm 2024 với tổng khối lượng vàng miếng là 16.800 lượng. Để rút ngắn khoảng cách giá vàng trong nước và vàng quốc tế, theo ông, các điều kiện tham gia thầu của NHNN cần được chỉnh sửa ra sao để các phiên đấu thầu vàng sắp tới được diễn ra thành công hơn?

Kết thúc phiên đấu thầu vàng đầu tiên của NHNN trong năm 2024, chỉ có 2 đơn vị trúng thầu với tổng khối lượng trúng thầu là 34 lô (3.400 lượng vàng). Đây là các tổ chức tín dụng (TCTD) và doanh nghiệp đã thiết lập quan hệ giao dịch mua, bán vàng miếng với NHNN.

Chuyên gia ‘hiến kế’ để phiên đấu thầu vàng thành công- Ảnh 1.

PGS.TS Ngô Trí Long, chuyên gia kinh tế. Ảnh: NB

Từ kết quả phiên đấu thầu vàng ngày 23/4 đạt thấp, không như mong muốn, tôi thấy rằng điều kiện tham gia đấu thầu với khối lượng đấu thầu tối thiểu một thành viên được phép đặt thầu là 14 lô, tương đương 1.400 lượng là quá cao.

Theo thời giá thị trường, giá vàng SJC là 81 triệu đồng/lượng, tương đương số vốn bỏ ra khoảng 100 tỷ đồng. Hiện Việt Nam có 38 đơn vị kinh doanh vàng, theo tôi, rất ít doanh nghiệp có đủ tiềm lực với số tiền đó bỏ ra để đấu thầu. Điều này chỉ có các ngân hàng thương mại (NHTM) có đủ nguồn  lực về tài chính tham gia. Như vậy, điều kiện tham gia chưa công bằng, bình đẳng với các doanh nghiệp vừa và nhỏ, chỉ có lợi cho các NHTM.

Điểm mới phiên đấu thầu vàng lần 2 của năm 2024, NHNN không đưa ra mức giá tham chiếu để tính giá trị đặt cọc như lần đấu thầu ngày 23/4. Còn với phiên đầu tiên, tôi thấy rằng, NHNN chưa tuân thủ đúng nguyên tắc đấu thầu. Giá đăt cọc, tham chiếu là 80,6 triệu đồng/lượng, nhưng trước khi đấu thầu lại nâng giá sàn (tối thiểu) lên 81,3 triệu đồng/lượng.

Trong thời điểm ngày 23/4, giá vàng thế giới lại giảm 30 USD/ounce, nên giá vàng trong nước tại thời điểm mở thầu 80,6 triệu đồng/lượng. Từ đây có một số vấn đề cần xem xét: Vô tình NHNN lại “công nhận” giá thị trường vàng SJC là 81,3 triệu đồng/lượng, không đúng mục tiêu kéo giá vàng trong nước sát với giá vàng thế giới. Như vậy, nếu đơn vị trúng thầu giá phải cao hơn giá sàn thì có rủi ro lớn và sẽ bị lỗ.

Chưa kể, sau khi trúng thầu, lượng vàng phải sau 2 ngày mới được giao thì lúc đó không biết giá vàng sẽ như thế nào? Doanh nghiệp trúng thầu phải ôm trạng thái trong 2 ngày mà vẫn phải thanh toán trong ngày hơn 100 tỷ đồng. Về nguyên tắc kinh doanh, doanh nghiệp kinh doanh vàng không đầu cơ mà mua được bao nhiêu phải bán ra bấy nhiêu để an toàn vốn vì biến động của giá vàng rất phức tạp, khó lường nên đầu cơ vàng rất rủi ro. Trong khi khối lượng lớn như yêu cầu đặt thầu của NHNN phải tối thiểu 14 lô, tức 1.400 lượng.

NHNN cần xem xét sửa đổi điều kiện yêu cầu mua tối thiểu còn khoảng 500 lượng vàng, sẽ thu hút nhiều đơn vị tham gia bỏ thầu hơn.

Theo quy định của NHNN: “Trong trường hợp NHNN không mua được vàng từ thị trường quốc tế do đối tác không đủ cung vàng theo nhu cầu của NHNN, NHNN quyết định hủy kết quả thầu”. Trong lúc đó, doanh nghiệp trúng thầu, họ có một phần vàng sau khi mua được từ NHNN thì họ đã bán và không có vàng từ đấu thầu thì sẽ bị lỗ nặng.

Như vậy, tất cả những nguyên tắc đấu thầu, yếu tố kỹ thuật (hay gọi là điều kiện tham gia thầu) làm cho doanh nghiệp vừa và nhỏ khó có thể tham gia thầu. Chỉ có doanh nghiệp hay TCTD nhiều vốn chấp nhận rủi ro mới dám tham gia thầu. Đối với Việt Nam, doanh nghiệp vừa và nhỏ chiếm gần 90%. Bản chất đấu thầu là hình thức cạnh tranh, càng nhiều đối tượng tham gia, tính cạnh tranh càng cao, đấu thầu càng có hiệu quả.

Mục tiêu của đấu thầu vàng là để tăng nguồn cung vàng cho thị trường, giảm chênh lệch giá vàng SJC với giá thế giới nhưng sau khi đấu thầu xong, giá vàng SJC vẫn có thời điểm tăng thêm gần 2 triệu đồng/lượng, nới rộng chênh lệch trước và sau thầu từ 10 triệu đồng - 12 triệu đồng/lượng, kết quả phiên trúng thầu lần 1 năm 2024 của NHNN chỉ đạt 20% lượng vàng đấu thầu .

Ông đánh giá như thế nào về diễn biến giá vàng bất thường trong thời gian qua?

Từ cuối năm 2023, giá vàng thế giới đã biến động mạnh, vì giới đầu tư dự báo kinh tế thế giới sẽ có suy thoái năm 2024. Vàng cũng phản ứng ngược với giá trị đồng USD, thị trường đang kỳ vọng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ giảm lãi suất năm 2024.

Bất kỳ một rủi ro địa chính trị nào xảy ra lúc này sẽ kéo sự tăng vọt của vàng; cuộc xung đột tại Dải Gaza và cuộc xung đột giữa Ukraine và Nga chưa có nhiều dấu hiệu hạ nhiệt. Sự hỗ trợ quan trọng khác cho việc tăng giá vàng, đó là việc các Ngân hàng Trung ương trên thế giới đang tích cực gia tăng mua vào. Trước đà tăng của giá vàng quốc tế, giá vàng miếng SJC trong nước diễn biến tăng theo một cách bất thường. Mức chênh lệch giữa giá vàng miếng trong nước với giá vàng thế giới rất cao, có thời điểm gần 20 triệu đồng/lượng.

Nguyên nhân của chênh lệch đó là: Do quan hệ cung - cầu, khi sức cầu tăng, nguồn cung hạn chế đẩy giá vàng lên cao; giới đầu tư cho rằng, giá vàng tăng mạnh đang tạo ra một lực hấp dẫn trong các kênh đầu tư, nhất là trong thời điểm hiện nay, lãi suất tiết kiệm của ngân hàng hay đầu tư chứng khoán, bất động sản không còn hấp dẫn, dòng tiền tìm đến những kênh đầu tư mang tính chất phòng thủ như vàng nên người dân có xu hướng mua vàng để đảm bảo giá trị tài sản.

Việc độc quyền cho SJC làm thương hiệu vàng quốc gia dẫn đến thiếu sự bình đẳng giữa các doanh nghiệp trong hoạt động kinh doanh vàng miếng, gây thiếu nguồn cung, làm cho thị trường bị đẩy nóng lên, gây bất lợi cho người tiêu dùng và nền kinh tế.

Trước những biến động phức tạp, khó lường của thị trường vàng trong nước và thế giới, Thủ tướng Chính phủ đã có công điện và nhiều văn bản yêu cầu NHNN thực hiện ngay các giải pháp theo quy định để bình ổn thị trường vàng.

Đó là, khẩn trương có giải pháp hiệu quả để quản lý, điều hành giá vàng theo nguyên tắc thị trường, không để tình trạng chênh lệch giữa giá vàng miếng trong nước và vàng quốc tế ở mức cao như thời gian qua ảnh hưởng tiêu cực đến điều hành kinh tế vĩ mô, làm gia tăng vấn nạn buôn lậu vàng, chảy máu ngoại tệ, thất thu thuế; tăng cường công tác thanh kểm tra, kiểm soát, giám sát chặt chẽ, toàn diện có trọng tâm, trọng điểm đối với thị trường vàng…

Để bình ổn thị trường vàng, NHNN đã đấu thầu vàng miếng trở lại nhằm tăng tính công khai, minh bạch và tăng nguồn cung vàng trong nền kinh tế, qua đó giảm chênh lệch giá giữa trong nước và quốc tế cũng như chênh lệch giữa giá vàng SJC với giá vàng của các thương hiệu khác.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

Theo Minh Phương

Báo tin tức

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên