Chuyên gia: Khi Luật đất đai có hiệu lực, "nguồn cung dồi dào, câu chuyện đẩy giá vô tội vạ sẽ không còn"
Các chuyên gia kỳ vọng, khi Luật Đất đai sửa đổi có hiệu lực sẽ kích hoạt được nguồn lực đất đai, tháo gỡ các dự án đang bị vướng mắc. Điều này sẽ giúp nguồn cung dồi dào, câu chuyện đẩy giá vô tội vạ sẽ không còn, những méo mó đang tồn đọng của thị trường bất động sản sẽ giảm bớt.
- 12-04-2024TS. Lê Xuân Nghĩa: "Một mình phân khúc chung cư có bong bóng"
- 12-04-2024Chuyên gia Savills: Thị trường nhà ở sơ cấp đã có thời điểm bị "tê liệt" vì giá quá cao
- 12-04-2024TS Vũ Đình Ánh: "Chúng ta đang tư duy một cách lạ lùng về quyền sở hữu đất...ví dụ khi tôi mua nhà, thay vì tự đứng tên, tôi lại phải ghi tên vợ mình"
Tại toạ đàm "Cơ hội đầu tư bất động sản với Luật Đất đai sửa đổi", các chuyên gia kinh tế, chuyên gia pháp lý, đơn vị nghiên cứu và đại diện các doanh nghiệp bất động sản đều cho rằng, hành lang pháp lý hoàn thiện đã tạo nên những chuyển biến tích cực cho thị trường. Cùng với đó, việc Chính phủ thúc đẩy để Luật Đất đai có hiệu lực sớm, các cơ hội đầu tư cũng sẽ nhiều hơn, rõ nét hơn trong thời gian tới.
Từ góc nhìn chuyên môn về pháp lý, Luật sư Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch Công ty Luật SBLaw cho rằng, Luật Đất đai 2024 có một số điểm mới theo hướng tạo cơ hội và hỗ trợ cho cả các chủ đầu tư bất động sản và người sử dụng đất về mặt pháp lý.
Theo ông Hà, những điểm mới này bao gồm việc cấp phép chuyển nhượng đất thuê trả tiền hàng năm; mở rộng cơ hội cho vay thế chấp; cung cấp cơ chế xử lý các vấn đề đất đai liên doanh và người sử dụng đất góp vốn vào dự án khi dự án ngừng hoạt động hoặc doanh nghiệp phá sản; đưa ra cơ chế và thủ tục giải phóng mặt bằng.
Luật sư Nguyễn Thanh Hà cho biết, Luật Đất đai 2013 không cho phép chuyển nhượng đất thuê trả tiền hàng năm, nhưng trong Luật Đất đai 2024 đã có cơ chế cho phép chuyển nhượng. "Đây là nội dung đột phá và nhiều nhà đầu tư quan tâm, tôi đánh giá đây là hướng xử lý tốt", ông Hà nhấn mạnh.
Cùng chung nhận định, ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS) kỳ vọng, luật mới sẽ kích hoạt được nguồn lực đất đai, tháo gỡ cho các dự án đang bị vướng mắc.
"Luật Đất đai có thể được thực hiện từ ngày 1/7/2024 nhưng sẽ có những điều khoản bị lùi lại. Trước mắt, điều quan trọng nhất trong việc thực thi và thể chế Luật Đất đai là tháo gỡ hàng nghìn dự án đang bị mắc kẹt. Để làm được điều này, các văn bản dưới Luật cần được xây dựng cẩn thận, cụ thể và lấy ý kiến toàn thể người dân", ông Đính nói.
Cũng tại tọa đàm, chuyên gia pháp lý bất động sản Nguyễn Văn Đỉnh nhận định về tác động của các luật sửa đổi: Luật Kinh doanh bất động sản sửa đổi lần này tạo ra cơ chế công khai, minh bạch. Khi các luật được đồng bộ với nhau, các dự án sẽ được tiến hành nhanh hơn, bệnh sợ trách nhiệm của cán bộ liên quan cũng giảm đi, các quyết định cho thuê đất, giao đất sẽ sớm hơn, từ đó tạo ra thêm nhiều nguồn cung hơn.
"Khi nguồn cung dồi dào, câu chuyện đẩy giá vô tội vạ sẽ không còn, những méo mó đang tồn đọng của thị trường bất động sản hiện nay cũng sẽ giảm bớt", ông Đỉnh nhận định.
Tuy vậy, ông Đỉnh cũng nhấn mạnh dù Luật Đất đai sửa đổi tạo cơ hội cho các doanh nghiệp tiếp cận đất đai nhưng "cơ hội luôn gắn liền với thách thức và không có chuyện chỉ hưởng quyền lợi mà không có nghĩa vụ".
Liên quan đến cơ chế thu hồi đất, theo ông Đỉnh, việc duy trì cơ chế này là điều không thể nào làm khác trong bối cảnh kinh tế hạ tầng vẫn còn nhiều yếu kém. Có hai vấn đề không thể tách bạch là phát triển kinh tế, ổn định xã hội và lợi ích của người dân.
"Trong Luật Đất đai, chúng ta cần làm rõ về việc bồi thường thỏa đáng cho người dân, giá đất phải tuân theo nguyên tắc thị trường. Chính phủ cần hỗ trợ cho người dân một cách thực chất thay vì hình thức và phải có sự chủ động từ sớm, từ xa, từ trước khi thu hồi đất. Nếu làm được những điều này, việc thu hồi đất sẽ trở nên thực chất, quan hệ đất đai mới trở nên lành mạnh", ông Đỉnh khẳng định.
Bên cạnh đó, ông Đỉnh cũng cho rằng bất động sản là lĩnh vực đặc thù và đòi hỏi rất là lớn về năng lực tài chính, hiểu biết pháp lý… nên những doanh nghiệp vừa và nhỏ không nên tham gia thị trường với vai trò chủ đầu tư mà nên tham gia với vai trò trung gian. "Đây sẽ là cơ chế giúp thanh lọc thị trường và sàng lọc thị trường bất động sản rất nhanh, giúp thị trường trở nên đồng bộ hơn".