Chuyên gia: Không nên đẩy mạnh mua mới cổ phiếu lúc này vì thị trường đang rủi ro nhiều hơn lợi nhuận
Theo chuyên gia, nhóm nhà đầu tư ngắn hạn có thể vẫn theo niềm tin “giá còn tăng nữa” và đu theo dòng tiền. Nhưng dòng tiền trên thị trường như đoàn tàu lao về phía trước, rất khó cản khi hưng phấn, nhưng cũng khó đoán điểm dừng.
Thời gian vừa qua, thị trường đang ghi nhận thêm những động thái thanh lọc thị trường liên quan tới các vi phạm trong lĩnh vực chứng khoán.
Theo đánh giá của ông Bùi Văn Huy, Giám đốc Chứng khoán DSC Chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh, những câu chuyện xử lý những sai phạm trong chứng khoán không còn là câu chuyện mới của thị trường khi đã tâm điểm trong suốt năm 2022. Và việc đưa đưa ra khởi tố, xử lý các sai phạm sẽ không ảnh hưởng đến toàn bộ thị trường.
Dù vậy, ông Huy cho rằng sẽ có ảnh hưởng đến một số nhóm cổ phiếu cụ thể, là nhóm cổ phiếu mà dòng tiền FOMO giao dịch nhiều.
"Nhóm các cổ phiếu đầu cơ, nền tảng kém và tăng giá mạnh trong thời gian vừa qua có lẽ là nhóm dự kiến bị ảnh hưởng nặng nhất. Bởi lẽ, việc các vụ sai phạm mới được khởi tố là một lời nhắc nhẹ nhàng, cần thiết đến dòng tiền cá nhân lúc này. Liệu có nên đu theo dòng tiền mà bỏ qua yếu tố cơ bản hay không? ", vị Giám đốc đến từ DSC chia sẻ.
Riêng với tuần này, thị trường sẽ có số liệu CPI và GDP, sau đó là dữ liệu PMI. Nhìn qua dữ liệu trong thời gian vừa qua, ông Huy không quá lạc quan về dữ liệu tăng trưởng. PMI của Việt Nam đã suy giảm 6 lần trong 7 tháng gần nhất, cộng thêm việc thiếu điện trong tháng 6 cũng có thể là một nhân tố khiến ngành sản xuất khó hồi phục.
Đặt trong bối cảnh chung, số liệu PMI mới công bố ở Mỹ & châu Âu cũng cho thấy ngành sản xuất đang rất yếu và sự "vớt vát" có chăng đến từ khối ngành Dịch vụ. Nếu các số liệu tăng trưởng kinh tế trong nước tiếp tục kém tích cực thì cũng không quá bất ngờ. Mặt khác lạm phát (CPI) khả năng tiếp tục thấp, nhưng do cầu rất yếu.
"Không tham gia mua mới lúc này vì thị trường rủi ro nhiều hơn lợi nhuận "
Tất nhiên, ông Huy cho rằng chứng khoán là nhìn về tương lai và ở mỗi thời điểm sẽ có cách nhìn nhận khác nhau. Khi kinh tế xấu, các chính sách tài khóa, tiền tệ được kỳ vọng sẽ theo hướng nới lỏng và giúp phục hồi của nền kinh tế. Chứng khoán đi trước nền kinh tế và do đó sẽ chứng khoán sẽ đi lên trước. Tuy nhiên, trong kịch bản chính sách đã được thực thi và nhà đầu tư đã trả khi đẩy giá lên cao nhưng nền kinh tế chưa thể phục hồi như kỳ vọng thì có khả năng giá chứng khoán khi đó sẽ giảm trở lại.
Nhìn trên toàn cầu, thị trường châu Âu và Trung Quốc trong vài tuần trở lại đây là minh chứng rõ dần cho việc khi thực tế không như kỳ vọng. Ở châu Âu là những bằng chứng rõ ràng hơn về suy thoái, còn Trung Quốc thì đó là những thay đổi của nền kinh tế chưa thể như kỳ vọng sau các biện pháp nới lỏng.
Trong bối cảnh hiện tại khi khó khăn lộ ra hơn, ông Huy tỏ ra thận trọng hơn khi đánh giá giá đã tăng nhiều và vùng giá hiện tại là khó mở mua mới khi mức định giá hiện tại không thấy còn quá hấp dẫn trong dài hạn.
"Tại nhóm nhà đầu tư ngắn hạn, có thể họ vẫn theo niềm tin “giá còn tăng nữa” và đu theo dòng tiền . Dòng tiền nhà đầu tư cá nhân luôn khó đoán, FOMO và rất mạnh mẽ theo cả chiều lên lẫn chiều xuống. Như đoàn tàu lao về phía trước vậy, rất khó cản khi hưng phấn, nhưng cũng khó đoán điểm dừng. Son g tôi chọn không mua mới tại thời điểm hiện tại vì vùng thị trường này rủi ro nhiều hơn lợi nhuận ", vị chuyên gia DSC chia sẻ.
Với ý kiến lãi suất thấp khiến tiết kiệm chuyển qua chứng khoán, chuyên gia cho rằng điều này khó xảy ra khi khẩu vị rủi ro của 2 kênh này là khác nhau, dòng tiền tìm đến tiết kiệm là tìm đến an toàn. Trong khi đó, tài sản của nhà đầu tư sau 2022 giảm xuống vì chứng khoán, bất động sản đều xuống khiến nhu cầu tiết kiệm và phòng thủ ắt cao lên. Trong khi đó, triển vọng nền kinh tế chưa rõ ràng khiến chưa thể kích thích dòng tiền đầu tư nhập cuộc.
Nhịp Sống Thị Trường