Chuyên gia: Không phải chính sách lãi suất của Fed, đây mới là động lực thúc đẩy chứng khoán Mỹ
“Lãi suất dài hạn tăng cao không ảnh hưởng đến định giá cổ phiếu một chút nào”, Nicholas Colas, đồng sáng lập của DataTrek Research, cho biết.
- 19-03-2024Người Mỹ coi Trung Quốc là đối thủ lớn nhất, Nga đứng thứ hai, và một cái tên đang 'trong tầm ngắm'
- 19-03-2024Nhật Bản chính thức tăng lãi suất sau 17 năm, thị trường biến động: Chỉ số Nikkei 225 giảm, đồng Yên giảm
- 19-03-2024Trung Quốc sắp phá tan định kiến 'chỉ biết sao chép': Khiến Apple, Tesla thất sủng, Huawei bị đưa vào sách đen vẫn trở thành thương hiệu hàng đầu
Chứng khoán Mỹ không bị ảnh hưởng bởi Fed tăng lãi suất trong vài năm qua, do tăng trưởng thu nhập từ doanh nghiệp thúc đẩy các nhà đầu tư nhiều đổ tiền vào cổ phiếu ngay cả trong bối cảnh triển vọng lãi suất chính sách ngày càng ảm đạm, DataTrek Research nhận định.
Nicholas Colas, đồng sáng lập của DataTrek Research, cho biết trong một ghi chú hôm thứ Hai rằng đối với giá cổ phiếu, thì tăng trưởng thu nhập doanh nghiệp quan trọng hơn so với chính sách lãi suất của Fed trong dài hạn.
Colas cho biết, chứng khoán Mỹ “hoàn toàn” bỏ qua yếu tố lãi suất cao hơn từ năm 2019 và di chuyển gần như chính xác theo kết của hoạt động của doanh nghiệp. Lợi suất trái phiếu kho bạc kỳ hạn 2 năm đã tăng lên 4,7% vào thứ Hai từ khoảng 1,6% vào cuối năm 2019. Trong khi đó, chỉ số S&P 500 đã tăng 58% so với cùng kỳ khi thu nhập tăng 46%, theo dữ liệu do DataTrek tổng hợp.
Colas cho biết: “Lãi suất dài hạn tăng cao không ảnh hưởng đến định giá cổ phiếu một chút nào”. Ông nói thêm rằng ngay cả khi Fed không bắt đầu cắt giảm lãi suất trong năm nay, kinh tế Mỹ mạnh hơn dự kiến vẫn có thể thúc đẩy tăng trưởng thu nhập và giá cổ phiếu.
Từ đầu năm đến nay, một loạt báo cáo lạm phát nóng hơn dự kiến đã buộc các nhà đầu tư phải xem xét lại kỳ vọng về triển vọng cắt giảm lãi suất của Fed. Trong hai tháng qua, thị trường tương lai đã hạ kỳ vọng về số đợt cắt giảm lãi suất.
Các nhà giao dịch hợp đồng tương lai hiện kỳ vọng sẽ có ba đợt cắt giảm, mỗi lần giảm 1/4 điểm, vào năm 2024 với đợt giảm bắt đầu từ tháng 6, theo CME FedWatch Tool.
Tuy nhiên, thị trường chứng khoán dường như không bị ảnh hưởng. Thứ Ba tuần trước, S&P 500 đóng cửa ở mức cao kỷ lục sau báo cáo CPI tháng 2, nâng mức lợi nhuận tính đến thời điểm hiện tại của chỉ số vốn hóa lớn lên 8,1%. Theo dữ liệu của FactSet, chỉ số Nasdaq Composite đã tăng 7,4% trong năm 2024, trong khi chỉ số công nghiệp trung bình Dow Jones tăng 3,1% so với cùng kỳ.
Chứng khoán Mỹ cũng tăng mạnh vào thứ Hai khi các nhà đầu tư chờ đợi bài phát biểu của Chủ tịch Fed Jerome Powell và bản cập nhật về tóm tắt dự báo kinh tế vào cuối cuộc họp của Ủy ban Thị trường mở Liên bang (FOMC) vào chiều thứ Tư (giờ Mỹ).
Theo dữ liệu của FactSet, chỉ số Nasdaq đã tăng hơn 1%, trong khi chỉ số công nghiệp Dow tăng 0,4% và S&P 500 tăng 0,8% vào chiều thứ Hai.
Colas cho biết: “Tăng trưởng thu nhập là động lực quan trọng nhất đối với giá cổ phiếu, và chính sách của Fed chỉ là một phần phụ trừ khi suy thoái kinh tế xảy ra”. Ông thừa nhận rằng chứng khoán có thể trở nên “chao đảo” khi Powell và FOMC nói rằng sẽ có ít đợt cắt giảm lãi suất hơn trong năm nay, nhưng đó “không phải là lý do đủ để khiến cổ phiếu giảm”.
Thay vào đó, chính sách xoay trục của Fed sẽ là dấu hiệu cho thấy nền kinh tế vẫn khá mạnh và là nền tảng tốt để cải thiện thu nhập doanh nghiệp vào năm 2024 và 2025, Colas viết hôm thứ Hai.
Theo Market Watch
Nhịp Sống Thị Trường