Chuyên gia khuyến cáo những đối tượng không nên đi 'săn băng tuyết'
Những ngày gần đây, người dân ùn ùn đổ về các địa điểm vùng núi cao tại một số tỉnh Lạng Sơn, Cao Bằng, Hà Giang để 'săn băng tuyết'. Tuy nhiên các chuyên gia cảnh báo, một số đối tượng không nên di chuyển đến nơi nhiệt độ xuống quá thấp vì có thể gây nguy hiểm đến tính mạng.
- 26-01-2024Ảnh thời trang chống rét "bá đạo" ngập mạng xã hội
- 25-01-20245 bộ phận quan trọng trên cơ thể cần được giữ ấm ngày rét đậm
- 25-01-2024Bức ảnh gây tranh cãi: Trường cho trẻ nghỉ vì lạnh, phụ huynh bất chấp giá rét đưa con đi chụp ảnh băng tuyết
Các đợt không khí lạnh khắc nghiệt ngày càng xảy ra phổ biến hơn dưới tác động của biến đổi khí hậu. Điều này có thể gây ra các vấn đề sức khỏe cấp tính như cước chân tay, giảm thân nhiệt, viêm phổi, viêm mũi họng và một số bệnh mạn tính liên quan đến đường hô hấp, tim mạch, thậm chí nguy cơ bị đột quỵ, tử vong.
Các du khách ở các địa phương trên cả nước nơi phần lớn không quen với môi trường lạnh khắc nghiệt nên khi săn băng tuyết sẽ dễ gặp phải các vấn đề sức khoẻ, ảnh hưởng tới tính mạng do khi tiếp xúc với nhiệt độ quá lạnh, các mạch máu phải có phản xạ đột ngột để giúp cơ thể thích nghi.
Giải thích về cơ chế gây bệnh, PGS.TS Trần Thị Tuyết Hạnh, Giảng viên Sức khỏe môi trường, Trường Đại học Y tế công cộng cho biết nhiệt độ thay đổi đột ngột đòi hỏi hệ thống mạch máu sẽ phải có các phản xạ để thích nghi với sự thay đổi đó. Khi mạch máu co lại, tuyến thượng thận sẽ tăng tiết catecholamine trong máu dẫn đến co mạch ngoại vi.
Bên cạnh đó, đường trong gan sẽ được huy động tăng cường để tạo năng lượng cho cơ thể hoạt động. Những người đã có biến chứng xơ vữa động mạch, mỡ máu… khi gặp môi trường có nhiệt độ quá lạnh, động mạch đưa máu lên não bị tắc nghẽn, sức cản ngoại vi tăng nguy cơ gây đứt, vỡ các mạch máu não, đột quỵ và có thể bị tử vong.
Ngoài ra trẻ em, người già, phụ nữ mang thai và những người mắc các bệnh mãn tính khác cũng luôn là đối tượng nguy cơ cao bị ảnh hưởng sức khỏe khi tiếp xúc với điều kiện lạnh khắc nghiệt.
"Săn băng tuyết" được coi là rất mạo hiểm. Với những người rất khỏe mạnh và mặc ấm áp toàn thân thì đây có thể là trải nghiệm thú vị. PGS.TS. Trần Thị Tuyết Hạnh cho rằng không phải ai đi săn băng, tuyết cũng có nguy cơ đột quỵ hay nhồi máu cơ tim nhưng mọi người cân nhắc giữa tình trạng sức khỏe và các trải nghiệm thú vị.
Chuyên gia này khuyến cáo, những người có bệnh nền như tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn mỡ máu, các bệnh tim mạch, bệnh lý về phổi, người cao tuổi, trẻ nhỏ, phụ nữ mang thai,… tuyệt đối không nên tham gia (kể cả mặc rất ấm) vì nguy cơ ảnh hưởng đến sức khoẻ, thậm chí nguy hiểm tính mạng. Nếu bắt buộc phải ra ngoài trời khi nhiệt độ xuống thấp, người bệnh phải giữ ấm, đặc biệt chú ý đến đầu, cổ và các đầu chi.
Theo PGS.TS. Trần Thị Tuyết Hạnh, tại nhiều quốc gia, khi có người tham gia các trò chơi mạo hiểm sẽ được cân, đo và hỏi tiền sử bệnh tật để xem du khách có đủ điều kiện sức khỏe hay không. Kể cả người chơi rất thích tham gia và sẵn sàng trả tiền mua vé nhưng nếu thấy sức khỏe của họ không đáp ứng thì cũng sẽ bị từ chối.
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, dự báo trong đợt rét đậm, rét hại diện rộng hiện nay có khả năng kéo dài đến ngày 28/1. Sau đợt không khí lạnh mạnh cuối tháng 1/2024, dự báo không khí lạnh sẽ hoạt động yếu hơn so với trung bình nhiều năm nên khả năng xảy ra rét đậm, rét hại trong tháng 02-3/2024 ở mức thấp hơn so với trung bình nhiều năm cùng kỳ.
Tuy nhiên, cần đề phòng các đợt không khí lạnh có cường độ mạnh, nhất là trong tháng 2/2024, có thể gây rét đậm, rét hại trên diện rộng và nguy cơ xảy ra băng tuyết ở khu vực vùng núi cao Bắc Bộ.
Ngoài ra, hiện tượng mưa nhỏ, mưa phùn ở khu vực Bắc Bộ trong mùa Đông Xuân 2023-2024 có khả năng xuất hiện nhiều hơn trung bình nhiều năm. Các địa phương và người dân vẫn nên tiếp tục duy trì các biện pháp phòng chống rét, bảo vệ sức khỏe cho bản thân và gia đình.
Hình ảnh băng giá tại một số khu vực miền núi phía Bắc
Phụ nữ Việt Nam