Chuyên gia kiểm định chiếc đồng hồ quả quýt 1,5 triệu USD: Không phải vàng hay đá quý, thứ đáng giá nhất nằm ở mặt sau
"Lúc mở chiếc hộp đựng đồng hồ, thật may mắn khi tôi đang yên vị trên ghế bởi tôi nhớ như in rằng đầu gối mình đã run bần bật."
- 21-01-2021Đồng hồ bạc tỷ của các Đệ nhất Phu nhân Mỹ: Phong cách khác nhau nhưng đều điểm chung là đắt đỏ
- 21-01-2021Đặt 1 chiếc đồng hồ trên đỉnh núi, 1 cái khác ở bãi biển: Cho ra 2 giờ khác nhau, tại sao?
- 27-12-2020Chơi và đầu tư đồng hồ xa xỉ: Thú chơi thượng lưu có khả năng sinh lời cực "khủng" lên tới 700.000 USD, nhưng không dành cho những kẻ tay mơ
Khi nói đến đồng hồ, người ta có thể liên tưởng ngay tới đất nước Thụy Sĩ - cái nôi của ngành công nghiệp đồng hồ với những cỗ máy đếm tiêu chuẩn làm thỏa mãn các tín đồ sành đồng hồ khắp thế giới.
Trong chương trình kiểm định cổ vật "Antique Roadshows" phiên bản nước Mỹ, sức hấp dẫn của những chiếc đồng hồ Thụy Sĩ nổi tiếng lại một lần nữa được chứng minh khi chiếc đồng hồ quả quýt tham gia kiểm định năm 2004 đã trở thành một trong những cổ vật được định giá cao nhất chương trình. Vậy chiếc đồng hồ này có gì đặc biệt?
Chiếc đồng hồ quả quýt gia truyền
Tom Power, chủ nhân món cổ vật, là một kỹ sư đến từ tiểu bang Wisconsin, Mỹ. Ông cho biết chiếc đồng hồ mình mang đến chương trình "Antique Roadshows" đã được trao truyền trong gia đình từ thời ông cố.
Chiếc đồng hồ nhãn hiệu Patek Philippe (Thụy Sĩ) được sản xuất năm 1914 thuộc loại đồng hồ nhiều kim. Chất liệu chính là vàng 18 karat, có thêm 37 viên đá quý với bộ máy vô cùng phức tạp. Điểm đặc biệt nhất của chiếc đồng hồ quả quýt này là cả hai mặt đồng hồ đều hiển thị số.
Nếu như mặt đầu tiên hiển thị kim giờ, kim phút, kim giây cùng đồng hồ bấm giờ tương đối cơ bản thì mặt còn lại hiển thị thứ, ngày, tháng và cả chu kỳ mặt trăng (không có trăng, trăng khuyết hay trăng tròn) như một cuốn lịch vạn niên. Bộ máy đồng hồ thậm chí phân biệt được tháng có 30 hay 31 ngày, tháng 2 năm đó có 28 hay 29 ngày.
Mặt sau của chiếc đồng hồ quả quýt. Ảnh: PBS
Chỉ cần điều chỉnh một lần và giữ cho đồng hồ luôn hoạt động thì nó sẽ chạy trong cả trăm năm mà không cần căn chỉnh. Lịch vạn niên chính là một trong những công nghệ chế tác đỉnh cao nhất trong sản xuất đồng hồ. Chiếc đồng hồ trong chương trình cũng là một trong 3 chiếc đồng hồ hiển thị hai mặt hiếm hoi trên thế giới, tính đến thời điểm kiểm định.
1,5 triệu USD
"Tôi chưa bao giờ cầm một chiếc đồng hồ như thế này trên tay" chuyên gia kiểm định của chương trình thú nhận. "Ông cố của anh là ai?"
Chủ nhân cổ vật chia sẻ ông cố của mình là cựu chủ sở hữu của tòa soạn báo St. Paul Pioneer, cụ ông đã đích thân đặt làm chiếc đồng hồ quả quýt từ hãng Patek Philippe vào năm 1914. Chiếc đồng hồ vẫn được bảo quản tốt cùng hộp gốc, giấy chứng nhận nguồn gốc và bảo hành từ hãng.
Cận cảnh chiếc đồng hồ quả quýt Patek Philippe năm 1914. Ảnh: PBS
Gia đình Power đã từng đem chiếc đồng hồ này đi thẩm định một lần và nhận được cái giá 6.000 USD (tương đương 138 triệu đồng) nhưng Tom đã nhìn thấy một chiếc đồng hồ tương tự được định giá 25.000 USD nên mong món đồ gia truyền của mình cũng có giá như vậy. Tuy nhiên, gia đình ông đã nhận được một bất ngờ lớn.
Chuyên gia thẩm định của "Antique Roadshows" nhìn chiếc đồng hồ một lần cuối và nói với Tom: "Tôi định giá chiếc đồng hồ quả quýt này mức 250.000 USD."
Chủ nhân món đồ đã vô cùng ngạc nhiên, ông liên tục lắc đầu và thốt lên "Không đúng, không thể nào. Ông nói đùa đúng không? Không thể tin nổi."
Tuy nhiên, điều khó tin hơn cả là chiếc đồng hồ Patek Philippe 1914 này cuối cùng được bán tại một phiên đấu giá 2 năm sau đó với mức giá cao hơn cả giá thẩm định, thu về 1,5 triệu USD (tương đương 35 tỷ VNĐ).
Chủ nhân cổ vật không thể tin được những gì mình vừa nghe. Ảnh: PBS
Chiếc đồng hồ của ông đã được ghi nhận là cổ vật được trả giá cao thứ 2 trong tất cả những món đồ thẩm định trong "Antique Roadshows" phiên bản Mỹ.
Chuyên gia Paul Hartquist từng bồi hồi kể lại trải nghiệm kiểm định của mình trong một cuộc phỏng vấn vào năm 2020: "Lúc mở chiếc hộp đựng đồng hồ ấy, thật may mắn khi tôi đang yên vị trên ghế bởi tôi nhớ như in rằng đầu gối mình đã run bần bật".
Chủ nhân món cổ vật đã chia số tiền thu lại từ buổi đấu giá cho 15 thành viên gia đình Power và để lại một phần tiền để xây căn biệt thự sinh hoạt chung. Ở tuổi 67, Tom Power vẫn đang đi làm, tiếp tục công việc kỹ sư của mình và... duy trì thói quen không bao giờ đeo đồng hồ.
Bài viết tham khảo từ Artful Living
Trí thức trẻ