Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan: Covid-19 đã loại nhiều doanh nghiệp khỏi thị trường, vì sao một số vẫn đứng vững?
Tại hội thảo khoa học quốc gia: "Chính sách vượt qua tác động của Covid-19 để phục hồi và phát triển kinh tế", chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan nhấn mạnh, cần tìm ra yếu tố giúp các doanh nghiệp đững vững trong giai đoạn Covid-19 để từ đó rút ra các bài học trong tương lai.
- 16-10-2020Thủ tướng Nhật Bản và phu nhân thăm chính thức Việt Nam từ 18- 20/10
- 16-10-2020GrabFood và nỗi lo “bị nuốt chửng” của các thương hiệu đồ ăn
- 16-10-2020Thu ngân sách 9 tháng bị ảnh hưởng nặng nề bởi Covid-19
Bài học từ sự chuẩn bị kỹ càng của nhiều doanh nghiệp thời Covid-19
Phát biểu tại hội thảo, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan đã đặt ra câu hỏi: "Tại sao vào thời điểm này, vẫn có một số doanh nghiệp tồn tại được. Trong khi đại dịch Covid-19 đã loại rất nhiều doanh nghiệp ra khỏi thị trường, nhưng vẫn có một tỷ lệ doanh nghiệp nhất định đứng vững. Từ đó, có thể rút ra bài học gì cho các doanh nghiệp. Bởi vì những doanh nghiệp đứng vững này đã đóng góp cho nền kinh tế Việt Nam đứng vững trong thời gian qua".
Bà Lan nói thêm: "Hầu hết các doanh nghiệp có khả năng chống chịu mạnh mẽ là do họ có sự chuẩn bị trước đó, thích ứng nhanh với những biến động thị trường do căng thẳng thương mại Mỹ-Trung. Các doanh nghiệp cũng đã thay đổi định hướng đầu tư, phát triển thị trường, áp dụng công nghệ cao. Đây là những bài học cần nghiên cứu cụ thể hơn để học hỏi".
"Theo khảo sát của OECD và WB hồi tháng 8, có tới 50% doanh nghiệp Việt Nam đã chuyển sang bán hàng online. Đây là dấu hiệu tích cực, bởi họ đã làm được việc cần thiết để tự cứu mình. Qua đó, họ cũng đã góp phần giữ vững nền kinh tế thời gian qua".
Tập trung hỗ trợ doanh nghiệp có khả năng phát triển trong tương lai
Liên quan đến vấn đề chính sách hỗ trợ lần hai, bà Phạm Chi Lan nhận định, cần làm rõ tác động qua lại giữa các chính sách của Chính phủ, từ đó đưa ra hỗ trợ cho sự phục hồi của doanh nghiệp. Điển hình, với 12.000 tỷ đồng được giải ngân trong 62.000 tỷ đồng mà nhà nước đã hỗ trợ doanh nghiệp, cần xem xét những khu vực được tác động cũng như mức độ ảnh hưởng trực tiếp đến sự phục hồi của doanh nghiệp từ con số 12.000 tỷ đồng này.
"Số doanh nghiệp được thụ hưởng từ số tiền này chưa cao, những đối tượng doanh nghiệp, những ngành cần và có khả năng phục hồi thì lại chưa tiếp nhận được nhiều. Vì vậy, gói hỗ trợ lần này cần hướng tới các doanh nghiệp có khả năng phát triển trong tương lai".
Lý giải về điều này, bà Lan chỉ ra, bởi không chỉ đối với nền kinh tế, mà các doanh nghiệp lúc này cũng rất cần tái cơ cấu. Bên cạnh đó, cần tập trung hỗ trợ các lĩnh vực, doanh nghiệp hướng tới công nghệ và có khả năng phát triển trong tương lai.