Chuyên gia lý giải nguyên nhân Hà Nội mịt mù như Sa Pa từ sáng sớm đến trưa
Theo ông Trần Quang Năng, trong đêm nay và sáng mai (25/12), sương mù, mưa phùn tiếp tục có khả năng xảy ra ở các tỉnh Đông Bắc Bộ và Hà Nội.
Từ sáng sớm đến trưa 24/12, Hà Nội trong tình trạng mù mịt sương dày, không khí đặc quánh. Nhiều tòa nhà cao tầng bị sương mù "nuốt chửng", người đi đường phải bật đèn pha, nhiều người mặc cả áo mưa để chống lạnh.
Trao đổi với PV, ông Trần Quang Năng, Trưởng phòng Dự báo Thời tiết, Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia cho hay, sáng nay sương mù xuất hiện dày khu vực nội thành Hà Nội nói riêng và cả khu vực đồng bằng Bắc Bộ nói chung.
Lúc 7h sáng nay, tầm nhìn xa ước lượng ở khu vực nội thành Hà Nội phổ biến từ 300-500m.
"Đây là dạng sương mù bình lưu, hình thành khi không khí lạnh đã tồn tại những ngày trước ở khu vực Đông Bắc Bộ suy yếu và dịch chuyển về phía Đông mang nhiều hơi ẩm hơn vào đất liền.
Các lớp nghịch nhiệt xuất hiện ở độ cao từ 500-1500m kết hợp với điều kiện lặng gió ở bề mặt chính là điều kiện tổ hợp để xuất hiện tình trạng sương mù như sáng nay.
Dự báo với dạng sương mù bình lưu và các điều kiện thời tiết như hiện tại, tình trạng sương mù có khả năng kéo dài đến trưa, chiều sẽ giảm nhẹ", ông Năng nói.
Theo ông Năng, trong đêm nay và sáng mai (25/12), sương mù, mưa phùn tiếp tục có khả năng xảy ra ở các tỉnh Đông Bắc Bộ và Hà Nội. Ngày 26-27/12 không khí lạnh ảnh hưởng nên sương mù có khả năng giảm nhưng sau đó có thể quay trở lại nhiều từ ngày 27-28/12.
Về câu hỏi hiện tượng sương mù có ảnh hưởng như thế nào, ông Năng trả lời, hiện tượng này làm giảm tầm nhìn, có khả năng ảnh hưởng nguy hiểm đến giao thông, đặc biệt trên các đường quốc lộ và các khu vực sân bay.
Theo đại diện Trung tâm khí tượng thủy văn Quốc gia, dự báo trời Hà Nội hôm nay nhiều mây, có mưa nhỏ và sương mù, nhiệt độ dao động 17-20 độ C, độ ẩm đo được 85-86%.
Trong một diễn biến khác, theo các hệ thống đo chỉ số chất lượng không khí từ Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường), Trang thông tin điện tử và nền tảng ứng dụng PAM Air , Air Víual vào sáng nay, hơn 50 điểm quan trắc chuyển màu đỏ - mức có hại cho sức khỏe và 6 điểm màu tím - mức rất có hại cho sức khỏe, người dân hạn chế các hoạt động ngoài trời vào buổi sáng, ít mở cửa nhà và luôn đeo khẩu trang chống được bụi mịn.
Trưa 24/12, hệ thống quan trắc không khí của Tổng cục Môi trường tại 556 Nguyễn Văn Cừ (Gia Lâm, Hà Nội) ghi nhận chỉ số AQI ở mức kém là 183.
Theo AirVisual, chỉ số AQI tại Hà Nội hầu hết ở ngưỡng đỏ và ở mức cao từ 172-200, có hại cho sức khỏe, trong đó các điểm quan trắc ở Đại sứ quán Mỹ tại Hà Nội, Tô Ngọc Vân, đường Tây Hồ chuyển màu tím từ 212-275.
PAMAir ghi nhận chỉ số AQI ở hầu hết các điểm quan trắc đặt tại Hà Nội và một số nơi ở các tỉnh xung quanh Hà Nội như Nam Định, Thái Bình, Vĩnh Phúc, Bắc Giang, Ninh Bình ngưỡng đỏ, không tốt cho sức khỏe. Chỉ số AQI đều ở mức 154-196.
Những điểm cao nhất tập trung ở Hà Nội như Ngã 6 Ô Chợ Dừa (Đống Đa) là 183, Hàng Bún (Ba Đình) là 186, Nguyễn Chế Nghĩa (Thanh Xuân) là 193, Lý Thái Tổ (Hoàn Kiếm) là 194.
Trí thức trẻ