Chuyên gia MBS: Chứng khoán Việt Nam xứng đáng có mức định giá cao hơn, nhiều nhóm cổ phiếu về mức hấp dẫn để đầu tư
Theo chuyên gia, TTCK Việt Nam thường có độ trễ nhất định so với các thị trường quốc tế, song những rủi ro gần như đã được phản ánh hết vào đà giảm thời gian qua.
Thị trường chứng khoán vừa trải qua tuần giao dịch biến động khi VN-Index hồi phục trở lại sau khi đánh mất mốc 1.000 điểm trong phiên đầu tuần. Dù chỉ số giảm nhẹ trong phiên cuối tuần, song tâm lý thị trường đã dần ổn định sau khi lấy lại ngưỡng hỗ trợ tâm lý quan trọng.
Diễn biến này đồng pha với diễn biến của chứng khoán Mỹ, đánh dấu tuần tăng điểm thứ 4 liên tiếp của Dow Jones kể từ chuỗi 5 tuần tăng điểm liên tiếp hồi tháng 11/2021. Chất xúc tác cho đà tăng này là những tín hiệu tích cực cho thấy lạm phát giảm nhiệt và tiêu dùng vẫn vững vàng.
Dow Jones đã phục hồi khoảng 13% kể từ đáy và thu hẹp mức giảm so với hồi đầu năm là 11%. Với sự phục hồi này, giới phân tích cho rằng chứng khoán Mỹ đã bước ra khỏi thị trường “gấu” khi rủi ro phản ánh đáng kể. Với độ trễ nhất định, TTCK Việt Nam sẽ diễn biến ra sao?
Phân tích về diễn biến thị trường tuần qua, ông Hoàng Công Tuấn, Kinh tế trưởng Công ty Chứng khoán MB (MBS) đánh giá tâm lý thị trường đang chuyển từ bi quan sang ổn định. Nhiều thông tin tích cực hỗ trợ kéo VN-Index vượt xa ngưỡng 1.000 điểm và thị trường vẫn sôi động sau thông tin Ngân hàng Nhà nước tăng lãi suất.
Tâm điểm thị trường trong tháng 11 hướng về cuộc họp chính sách của Ủy ban Thị trường mở (FOMC) diễn ra trong 2 ngày 1-2/11. Tuy vậy, kết quả của cuộc họp có thể sẽ không gây ra bất ngờ khi xác suất rất cao Fed sẽ tiếp tục tăng 75 điểm cơ bản lãi suất điều hành.
Tuy vậy, có nhiều dấu hiệu cho thấy lạm phát có xu hướng tạo đỉnh. Đơn cử như chỉ số giá nhà đất tại Mỹ đã có sự chững lại khi chỉ tăng 13%, trong khi hồi đầu năm mức tăng trên 20% so với cùng kỳ.
Dự báo lạm phát có dấu hiệu hạ nhiệt khiến lo ngại Fed tiếp tục “diều hâu” trong việc tăng lãi suất cũng phần nào giảm bớt. Do đó, điều nhà đầu tư nên quan tâm là phát biểu của chủ tịch Fed về định hướng chính sách trong giai đoạn tới.
TTCK thường phản ánh trước thông tin nên có sự hồi phục tích cực. Không chỉ riêng chứng khoán Mỹ, thị trường của một số quốc gia cũng đang có xu hướng tạo đáy và đi lên. Chứng khoán Việt Nam thường có độ trễ nhất định, song những rủi ro gần như đã được phản ánh hết vào đà giảm thời gian qua.
Thời gian tới, tuy lãi suất và tỷ giá vẫn có sự biến động, song chuyên gia MBS kỳ vọng lãi suất dù có xu hướng tăng thêm trong thời gian tới, nhưng chỉ quay về mức trước dịch Covid. Thông tin tích cực là chúng ta đã đi được khoảng 2/3 chặng đường tăng lãi suất. Dự báo trong đầu năm sau, xu hướng tăng lãi suất sẽ hạ nhiệt và tỷ giá cũng ổn định hơn.
Theo chuyên gia, lãi suất có tăng thì đến thời điểm sẽ cân bằng, định giá thị trường khi đó cũng sẽ rất khác. Nhà đầu tư không nên để những thông tin ngắn hạn tác động đến yếu tố tâm lý mà bỏ quên giá trị dài hạn.
Thị trường đã phản ứng rất khốc liệt trước những rủi ro khi có thời điểm giảm gần 38% - mức giảm mạnh hơn cả khi xuất hiện dịch Covid. Tuy nhiên với bối cảnh vĩ mô như hiện tại, ông Tuấn cho rằng chứng khoán Việt Nam không xứng đáng bị định giá thấp như vậy.
Trong thời điểm hiện tại, chuyên gia MBS nhấn mạnh rủi ro đã phản ánh đáng kể lên giá cổ phiếu. Nhiều nhóm cổ phiếu đang có mức định giá rất rẻ để đầu tư, đặc biệt là nhóm ngân hàng.
Bàn về cơ hội đầu tư trong thời điểm này, chuyên gia đưa ra một vài gợi ý. Thứ nhất, nhóm cổ phiếu hưởng lợi khi tỷ giá biến động khi có lượng tiền mặt lớn, dư nợ USD thấp. Thứ hai, nhóm cổ phiếu xuất khẩu hoặc nhóm có mức giảm sâu cũng có cơ hội bật tăng mạnh mẽ trong thời gian tới.
Nhịp sống thị trường