MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chuyên gia MBS: Rủi ro đang giảm dần, Vn-Index có thể trở lại vùng 1.000 điểm trong năm 2019

Động lực tăng trưởng cho TTCK Việt Nam năm 2019 đến từ (1) kinh tế tăng trưởng cao so với các nước trong khu vực và EM; (2) tăng trưởng lợi nhuận các doanh nghiệp dự báo vẫn tích cực; (3) Xu hướng dòng vốn vào Việt Nam vẫn dương và (4) Triển vọng nâng hạng thị trường.

Tại buổi hội thảo MBS’talk 16 với chủ đề "Câu chuyện nâng hạng và triển vọng tươi sáng từ Emerging Market", các chuyên gia CTCK MBS đã đưa ra quan điểm về triển vọng thị trường trong năm 2019 với nhiều điểm tích cực hơn với TTCK Việt Nam.

Rủi ro đang giảm dần, nhóm Emerging Markets kỳ vọng "hút tiền"

Nhìn lại năm 2018, ông Trần Hoàng Sơn – Giám đốc chiến lược thị trường MBS cho biết không chỉ riêng Việt Nam mà hầu hết các TTCK trên thế giới đều bị ảnh hưởng nặng nề bởi các yếu tố như chiến tranh thương mại, FED tăng lãi suất…

Rủi ro trên TTCK thế giới được dự báo vẫn còn và có thể khiến thị trường biến động mạnh trong năm 2019. Tuy vậy, rủi ro đang có dấu hiệu giảm bớt khi FED sẽ kiên nhẫn hơn trong việc nâng lãi suất, cũng như cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung có thể "hạ nhiệt".

Theo ông Sơn, nhóm Emerging Markets sẽ trở nên hấp dẫn hơn trong năm 2019 bởi có nhiều nền kinh tế tăng trưởng cao và định giá hợp lý, đây sẽ là nhóm thu hút được dòng tiền. Thống kê một số thị trường EM từ đầu năm tới nay có thể thấy dòng vốn đang có dấu hiệu trở lại, dù không quá mạnh.

Dự báo của các tổ chức lớn trên Thế giới cũng cho rằng thị trường EM, đặc biệt khu vực Châu Á sẽ hấp dẫn hơn nhiều các loại tài sản tài chính khác và Việt Nam được kỳ vọng cũng được hưởng lợi.

Dù vậy, vẫn có những rủi ro nhất định với TTCK Thế giới như (1) Tăng trưởng kinh tế toàn cầu chậm lại, đường cong lợi suất trái phiếu Mỹ đảo ngược; (2) Điều kiện tài chính thắt chặt hơn khi FED tăng lãi suất; (3) Thay đổi địa chính trị toàn cầu (Brexit, chiến tranh thương mại Mỹ - Trung; bất ổn chính trị Châu Âu...).

TTCK Việt Nam với động lực từ tăng trưởng kinh tế cao và câu chuyện nâng hạng

Theo ông Sơn, động lực tăng trưởng cho TTCK Việt Nam năm 2019 đến từ (1) kinh tế tăng trưởng cao so với các nước trong khu vực và EM; (2) tăng trưởng lợi nhuận các doanh nghiệp dự báo vẫn tích cực; (3) Xu hướng dòng vốn vào Việt Nam vẫn dương và (4) Triển vọng nâng hạng thị trường.

Những rủi ro với TTCK Việt Nam vẫn là những yếu tố bên ngoài như FED tăng lãi suất, Trung Quốc suy giảm kinh tế, chiến tranh thương mại hay những vấn đề tỷ giá Nhân dân tệ.

Điểm tích cực là định giá TTCK Việt Nam sau nhịp điều chỉnh mạnh đang ở mức hợp lý với P/E forward 2019 ở mức 13-14x. Ngoài ra, ông Sơn cũng cho rằng sau một năm điều chỉnh mạnh, có thể kỳ vọng thị trường sẽ có một năm hồi phục.

Chuyên gia MBS đánh giá yếu tố tăng trưởng lợi nhuận sẽ là yếu tố quan trọng thu hút dòng tiền ở lại thị trường. Thanh khoản hiện đang khá thấp, nhưng có thể đến từ yếu tố Tết nguyên đán cận kề và có thể sẽ hồi phục trở lại sau Tết.

Năm 2019, thị trường sẽ tiếp tục có nhiều thương vụ thoái vốn tại các doanh nghiệp lớn như VGC, ACV,…và điều này có thể giúp dòng tiền gia nhập thị trường. Ngoài ra, câu chuyện nổi bật năm 2019 sẽ là nâng hạng thị trường. Hiện tại, Việt Nam đã được vào watchlist của FTSE Russell và dự báo năm 2020 sẽ được nâng lên EM. Tuy vậy, câu chuyện lớn nhất sẽ là vào danh sách nâng hạng EM của MSCI. Với nỗ lực của Bộ Tài chính, UBCK khi chuẩn bị sáp nhập 2 Sở giao dịch, cải cách luật chứng khoán, chúng ta có thể kỳ vọng những tiêu chí chính nâng hạng MSCI sẽ được hoàn thiện trong năm nay hoặc đầu năm sau. Đây là yếu tố quan trọng để nhiều quỹ ngoại tìm đến Việt Nam.

Chuyên gia MBS: Rủi ro đang giảm dần, Vn-Index có thể trở lại vùng 1.000 điểm trong năm 2019 - Ảnh 1.

Vn-Index sẽ hướng tới vùng 1.000 điểm trong năm 2019

Sử dụng lý thuyết sóng Elliott, chuyên gia MBS đánh giá TTCK Việt Nam đang ở cuối sóng giảm 4 và chuẩn bị bước vào sóng tăng 5 với kỳ vọng Vn-Index vượt đỉnh cũ 1.200 điểm. Kết hợp yếu tố cơ bản từ tăng trưởng kinh tế cao, cũng như triển vọng nâng hạng thị trường, Vn-Index sẽ tiếp tục bước vào xu thế tăng trưởng mạnh.

Theo ông Trần Hoàng Sơn, Vn-Index có thể đã tạo đáy tại vùng 860 điểm và thị trường sẽ sideway up (tăng dần) đến tết âm kịch. Với việc FED không tăng lãi suất, cũng như Chiến tranh thương mại "hạ nhiệt", có thể kỳ vọng thị trường sẽ tích cực hơn.

Chuyên gia MBS: Rủi ro đang giảm dần, Vn-Index có thể trở lại vùng 1.000 điểm trong năm 2019 - Ảnh 2.

Vn-Index chuẩn bị bước vào sóng tăng?

Với kịch bản tích cực, MBS đánh giá Vn-Index sẽ đạt 990 – 1.100 điểm trong năm 2019 và đây là kịch bản có xác suất cao. Ngược lại, trường hợp tiêu cực (xác suất 10 – 15%), MBS dự báo Vn-Index sẽ về 700 – 750 điểm.

Dù vậy, chuyên gia MBS vẫn khuyến nghị nhà đầu tư nên thận trọng và chỉ nên dành khoảng 50% cho cổ phiếu, 25% cho trái phiếu, 20% tiền mặt và 5% tài sản khác.

Chiến lược đầu tư năm 2019 sẽ ưu tiên các cổ phiếu phòng thủ, tránh rủi ro. Trong đó, nên tập trung vào các cổ phiếu hưởng lợi từ thị trường nội địa (ngân hàng, bán lẻ), các cổ phiếu hưởng lợi từ hiệp định thương mại, điện, công nghệ.

Minh Anh

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên